Thập niên, thập kỷ, thiên niên kỷ và...

25/11/2020 06:52 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thập (十) trong tiếng Hán có nghĩa là "mười". Nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, thất, bát, cửu, thập là những số đếm (từ 1 đến 10) quen thuộc đọc theo âm Hán Việt.

Chữ và nghĩa: 'Be bé' và 'tre trẻ'

Chữ và nghĩa: 'Be bé' và 'tre trẻ'

Hẳn là nhiều người chúng ta còn nhớ mấy câu thơ này trong bài thơ “Đi học” của Hoàng Minh Chính (đã in trong tập Hương cốm, NXB Kim Đồng, 1975 và đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt, lớp 2, tập 1, NXB Giáo dục, 2002)...

Bình thường, “thập” không dùng độc lập (kiểu: Nhớ mua “thập” (10) cái bút. Thế mà đã qua “thập” ngày) mà "thập" thường xuất hiện trong một kết hợp nào đó.

“Thập” chính là thành tố tạo từ có sức sản sinh cao và đã được nhập vào trong kho tàng từ ngữ tiếng Việt từ xa xưa với không ít đơn vị từ vựng: thập ác, thập cẩm, thập kỷ, thập lục, thập niên, thập phân, thập phương, thập loại chúng sinh, thập tử nhất sinh, thập tự chinh... Nhưng có mấy từ liên quan tới thời gian mà nếu nhẩn nha "chiết tự" (chiết: bẻ, tự: chữ, chiết tự là "phân tích ra từng yếu tố rồi căn cứ vào đó để giải nghĩa"), ta sẽ thấy mỗi một từ lại có những sắc thái ngữ nghĩa khác nhau.

Trước hết, ta có từ thập niên: 十年. "Niên" có nghĩa là "năm" (hoặc "tuổi"), thập niên là "10 năm". Trong tiếng Việt, “thập niên” được dùng để "chỉ khoảng thời gian 10 năm, thường được tính từ thời điểm nói". Ví dụ: Một thập niên dài đằng đẵng qua rồi mà anh ta vẫn chưa làm được cái gì nên tấm nên món...

 

Chú thích ảnh
Đây là các từ hay bắt gặp trong cuộc sống

Lại có từ "anh em" với thập niên là thập kỷ. "Kỷ" cũng là năm. Vậy “thập kỷ” cũng có nghĩa là "10 năm". Nhưng người Việt dùng “thập kỷ” với nghĩa chỉ "khoảng thời gian từng 10 năm một, tính từ đầu thế kỷ trở đi". Ta thường nghe nói: Phát minh này có từ thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 18, hoặc: Từ đầu thế kỷ 20, dân tộc ta đã đã trải qua những cuộc đấu tranh suốt bao nhiêu thập kỷ hào hùng v.v…

Có một tổ hợp từ 3 âm tiết cũng có thành tố "niên" là “thiên niên kỷ” (千年紀), (“thiên”: 1.000, “niên”: năm, “kỷ”: thời gian nhất định) chỉ "khoảng thời gian 1.000 năm". Quả là một quãng thời gian rất dài (những 10 thế kỷ cơ mà). Ví dụ, ta thường nói: Loài người chúng ta đã qua 2 thập kỷ thăng trầm và đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba (bắt đầu từ năm 2001 đến năm 3000).

Thành tổ “kỷ” đồng nghĩa trên còn có mặt trong từ “thế kỷ” (世紀). "Thế" là đời, "kỷ" là khoảng thời gian nhất định. “Thế kỷ” là "khoảng thời gian 100 năm" (“kỷ” có ngụ ý: một đời người). Nhân loại vẫn lấy cách gọi đơn vị này để tính 21 thế kỷ mà lịch sử loài người đã trải qua.

Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ

Một đôi người u uất nỗi chơ vơ

Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị

Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.

(Vũ Hoàng Chương, Phương xa)

Chúng ta còn thấy từ “kỷ nguyên” (紀元) (“kỷ”: năm, “nguyên”: khởi đầu, bắt đầu), và “kỷ nguyên” được dùng để chỉ "thời kỳ lịch sử được mở đầu bằng một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa quyết định sự phát triển về sau của xã hội hay của một lĩnh vực nào đó". Ví dụ: Dân tộc ta đã bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội; hay: Có thể nói, sang thế kỷ 21, nhân loại bước vào kỷ nguyên của công nghệ thông tin...

Ngoài ra, “kỷ” (紀) được dùng để chỉ "đơn vị thời gian địa chất, bậc dưới của đại, dài từ hàng triệu đến hàng chục triệu năm". Ví dụ: Chuyện đó xảy ra từ kỷ băng hà. Mầm mống loài người xuất hiện từ đầu kỷ đệ tứ, cách đây khoảng một triệu năm v.v…

Xem ra chỉ từ một từ “thập”, ta thấy "dắt dây" không biết bao nhiêu từ liên quan. Cũng bởi từ ngữ phản ánh cuộc sống. Mà cuộc sống quanh ta thì muôn hình vạn trạng. Âu cũng là một lẽ thường tình.

Chào thiên niên kỷ thứ ba

Loài người "tăng tốc" bước qua chính mình.

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm