'Máu chảy đến đâu ruồi bâu đến đó'

23/12/2020 08:08 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Máu là “chất lỏng màu đỏ chảy trong các mạch của người và động vật, có vai trò quan trọng đối với sự sống của cơ thể” (“Từ điển tiếng Việt”, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Khi xảy ra hiện tượng "máu chảy" tức là lúc đó cơ thể (người và động vật) bị tổn thương và rõ ràng, đó là dấu hiệu đáng lo ngại. Bình thường cũng đã tổn hại tới sức khoẻ, còn bị nặng thì có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Chữ và nghĩa: 'Máu chảy ruột mềm' - Tình anh em, nghĩa đồng bào

Chữ và nghĩa: 'Máu chảy ruột mềm' - Tình anh em, nghĩa đồng bào

Đây là một câu thành ngữ quen thuộc và được thống kê trong nhiều cuốn từ điển thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt. Về cơ bản, ngữ nghĩa của thành ngữ này cũng được giải thích tương tự nhau.

Nhưng với lũ ruồi (bọ 2 cánh, có vòi hút, râu ngắn, thường mang vi trùng truyền bệnh đường ruột) thì đây là một cơ hội để kiếm ăn. Bạn cứ thử đứt tay đứt chân hay bị thương máu chảy mà xem. Chỉ trong chốc lát, lũ ruồi nhặng sẽ bay tới bu quanh vết thương để hút máu "lộ thiên" một cách ngon lành. Hiện tượng này là căn cứ để hình thành nên tục ngữ "Máu chảy đến đâu ruồi bâu đến đấy".

Nguyễn Đức Dương (trong “Từ điển Tục ngữ Việt”, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải nghĩa câu này là: "Thấy máu chảy là ruồi sẽ theo ngay đến đó để bâu vào. Hay dùng để chỉ một lẽ thật: Ở đâu có lợi lộc là lũ hám lợi ắt đổ xô ngay tới đó (để tranh phần)".

Tương tự, Việt Chương (trong “Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam”, quyển hạ, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2003) cũng giải thích: "Máu vốn có mùi tanh tưởi nên hấp dẫn ruồi nhặng. Hễ có máu là có ruồi. Nghĩa bóng câu này cho rằng hễ mình giàu có thì không thiếu bà con xa gần, bạn bè thân sơ đến bợ đỡ, kết thân; không mời, không gọi họ cũng tự động kéo đến".

Về cơ bản, các sách khi giải thích đều cho rằng câu tục ngữ trên là một nhận định (mang tính tổng kết) về một lẽ thường vẫn xảy ra trong đời sống. Đó là hành động của những kẻ “hám lợi cầu danh” khi xuất hiện những cơ hội, dù rằng cơ hội đó bắt nguồn từ nỗi đau hay rủi ro của người khác (được ví như hành vi bản năng kiếm ăn đặc trưng của loài ruồi khi xuất hiện “sự cố” máu chảy của ai đó, hay con vật nào đó). Sự đời ấy giống như câu thơ (trong bài “Thế tục”) của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Thớt có tanh tao ruồi đổ đến/ Gang không mật mỡ kiến bò chi!”.

Nhưng dân gian vẫn đang tồn tại một cách hiểu khác nữa.

Vì theo nhiều người, “máu chảy” ở đây hàm chỉ một “nỗi đau, hiểm họa” của ai đấy mà người đó lại chính là người thân thuộc (anh em trong gia đình, dòng họ, hay xa hơn là bạn bè, người quen trong cộng đồng). Khi có “máu chảy” (biểu hiện tường minh của tai hoạ) thì sẽ xuất hiện những người có tấm lòng tương thân tương ái, đứng bên cạnh để chia sẻ, giúp đỡ.

“Ruồi bâu” ở đây không phải để “hút máu” mà là “kịp thời có mặt để biểu thị tình cảm cũng như sự quan tâm cần thiết với một người trong cộng đồng đang gặp hoạn nạn”. Đó là hành động rất cần thiết, mang tình nhân ái, đậm tính nhân văn.

Chuyện thành ngữ, tục ngữ tồn tại và phân hoá thành 2 (hay nhiều) cách hiểu (lưỡng khả) âu cũng là chuyện bình thường. Đó mới chính là cuộc sống muôn màu khác biệt. Chính những biểu hiện của dân gian trong những tình huống cụ thể mà chúng ta có căn cứ tìm ra “đáp số”.

Cũng từ câu chuyện “ruồi bâu”

Mà ta thấu hiểu cho nhau, cuộc đời.

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm