Góc nhìn 365: Di sản của thiếu nhi

13/04/2021 07:12 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Dù hiện chưa có thông tin chính thức Hà Nội sẽ sử dụng Cung Văn hóa thiếu nhi ra sao, vào mục đích gì, phá đi hay giữ nguyên trạng để sử dụng… nhưng với khuôn viên công trình rộng hơn 8.100m2, nằm ở vị trí đắc địa của quận Hoàn Kiếm, được ví như khu đất kim cương là đích ngắm (bởi siêu lợi nhuận) của các nhà đầu tư bất động sản… thì dư luận xã hội không thể không lo ngại”.

Cung Thiếu nhi Hà Nội: Sôi nổi các hoạt động hè

Cung Thiếu nhi Hà Nội: Sôi nổi các hoạt động hè

Cung Thiếu nhi Hà Nội là thiết chế giáo dục ngoài nhà trường lớn nhất của cả nước, mỗi năm thu hút gần 30.000 lượt thiếu nhi đến tham gia học tập tại 64 bộ môn thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Đó là những nhận xét thẳng thắn trong bản kiến nghị vừa được Hội Kiến trúc sư Việt Nam gửi lên thành phố Hà Nội và khiến dư luận đặc biệt chú ý trong những ngày qua.

Cần nhắc lại, kiến nghị này được đưa ra ở thời điểm Hà Nội vừa khởi công xây dựng một Cung thiếu nhi mới tại quận Cầu Giấy và chưa công bố giải pháp ứng xử với Cung thiếu nhi hiện tại.

Nếu nói rộng hơn, đây cũng không phải là lần đầu tiên Cung thiếu nhi khiến dư luận - chứ không chỉ các KTS - lên tiếng vì những gì diễn ra quanh nó.

Cụ thể, vào năm 2018, Hà Nội cũng từng có chủ trương thu hồi lại tòa nhà Pháp cổ nằm trong công trình này để giao cho UBND thành phố quản lý và sử dụng, tuy nhiên ý tưởng ấy đã phải hủy bỏ sau phản ứng khá gay gắt từ cộng đồng.

Cung Văn hóa thiếu nhi, Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội, Bảo tồn Cung thiếu nhi, Ấu trĩ viên Hà Nội, xây dựng mới cung thiếu nhi, di sản đô thị, kiến trúc cung thiếu nhi
Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội khi mới hoàn thành (1978-1980). Ảnh tư liệu - Nguồn: Internet

Xa hơn, vào năm 2015, khi việc tôn tạo công trình này được triển khai, Hội KTS Hà Nội cũng chính thức có văn bản đề nghị Thành đoàn Hà Nội (đơn vị quản lý Cung thiếu nhi) cung cấp hồ sơ bản vẽ thi công để Hội nghiên cứu và góp ý với thành phố.

Thậm chí, gần 10 năm trước, KTS Lê Văn Lân, tác giả thiết kế một phần cụm công trình này, cũng từng gửi thư ngỏ tới lãnh đạo Hà Nội về tình trạng thiếu hợp lý ở Cung thiếu nhi, khi hầu hết các hành lang, lối thoát hiểm, sảnh... bị ngăn vụn bằng song sắt để tổ chức các lớp học.

***

Những câu chuyện ấy diễn ra không chỉ bởi Cung thiếu nhi nằm trong quần thể không gian Hồ Gươm, nơi luôn được dư luận quan tâm sâu sát. Xa hơn thế, Cung thiếu nhi còn là công trình gắn với ký ức của một bộ phận lớn người dân thành phố từ hơn nửa thế kỷ qua.

Thậm chí, nếu tính từ thập niên 1930, khi tòa nhà kiến trúc Pháp tại đây được xây dựng với tên gọi Ấu trĩ viên, Cung thiếu nhi đã có gần 1 thế kỷ tồn tại với công năng hướng tới một chủ thể duy nhất là trẻ em. Để rồi, từ một khu vui chơi biệt lập chỉ dành cho trẻ em người Pháp, Ấu trĩ viên đã hướng tới phục vụ tmọi tầng lớp trẻ em ngay từ sau 1945 và được mở rộng quy mô vào gần 30 năm sau đó.

Cũng rất thú vị, nếu chúng ta biết rằng khi được xây dựng mở rộng, Cung thiếu nhi ban đầu chỉ được quy hoạch với tính chất của một cơ sở có quy mô khu vực dành cho thiếu nhi, trong bối cảnh các em gặp nhiều thiệt thòi về sinh hoạt trong chiến tranh. Còn lại, theo lời các chuyên gia, một Cung thiếu nhi có quy mô đồ sộ hơn đã được các chuyên gia Liên Xô thiết kế tại khu vực gần Bách Thảo để gắn với Hồ Tây, nơi dự kiến sẽ là trung tâm mới của Hà Nội sau chiến tranh. Thế nhưng, vì nhiều lý do, công trình này không được xây dựng, và Cung thiếu nhi trở thành “cái nôi” ươm mầm cho mọi sinh hoạt năng khiếu của trẻ em Hà Nội đến tận bây giờ.

Ở những năm 2020 này, nếu nhìn qua, hẳn nhiều người sẽ thấy Cung thiếu nhi có kiến trúc khá giản dị và khiêm tốn, với một tòa nhà cao 5 tầng và một rạp Khăn Quàng Đỏ tầm trung (hơn 500 chỗ ngồi) bên cạnh tòa nhà Pháp cổ xưa. Nhưng, theo đánh giá của các KTS, đó là một công trình mẫu mực về ngôn ngữ kiến trúc thời bấy giờ, với sự tinh tế để kết nối cùng kiến trúc Pháp cũ và quần thể không gian Hồ Gươm lân cận, cũng như nét hiện đại với hệ thống thang máy, vườn hoa trên mái, tranh tường...

Những giá trị cả về kiến trúc và văn hóa được tích tụ theo thời gian ấy, đủ để Cung thiếu nhi Hà Nội được kỳ vọng bảo tồn nguyên vẹn như một chứng nhân của Hà Nội qua nhiều giai đoạn lịch sử kế tiếp nhau. Và, bên cạnh một Cung thiếu nhi thứ hai được xây dựng, với một Hà Nội đã được mở rộng hơn trước rất nhiều, cũng chẳng có gì khó hiểu, khi mà công trình này được các chuyên gia đề xuất vẫn giữ nguyên công năng cũ: Trở thành nơi sinh hoạt và phát triển năng khiếu nghệ thuật của trẻ em Hà Nội. Bởi, hiếm hoi, chúng ta mới có một di sản đô thị gắn liền với trẻ em như thế.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm