Remix Giải trí: Ngắm ảnh cưới Hoài Linh làm gì khi nghe đồn là họ đã... chia tay?

20/04/2016 06:19 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trung Quốc cấm các chương trình truyền hình thực tế có trẻ em tham gia, và nhắm đích danh luôn chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế”. Còn ở Việt Nam, cả chục chương trình tương tự vẫn lên sóng ầm ầm. Trong khi đó, một trường trung học còn tiếp tay cho vấn nạn thanh thiếu niên dán mắt vào tivi, bằng cách đưa “Hậu duệ mặt trời” vào trong đề thi.

Đó là những tin tức nổi bật trong bản tin Remix Giải trí, tính đến 19h hôm nay, 19/4. Thể thao & Văn hóa tiếp tục cập nhật bản tin này.

* Pulitzer và Việt Nam

Trong kháng chiến chống Mỹ, Pulitzer là cái tên khá thân thuộc với Việt Nam với hàng loạt các bức ảnh kinh điển trên chiến trường Việt Nam và Đông Dương đoạt giải thưởng uy tín này, trong đó có bức “Em bé Napalm” của Nick Út mà bản tin Remix Giải trí số vừa qua chúng tôi đã đề cập đến.

Dễ dàng tra được các bức ảnh chiến tranh Việt Nam đoạt giải Pulitzer (trích từ kienthuc.net.vn)

Bức ảnh đoạt giải thưởng Pulitzer đầu tiên về chiến tranh Việt Nam là tác phẩm của nhiếp ảnh gia huyền thoại Horst Faas, phóng viên ảnh của hãng thông tấn AP.

Bức ảnh chụp ngày 19/3/1964, ghi lại cảnh một người dân Việt Nam ôm xác con trong khi toán lính biệt kích của quân đội Sài Gòn nhìn xuống từ xe thiết giáp.

Đứa trẻ đã bị chết khi quân Sài Gòn truy đuổi du kích Giải phóng trong một ngôi làng gần biên giới Campuchia. Bức ảnh đã đoạt giải Pulitzer năm 1965.


Bức ảnh đoạt giải Pulitzer năm 1965 của
Horst Faas

Năm 1966, đề tài chiến tranh Việt Nam tiếp tục giành giải thưởng danh giá của Pulitzer. Đó là bức ảnh của phóng viên Kyoichi Sawada, hãng thông tấn UPI (United Press International) ghi lại cảnh một bà mẹ Việt Nam cùng 4 đứa con lội qua một ruộng nước ở Bình Định để chạy trốn khỏi những cuộc không kích từ máy bay Mỹ. Bức ảnh được chụp trong năm 1965.


Bức "Lánh nạn" của Kyoichi Sawada đoạt giải Pulitzer năm 1966

Năm 1969, phóng viên ảnh nổi tiếng Edward T. Adams (Eddies Adams) của hãng thông tấn AP giành giải thưởng Pulitzer cho hạng mục Ảnh tin tức với bức ảnh “Vụ hành quyết Sài Gòn” (Saigon Execution), ghi lại cảnh tướng "Sáu Lèo" Nguyễn Ngọc Loan bắn thẳng vào đầu chiến sĩ đặc công Nguyễn Văn Lém trên đường phố Sài Gòn vào ngày 1/2/1968, khoảng thời gian đầu của cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân.

Năm 1972, phóng viên David Hume Kennerly của hãng thông tấn UPI giảnh giải thưởng Pulitzer của hạng mục Ảnh vấn đề sự kiện với loạt ảnh về các điểm nóng xung đột trên thế giới năm 1971, trong đó có cuộc chiến tranh Việt Nam.

Vân vân và vân vân...

Khi Việt Nam không còn là “điểm nóng” của thời sự thế giới nữa, thì cái tên Pulitzer cũng dần trở nên xa lạ.


Giải Pulitzer

Nhưng hôm nay, đúng dịp 100 năm của giải thưởng này, thì cái tên Pulitzer lại gây chấn động dư luận trong nước, khi một tác giả người Mỹ gốc Việt là Nguyễn Thành Việt đoạt giải Pulitzer 2016 ở hạng mục tác phẩm hư cấu với The Sympathizer (tạm dịch là Cảm tình viên).

Thật ra, chúng ta chưa biết nhiều về tác giả này cũng như tác phẩm đầu tay đã mang lại vinh quang cho anh. Chúng ta chỉ biết đại ý rằng tác phẩm kể về một điệp viên Việt Nam năm 1975 vượt biên từ Sài Gòn sang Los Angeles để hoạt động tình báo.

Hy vọng rằng câu chuyện này sẽ rõ ràng hơn trong một vài ngày tới.

* Lại chờ một người gốc Việt tỏa sáng: Đạo diễn Trần Anh Hùng

Một người gốc Việt khác cũng gây ấn tượng mạnh ở các giải thưởng nghệ thuật uy tín thế giới. Đó là Trần Anh Hùng. Sau “Mùi đu đủ xanh” (bộ phim duy nhất cho đến nay của điện ảnh Việt Nam lọt vào danh sách đề cử vòng cuối cùng của Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất), Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng...., anh tiếp tục bắt tay vào Éternité (Vĩnh cửu), dự kiến ra mắt vào tháng 8 tới.


Phim mới của Trần Anh Hùng

Bộ phim này ban đầu dự tính sẽ được trình chiếu tại LHP Cannes, nhưng thông tin mới nhất cho thấy, lịch chiếu đã thay đổi. Báo Tuổi trẻ dẫn nguồn tin cho biết, Éternité xếp thứ 48 trong top 100 phim nước ngoài được mong đợi nhất năm 2016.

Như vậy tại LHP Cannes năm nay, dấu ấn Việt Nam có lẽ vẫn dừng lại ở sự kiện diễn viên Thanh Thúy và Angela Phương Trinh khả năng sẽ tham dự.

* Google thắng kiện, người đọc hưởng lợi

Nhiều văn nghệ sĩ hoặc tác giả sách có thể rầu lòng, nhưng công chúng thì rất mừng khi hôm nay, Tòa án tối cao Mỹ xử cho Google thắng vụ kiện bản quyền sách kéo dài 12 năm.

Trong vụ kiện kéo dài hơn 1 thập kỷ, các tác giả và các tổ chức đã kiện Google vì hành động scan hàng triệu cuốn sách, sao chép và phân phối các tác phẩm của họ một cách không hợp pháp trên mạng Internet và không bồi thường cho bên sở hữu bản quyền. Nhưng Tòa đã bác đơn của họ, cho rằng việc làm của Google là hợp pháp.


Google thắng trong vụ kiện vi phạm bản quyền

Google bắt đầu scan các tác phẩm sách để tạo thư viện sách số vào năm 2004 với mục tiêu cung cấp trích đoạn các tác phẩm này tới người dùng có nhu cầu tìm kiếm, tham khảo. Thực ra, chẳng biết việc làm này hợp pháp đến đâu, nhưng với công chúng, thì họ sẵn sàng hoan nghênh vì nó giúp ích cho việc tìm kiếm và mua sách trong thời đại công nghệ số.

* Trung Quốc cấm các chương trình truyền hình thực tế có trẻ em tham gia

Trung Quốc vừa ra thông báo cấm sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình thực tế có trẻ em tham gia,  nhất là con cái của các ngôi sao nổi tiếng và nhắm đích danh tới “Bố ơi mình đi đâu thế”. Ý nghĩa của việc này, thì tất cả chúng ta đều đã nói từ lâu: để bảo vệ trẻ em khỏi những ám ảnh mê muội của sự “nổi tiếng sau một đêm”.


Chương trình "Bố ơi mình đi đâu thế" của Trung Quốc. Ảnh Tuổi trẻ

Còn ở Việt Nam thì sao? Theo báo Tuổi trẻ, hơn một chục chương trình truyền hình thực tế có đối tượng tham gia là thiếu nhi đã, đang và sẽ phát sóng trên ba kênh VTV3, HTV7 và THVL1 và tất nhiên có cả Bố ơi mình đi đâu thế, phiên bản Việt.

* Bố ơi mình đi xem “Hậu duệ mặt trời”?

Trong khi Trung Quốc cấm “Bố ơi mình đi đâu thế”, thì ở Việt Nam, sau khi cơn bão truyền trình thực tế cuốn biết bao nghệ sĩ người lớn nhao lên Tivi làm giám khảo, làm thí sinh, xa rời những lao động nghệ thuật thầm lặng; thì các nhà tổ chức lại tiếp tục tung ra các phiên bản nhí, để đám trẻ học nổi tiếng theo các cô, dì, chú, bác chúng.

Từ lâu người ta đã nói đến nguy cơ văn hóa nghe nhìn lấn át văn hóa đọc. Các chương trình giải trí giết thời gian dành cho các bà nội trợ cuốn cả xã hội vào guồng quay. Trong cơn sốt “Hậu duệ mặt trời”, rất nhiều người đã thở than về Làn sóng Hàn ở nước Việt, lấn át các chương trình “thuần Việt”, chưa kể còn nhiều yếu tố lịch sử nhạy cảm của bộ phim này chưa phải là đã làm hài lòng tất cả. Ấy thế mà, một trường trung học phổ thông lại đưa một tình tiết của bộ phim này vào đề thi.

Thực ra, tình tiết này đưa vào đề thi chẳng có bất cứ một sự ảnh hưởng nào đến đáp án. Nó chỉ là gia vị cho đề thi có vẻ thời thượng hơn.

Cụ thể, đề thi dẫn tình tiết “trong tập 1 bộ phim 'Hậu duệ của mặt trời', cảnh đại uý Yoo Shi Jin (do diễn viên Song Joong Ki thủ vai) hất điện thoại trên tay bác sĩ Kang Mo Yeon (do diễn viên Song Hye Kyo thủ vai) thật ấn tượng. Giả sử chiếc điện thoại nặng 150g được đại úy ném thẳng đứng lên cao với vận tốc 18 km/h từ vị trí cách mặt đất 1,5 m. Chọn gốc thế năng ở mặt đất” Từ đó bài thi yêu cầu tính toán các hiện tượng vật lý liên quan.


Cảnh hất điện thoại trong phim Hậu duệ mặt trời

Câu hỏi đặt ra, là đưa tình tiết nêu trên vào để làm gì? Để cho các em “tỉnh ngủ” hơn khi bỗng dưng được nhìn thấy thần tượng của mình khi phải vùi đầu vào bài thi vật lý khô khan? Hay để chứng minh năng lực thẩm mỹ của các thầy cô cũng không đến nỗi nào?

Đây không phải lần đầu, những thứ thời thượng trên truyền thông đi vào các đề thi. Nào thì chuyện Sơn Tùng ngậm kẹo đi vào đề thi hóa lớp 10, rồi lại chuyện Đàm Vĩnh Hưng sản xuất chuối, Trấn Thành sản xuất cam đi vào đề thi ở trường cao đẳng...

Tôi rất nhớ hồi đầu tháng, trao đổi bên hành lang Quốc hội về xu hướng ra đề thi mở hiện nay đối với học sinh, Giáo sư Đào Trọng Thi (đại biểu TP Hà Nội) cho rằng không nên quá lạm dụng thông tin thời sự thay cho kiến thức. Như vậy ngay cả các thông tin thời sự rất ý nghĩa mà GS Thi còn cảnh báo như thế để tránh lạm dụng, thì việc rắc gia vị vào các đề thi bằng “Hậu duệ mặt trời” hay "Sơn Tùng ngậm kẹo", Đàm Vĩnh Hưng trồng chuối, Trấn Thành trồng cam... có nên chăng?

Những cách ra đề nêu trên vô hình trung quảng cáo không công cho “Hậu duệ mặt trời” khuyến khích các em dán mặt vào màn hình Tivi theo dõi các chương trình giải trí, trong khi việc quan trọng đối với các em là phải học tập để mở rộng kiến văn.

* Ảnh cưới Hoài Linh – nhắc lại thêm buồn

Cuối cùng thì người vợ của danh hài Hoài Linh cũng lộ diện, do một sự tình cờ.  Số là MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên trong lúc nhớ về “người xưa cảnh cũ” đã tung lên mạng những tấm hình chụp cách đây 20 năm. Chẳng ngờ ảnh cưới Hoài Linh nằm trong số đó.


Ảnh cưới Hoài Linh

Nhìn một cái ảnh cưới chụp cách đây 20 năm, không thật nét lắm, mà người trong ảnh lại ẩn sau lớp phấn son cô dâu không hề mỏng, vậy mà dư luận vẫn rất tinh mắt nhận ra nhan sắc của vợ Hoài Linh, không thua kém các hoa hậu thì quả là rất tài.

Và điều đó càng chứng tỏ dư luận yêu mến anh đến mức nào. Tuy nhiên, việc khen hay chê lúc này đều rất vô duyên, cuộc hôn nhân của Hoài Linh bị đồn là đã kết thúc, và anh chưa bao giờ tiết lộ lý do dẫn tới chia tay.

Có rất nhiều lời đồn về tình trạng của cuộc hôn nhân này và cũng từ vài năm nay, nhưng chưa bao giờ Hoài Linh lên tiếng, kể cả việc xác nhậ lời đồn về "con ruột Hoài Linh". Điều đó cho thấy anh là người kín tiếng, và không muốn chuyện riêng tư của mình trở thành miếng mồi của truyền thông.

Nói chung, sau khi chia tay, thì ảnh cưới là thứ đầu tiên người ta muốn đưa vào “kho đồ cũ” tức dĩ vãng mến yêu. Mà dĩ vãng của mình thì chẳng ai muốn bị người khác đào lên cả. Dĩ vãng ấy vĩnh viễn thuộc về cá nhân mình. Thường thì chỉ khi nào “hiện tại hỏng hóc” thì người ta mới có nhu cầu “giở kho đồ cũ”: Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa.

Đấy là thiển ý của tôi, chả biết Hoài Linh thế nào, vì có bao giờ anh lên tiếng chuyện hôn, nhân gia đình, con cái đâu?

Đông Kinh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm