Khi khán giả chỉ thích 'cười cho vui'...

13/05/2016 07:21 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Quan sát các chương trình giải trí trên truyền hình hiện nay, thấy có một nghịch lý, những chương trình có cách tiếp cận nghiêm túc, đứng đắn thì ít người xem, còn chương trình dễ dãi, “cười cho vui”, “cười lấy được” thì đông người xem. Vậy là, nếu cứ chạy theo lượng người xem cũng đồng nghĩa chạy theo quảng cáo, các chương trình nghiêm túc, giá trị sẽ còn đâu đất sống?

Một ví dụ đang diễn ra, Truyền thông Khang có các chương trình đậm chất giải trí như Cười xuyên Việt, Solo cùng bolero… thì rất đông người xem, rating cao ngất. Trong khi một chương trình thiên về văn hóa nghệ thuật như Ngôi sao phương Nam, dù được đầu tư bài bản về cách nghĩ, cách làm, lại ít người xem hơn, theo khảo sát rating của chính đơn vị sản xuất.

Xem lại các số đã phát của Ngôi sao phương Nam, có thể nói đây là một bước đi táo bạo của một đơn vị sản xuất trẻ. Có vẻ như họ mong muốn xây dựng một chương trình truyền hình thuần Việt cho người Việt, hướng người xem đến một phong cách âm nhạc đã định hình giá trị trong đời sống đại chúng: dòng nhạc trữ tình, quê hương.


Chương trình "Cười xuyên Việt" rất đông người xem

Chương trình cũng khơi lại những cảm xúc, những ký ức đẹp đẽ về hồn quê Việt Nam. Đã có ý kiến cho rằngNgôi sao phương Namcó cốt cách, tinh thần của Giai điệu tự hào, dù cách tiếp cận và thể loại âm nhạc thì khác nhau.

Chương trình bao gồm 12 tập với 12 chủ đề: Non sông Việt Nam, Gia đình tôi, Hành trình trên đất phù sa, Bài ca không quên, Ngàn năm tình sử, Trở về tuổi thơ, Tiếu vương hội, Sân khấu cuộc đời, Sóng nước phương Nam, Hội trùng dương, Hồn ViệtNgôi sao phương Nam.

Có những tiết mục quy tụ hơn 60 diễn viên, sân khấu được dàn dựng kỹ lưỡng từ đạo cụ đến âm thanh, ánh sáng, trang phục. Thế nhưng sau 10 số phát sóng, lượng người xem lại tăng lên không đáng kể, có thể xem là một nghịch lý đáng buồn.

Trong vô số lý lẽ đưa ra để lý giải về sự xàm xí thì có đông người xem, còn nghiêm túc lại ít, cộng đồng mạng có nhiều tranh luận, trong đó một ý cũ được nhiều người ủng hộ: cuộc sống quá nghiêm túc, quá căng thẳng rồi, tìm cái gì nhẹ nhàng một chút để giải trí.

Cũng có ý kiến cho rằng việc tiếp cận điều gì đó nghiêm túc, đẳng cấp thì cần được chuẩn bị từ nhỏ, nhưng cách giáo dục thì lại còn nhiều lạc hậu với sự chuẩn bị này.

Nếu những lý lẽ trên đây đều đúng thì điều đáng lo không chỉ đến với sự thiếu vắng người xem ở các chương trình nghiêm túc, lành mạnh (vì không xem truyền hình cũng đâu có sao). Điều đáng lo hơn là cách giáo dục chưa thật sự bắc nhịp cầu cho một số điều tốt đẹp đến với nhau (?).

Và tại sao cuộc sống của chúng ta lại quá nghiêm túc, quá căng thẳng, quá stress đến mức sợ cả những chương trình hơi hơi đứng đắn, hơi hơi nghiêm túc. Mà căng thẳng, stress cũng không chỉ dừng lại ở đó, nó còn được đem ra cắt nghĩa cho nhiều vụ va chạm xe đơn giản mà dẫn đến đánh nhau nghiêm trọng, rồi cướp lộc thánh…, quả là đáng lo thật.

Làm sao để cuộc sống của chúng ta bớt căng thẳng, bớt stress là một câu hỏi cũ, nhưng không hề dễ trả lời.

Như Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm