Thư Châu Âu: Có ông bà thật là sướng

08/03/2015 08:09 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,

Mấy năm trước, một người bạn Ý của tôi đã nói như thế về một người đang sống với gia đình chị. Đấy không phải là một người bà theo đúng nghĩa máu mủ ruột già, chỉ là một bà lão người Ba Lan chuyên giúp việc nhà và chăm sóc cho con gái nhỏ của gia đình bạn. Bà Tudi, tên bà, một người phụ nữ rất tốt bụng, nhân hậu và cô cùng sùng đạo, có nhiệm vụ đi chợ, nấu cơm, tắm rửa và chơi với cô con gái duy nhất của nhà bạn. Bà ở đó đã nhiều năm, nhiều đến mức không ít người tưởng rằng Tudi là bà ngoại hay bà nội của cô bé.

Những gia đình người Ý có những bà giúp việc tốt bụng và lanh lợi như thế không ít. Nhưng những gia đình không cần đến các bà giúp việc mà sử dụng chính bố mẹ đẻ của họ giúp họ làm việc nhà hoặc chăm sóc, đưa đón con cái, thậm chí đưa thú cưng của họ dạo chơi trong công viên những ngày nắng ấm thì đang chiếm đa số. Không chỉ vì người Ý vẫn quen sống nhiều thế hệ trong một mái nhà, hoặc vì không có người giúp việc nên phải đưa bố mẹ đến sống cùng, mà vì một lí do khác nữa: suy thoái kinh tế khiến họ không thuê người giúp việc, chủ yếu là người Đông Âu như bà Tudi, và ông bà ruột bỗng dưng trở thành một nguồn lực quan trọng của gia đình, không chỉ về mặt tình cảm, mà còn chân tay, theo đúng nghĩa đen của nó.

Tudi cũng như những "ông bà thật" khác là lực lượng đi siêu thị mua sắm những ngày trong tuần cho con cái họ, khi họ đang ngồi trong văn phòng, vật lộn và bon chen với công việc. Cầm trong tay những mẩu giấy ghi chằng chịt những thứ con cái dặn mua, họ cần mẫn đẩy xe đến từng quầy hàng, lấy những thứ cần thiết, cho đến khi hoàn thành "nhiệm vụ". Quầy thu ngân cũng toàn những bóng ông bà xếp hàng trả tiền.

Đến chiều, ông hoặc bà đi đón cháu ở trường học về, cho chúng ra công viên chơi đu quay hoặc xích đu, rồi có khi dắt chúng đi học ngoại khóa, chờ ở đó cho hết buổi rồi lại đón chúng về. Khi không bận chợ búa hay cháu chắt, họ xếp hàng ở các bưu điện mỗi sáng để đóng tiền nước, tiền điện, tiền gas, hoặc nộp tiền phạt vi cảnh cho con cái, rồi tranh thủ lĩnh lương hưu cho mình.

Marcello và Elisabetta là những ông bà như thế. Tôi gặp họ mỗi tuần hai buổi khi họ lái xe đưa đứa cháu gái 12 tuổi đi học bơi ở nơi con gái tôi cũng đang theo học. Họ là những trí thức về hưu đang dành phần còn lại của đời mình chăm sóc cho gia đình nhỏ của cô con gái cả. Họ đi chợ, sửa sang cửa nhà, dọn vườn, chăm cho chú chó mà cháu họ rất yêu mến, đưa cháu đi học hàng ngày, đón nó về, rồi đưa nó đi học bơi. Có một hôm chỉ thấy bà Elisabetta đưa cháu đi bơi. Ông Marcello phải đi khám tim. Tim của ông có vấn đề. Mấy lần gặp, ông đều nói ông không được khỏe. Bà Elisabetta bảo, Marcello là người rất tình cảm và chịu khó. Ông không chịu nằm yên một chỗ quá một ngày. Thế rồi, tôi thấy ông trở lại, lái chiếc xe chở cháu gái đến bể bơi, nở nụ cười khi nhìn thấy tôi. "Tôi phải ra đường, phải làm một điều gì đó, nói chuyện với ai đó", ông bảo, "tôi luôn muốn làm một điều gì đó có ích, khi tuổi tác còn cho phép".

Ý là một đất nước có dân số già ở Châu Âu, với số người già ngày một tăng. Điều đó tạo ra những áp lực không nhỏ đối với nền kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội, khi quỹ lương hưu ngày một phình to. Suy thoái kinh tế kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ lên họ, nhất là những người già sống đơn thân. Một phóng sự mới rồi phát trên kênh RAI 3 cho thấy những hình ảnh đầy cảm động của một bà lão góa bụa khó khăn thế nào trong những ngày mùa đông rét mướt, trong một canh phòng nhỏ lạnh lẽo. Lương hưu của bà và của rất nhiều người già neo đơn khác quá thấp, không đủ sống, chưa nói đến trả tiền khí đốt để sưởi ấm. Mấy năm trước, một người bảo vệ siêu thị kể cho nhật báo La Repubblica một câu chuyện vô cùng buồn. Ông bảo, khủng hoảng kinh tế khiến người già ăn cắp siêu thị nhiều hơn. "Chúng tôi thường không báo cảnh sát, và một số trường hợp, kín đáo theo họ về đến tận nhà để tìm hiểu thông tin, để xem họ sống thế nào", ông nói. "Họ thường không lấy những thứ đồ đắt tiền. Họ chỉ lấy đi một ít đồ ăn chẳng đáng giá bao nhiêu để sống qua ngày".

Những câu chuyện không hay ấy thực ra chỉ là một phần của bức tranh xã hội liên quan đến những người già ở Ý, và nhiều trong số đó tôi đã trực tiếp gặp và nói chuyện, như ông Marcello hay bà Tudi. Họ cũng quay cuồng trong một cuộc sống không hề đơn giản của con cái và của chính họ. Nhưng bây giờ, Tudi không còn ở đây nữa. Bà đã trở về Ba Lan mùa hè trước, theo một chuyến xe bus xuyên Châu Âu. Bà về với con cái bà ở Krakow và an hưởng tuổi già. Tôi biết, bà nhớ con bé con và gia đình bạn tôi lắm. Nhưng họ không cần bà nữa, vì con bé con đã lớn và họ có thể tự chăm sóc cho nó cũng như nhà cửa của họ rồi. Họ cũng không đưa bà ngoại lên trông cháu được. Bà đang ở cách Rome 200 cây số, không muốn rời căn nhà tươm tất mà bà đang sống một mình. Hàng tuần, bạn tôi lái xe về thăm mẹ một lần vào thứ Bảy, đều đặn như vắt chanh.

Nhưng có lẽ, chị để Tudi ra đi, vì một phần nữa: trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế, gia đình chị muốn tiết kiệm một khoản tiền. Thống kê cho thấy, bằng cách thôi không thuê người giúp việc nhà, các gia đình Ý có thể tiết kiệm từ 3 đến 5 tỉ euro mỗi năm, một khoản tiền vô cùng lớn trong thời buổi khó khăn này...

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm