Qua vụ việc "đạo thơ", ta biết thêm cơn đau màu gì?

23/10/2015 14:54 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Cơn đau màu gì? Một câu hỏi rất trừu tượng, đúng không? Cơn đau là từ xúc giác (da) hay từ tinh thần; còn màu sắc là từ thị giác. Vì thế, trả lời câu hỏi “cơn đau màu gì?”, đương nhiên phải cần tới năng lực của nghệ thuật, của thi ca.

Câu trả lời mà trong những ngày này, có lẽ mọi người đều có thể tìm thấy: Cơn đau màu men ngà.

Đó là câu thơ thứ 5 tính từ dưới lên trong bài thơ Buổi sáng của P.N Thường Đoan - bài thơ vốn không có nhiều người biết, giờ đây qua vụ việc "đạo thơ" giữa Phan Huyền Thư với nữ sĩ này thì hẳn mọi người không thể bỏ qua:

“Khói thuốc cay và cà phê đắng

Cơn đau màu men ngà

Buổi sáng ngồi một mình

Uống cạn kiệt

lạ 

quen”!

(Trích Buổi sáng, P.N Thường Đoan, rút từ  tập thơ Đếm cát, 2003)


Bìa cuốn "Đếm cát" và "Sẹo độc lập"

2. Trong bối cảnh văn chương khan hiếm người đọc ngày nay, trừ một số ít tác giả có nhiều công chúng như Phong Việt, Lê Bảo Giang, Nồng Nàn Phố (nghe nói thơ in hàng ngàn bản và liên tục tái bản), còn lại, công chúng chỉ đột nhiên bốc đồng với thi ca khi có một sự vụ chấn động nào đó, mà thường thấy nhất là các nghi án đạo thơ.

Chẳng hạn khi bài thơ của Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh bị đạo, người ta mới sửng sốt thấy hai câu “Mực đóng thành băng trong ruột bút/ Hơ hoài than đỏ chảy thành thư” (Thư mùa Đông) không những “quá đỉnh” mà còn gây ra được một cơn sốt ở xứ Đài, và được ví với những câu thơ diễm tình của Kinh Thi, Đường Thi hay cổ thi của Nhật Bản.

Ngoài ra, công chúng cũng thi nhau truyền tụng những câu thơ như “Tết này có ai cho rượu ngoại?/ Càng thấu tình men lá rượu ngô trong” mà một vị quan chức cảm khái viết ra lúc treo ấn từ quan. Hay những câu thơ có tính chất trăng trối của hai vị tử tù vốn chưa từng làm thơ là Nguyễn Đức Nghĩa, Dương Chí Dũng.

Cơn đau ấy của thơ, do sự thờ ơ của công chúng, khó có thể xác định là màu gì.

3. Trở lại với vụ việc "đạo thơ", bài thơ Bạch lộ (nằm trong tập thơ Sẹo độc lập, 2014) vừa đoạt Giải thưởng Văn học Hà Nội. Cho đến nay, dù Phan Huyền Thư không dùng cụm từ "đạo thơ", nhưng chị cũng đã xác nhận Bạch lộ sáng tác sau bài Buổi sáng của P.N. Thường Đoan. Bài thơ Bạch lộ có nhiều nét tương đồng cả về câu chữ, hình ảnh, cấu tứ, cảm xúc và cũng trả lời được câu hỏi “Cơn đau màu gì?”. Cơn đau ấy là màu "da lươn" - một loại màu men rất phổ biến ở gốm, đã thành khái niệm từ hàng trăm năm nay:

Bão giông đã nửa đời lạc nhịp

Cơn đau da lươn lên men vân gốm

Buổi sáng mị tình

Nốc cạn

Một tứ thơ.

(Bạch lộ, Phan Huyền Thư, 2014)

Chúng ta rất hiếm khi hình dung được cơn đau màu gì, trừ khi chúng ta là nghệ sĩ, trong tĩnh lặng, cảm nhận đến tận cùng nỗi đau, để thấy nó hiển hiện ra, in hằn lên trước mặt. Chẳng hạn như in hằn lên chiếc cốc gốm hoặc sứ đựng cà phê hoặc rượu trước mặt. Chỉ trong cảm xúc ấy người ta mới thấy:

“Cơn đau màu men ngà”.

Hoặc

“Cơn đau da lươn lên men vân gốm”.

Dù sao cũng phải cảm ơn một trong hai nữ sĩ, hoặc cả hai, vì đã cho chúng ta một câu thơ hay và cả bài thơ hay, để trong cuộc sống ồn ã này, chúng ta có thể sống chậm lại, trong tĩnh lặng và cảm thấy cơn đau màu gì.

Tất nhiên, nếu chúng ta sống chậm hơn, chịu đọc nhiều hơn, thì chắc chắn chúng ta đã biết đến màu của cơn đau trong câu thơ này một cách rộng rãi, chứ không phải chờ đến khi có nghi án đạo thơ, chúng ta mới đọc.

Nguyễn Phi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm