Những 'tòa án giáo dục'

10/12/2020 06:43 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ tự tử không thành của một nữ sinh lớp 10 tại An Giang đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Trong lá thư tuyệt mệnh, em muốn dùng cái chết để chứng minh mình không làm gì sai sau những hình thức kỷ luật phải chịu đựng: kiểm điểm trước toàn trường, lao động và cấm túc hàng ngày trong 2 tuần.

Nhà trường trần tình về vụ học sinh tự tử do áp lực học tập

Nhà trường trần tình về vụ học sinh tự tử do áp lực học tập

Học sinh tự tử tại trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình) là học sinh mới vào trường học được 1 học kỳ và được đánh giá là học sinh giỏi, ngoan ngoãn, có điểm trung bình các môn của học kỳ 1 đạt 8,9.

“Lấy uy quyền ra trấn áp học sinh” và “bạo lực tinh thần” là những từ mà Y – tên cô bé – nhắc đến trong lá thư đáng nhớ này. Và, cho dù vụ việc còn đang được làm rõ, nhưng dư luậnđã đứng về phía em một cách rõ ràng.

Đó không hẳn chỉ là sự chua xót trước hành động dại dột của một cô bé 16 tuổi. Xa hơn, câu chuyện còn chạm tới một vấn đề được tích tụ từ lâu và đang trở thành nỗi lo thường trực của các phụ huynh: Nạn bạo hành tinh thần từ một số người đang đứng trên bục giảng đối với con em mình.

Chú thích ảnh

Bởi, với bạo hành về thể xác, mỗi học sinh đều có thể cầu cứu phụ huynh bằng những vết tích trên cơ thể. Còn bạo hành tinh thần về bản chất lại vô hình. Đó có thể là những câu quát mắng, những lời xúc phạm công khai hoặc ngấm ngầm - và nguy hiểm nhất, là việc tạo ra hiệu ứng để cách ly học sinh với một tập thể vẫn được giáo dục rằng giáo viên là người có quyền lực tuyệt đối trong môi trường sư phạm.

Chẳng có gì lạ, khi sự cô lập ấy có thể gặm nhấm tinh thần các học sinh ở độ tuổi đang phát triển - vốn khó kìm chế cảm xúc, hành vi và dễ đưa ra những quyết định dại dột, xốc nổi.

Trở lại câu chuyện của Y. Bất kể phạm lỗi gì, việc cô bé 16 tuổi này tự tìm đến cái chết là một điều vô cùng day dứt cho ngôi trường, cũng như những thầy cô giáo của em. Không lời biện minh nào có thể thay đổi thực tế ấy.

Còn nếu buộc phải tìm một lý do bào chữa, thì rất đáng buồn: Lý do ấy nằm ở những nhược điểm còn rơi rớt của cả một nền giáo dục, khi người ta không ý thức được việc bắt các học sinh của mình phải trải qua cảnh bạo hành tinh thần.

Bởi, chính kiểu kỷ luật “cảnh cáo trước toàn trường” mà Y phải trải qua đang là một trong những tâm điểm tranh cãi từ nhiều năm nay - khi nó từng nhiều năm nằm trong Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về khen thưởng và kỉ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chỉ từ tháng 11 vừa qua, hình thức kỷ luật ấy mới được xóa bỏ hoàn toàn trong một thông tư mới ban hành.

Nhưng chắc chắn, những gì từng diễn ra trong hàng chục năm đã trở thành quán tính khó thay đổi trong cách nghĩ và cách tư duy của những người làm thầy - mà chuyện xảy ra với Y là một ví dụ.

Chỉ cần tìm kiếm trên mạng, chúng ta không khó để bắt gặp những câu chuyện tương tự - cho dù nạn nhân chưa bị đẩy tới mức tuyệt vọng như Y. Để rồi, mỗi lần như vậy, các phụ huynh và chuyên gia giáo dục lại lên tiếng rằng đó là cách làm tàn nhẫn, khiến các em mang tâm lý xấu hổ, mặc cảm, tự ti và dễ gây ra sự bi quan hoặc oán giận với cả cộng đồng.

Thẳng thắn, rất khó nhận xét rạch ròi về sự đúng/sai của việc áp dụng cách này trong quá khứ, khi nó gắn với những bối cảnh đặc thù của xã hội, của ngành giáo dục và của nhận thức chung. Nhưng, cũng không có gì sai, khi nhiều ý kiến chỉ rõ: Cách kỷ luật truyền thống ấy không nên được giữ trong thời đại 4.0 này, bởi mỗi học sinh đã có những thay đổi về nhận thức, cảm xúc và cả việc giữ gìn sự tự trọng của cá nhân trước cộng đồng.

Có thể, ngôi trường nơi Y học đã sai vì áp dụng một hình thức kỷ luật không còn trong thông tư mới. Nhưng về bản chất, dù mới dù cũ, một thông tư sẽ không thể thay thế cho một triết lý mà người thầy phải thấm nhuần ở thế kỷ XXI: Nhà trường không phải là quan tòa, giáo dục không phải là tòa án. Và giáo dục là để bồi dưỡng nhân cách con người chứ không phải để loại trừ.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm