25/01/2017 13:51 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Ly rượu mừng năm mới là truyền thống không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, thói quen ép rượu bia vào dịp Tết đang trở thành vấn đề nhức nhối. Điều này cũng là một trong những lý do dẫn đến những ca thương vong liên quan tới bia rượu mỗi độ nghỉ Tết.
Ông Bình chia sẻ: Thời gian gần đây, nhiều người coi rượu là giá trị tuyệt đối. Vui cũng rượu mà buồn cũng rượu; thưởng cũng rượu mà phạt cũng rượu; trời nóng cũng uống mà trời lạnh cũng uống... Cũng bởi thế, việc uống rượu vào ngày Tết đang có những dấu hiệu thái quá cũng không lạ.
"Bởi, đó là khoảng thời gian nghỉ dài, tiền bạc cũng rủng rỉnh hơn ngày thường đôi chút, những cuộc gặp mặt lại diễn ra liên miên. Và, trong câu chuyện đầu năm, rượu thường là "cái cớ" để mở đầu những câu chuyện. Nhiều người không muốn uống nhưng vẫn phải chấp nhận uống như một lề thói mặc định"- Ông Bình giải thích.
Cũng theo ông Trịnh Hòa Bình, trong văn hóa giao tiếp, người Việt thường khá khép kín. Nên, rượu là "chất dẫn" để con người cởi mở với nhau hơn. Khi chếnh choáng men say, rượu giúp xóa nhòa những thứ bậc, những ngại ngùng để câu chuyện thêm gần gụi.
Tuy nhiên, rất nhiều người đã lạm dụng điều này và dùng rượu như thứ để thể hiện đẳng cấp. Người nào uống được cảm thấy tự hào hơn vì họ cho thế là hay. Rồi họ cố ép những người không muốn uống hoặc tửu lượng kém hơn mình.
"Người ta không chỉ ép nam giới, người ta ép cả phụ nữ uống rượu. Trong khi đó, đây là điều tối kỵ ở các nước văn minh"- Ông Trịnh Hòa Bình chia sẻ - "Chưa kể, nhiều người không ác ý song họ vẫn coi rượu là thang đo. Nghĩa là phải uống với nhau mới là quý mến, chân tình. Nhiều người còn nghĩ chỉ uống một chén không sao".
"Thực tế, mỗi người phải đi chúc Tết rất nhiều nhà. Mỗi nhà một, hai ly với nhiều loại rượu khác nhau là đủ say. Trong khi đó, phương tiện di chuyển thường là xe cá nhân. Xe taxi những ngày Tết cũng thường "cháy". Người say cũng không được ngủ ở nhà chủ vì đầu năm "kiêng". Nó khiến hệ lụy của việc ép rượu trở nên rất nguy hiểm."- Ông Bình nói.
Theo ông Bình, để hạn chế tình trạng trên, điều tối cần thiết là giáo dục và truyền thông để người dân hiểu: Bia rượu không phải là thang đo giá trị con người; bia rượu cũng không phải biểu tượng của tình cảm con người dành cho nhau; và, việc ép rượu bia là hành động cần lên án thay vì những cái gật đầu cả nể.
Cúc Đường- Mỹ Mỹ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất