Cuộc chiến 'bỏ Tết' - Bài 1: Vì sao, cứ đến Tết là đòi... bỏ?

09/02/2018 13:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) -Như một thông lệ trong vài năm nay, cứ sát Tết nguyên đán, một cuộc tranh luận lại được xới lên: Chúng ta có nên... bỏ Tết âm lịch hay không?

Thực tế, chỉ chục năm trước, nếu nhắc tới giả thiết đặc biệt rằng Ngày Tết Nguyên Đán sẽ không còn tồn tại ở Việt Nam, hẳn rất nhiều độc giả sẽ bật cười.

Vậy mà, theo thời gian, giả thiết ấy đang được nhắc lại ngày một nhiều trong những dịp Tết về. Nhiều tới mức, có thời điểm, chuyện bỏ cái Tết truyền thống đã "phủ sóng" hầu hết các mặt báo, các diễn đàn và làm nhiều người có cảm giác điều này sắp thành... sự thật đến nơi.

Cũng cần nói thêm, "bỏ Tết truyền thống" chỉ là cách gọi tắt khi tranh luận. Và do cách "gọi tắt" ấy, cũng đã có nhiều người hiểu lầm rằng chúng ta định "thủ tiêu" hoàn toàn cái Tết.

Chú thích ảnh
Nhiều năm trước, chắc sẽ không ai nghĩ tới khái niệm "bỏ Tết nguyên đán"

Thực chất, như đề xuất, Tết truyền thống, được đề xuất "hoán đổi" vai trò với Tết dương lịch vào dịp đầu năm mới (tính theo lịch dương), để cộng đồng có một cái Tết "2 trong 1" vừa mang tính truyền thống, vừa khớp với lịch nghỉ đầu năm của hầu hết các nước trên thế giới. Còn, Tết âm lịch truyền thống sẽ được "đối xử" như Tết dương lịch hiện nay, nghĩ là chỉ cần nghỉ một, hoặc cùng lắm là 2 ngày.

Cụ thể, GS Võ Tòng Xuân, người đầu tiên chính thức đưa ra đề xuất này (qua báo giới) vào năm 2006 cho rằng nên nghỉ Tết dương lịch trong thời gian từ 26/12 đến 4/1 và nghỉ Tết âm lịch vào 2 ngày 30 Tết và mùng 1 Tết. cả các hoạt động chào mừng năm mới, lễ hội truyền thống... vẫn tiếp tục gìn giữ và phát huy như bình thường.

Chú thích ảnh
GS Võ Tòng Xuân, người từng lên tiếng đề nghị thay đổi lịch ăn Tết trong 12 năm qua

Những năm đầu tiên, ý tưởng của GS Xuân rơi tõm vào sự im lặng, hờ hững của độc giả. Để rồi, vài năm tiếp theo, bắt đầu có những người quan tâm và lên tiếng phản biện (thậm chí là xúc phạm GS cao tuổi này một cách cực đoan). Rồi, thêm vài năm nữa, khi những ý kiến đồng tình với GS Xuân bắt đầu xuất hiện thêm, thì câu chuyện lại chuyển sang cuộc tranh cãi bất tận giữa 2 luồng quan điểm.

***

Bỏ qua câu chuyện về cảm xúc, thẳng thắn thì ý tưởng "ăn Tết ta theo lịch Tây" của GS Xuân có những ưu điểm nhất định. Trong đó, điểm quan trọng nhất là việc giúp Việt Nam "bắt nhịp" với lịch nghỉ Tết của thế giới.

Ủng hộ GS Xuân, các chuyên gia kinh tế như bà Phạm Chi Lan hay TS Lê Đăng Doanh chỉ rõ: Thời điểm cuối năm (lịch dương) là giai đoạn hầu hết các quốc gia trên thế giới nghỉ Noel và Tết Dương lịch. Khi ấy, nhịp độ công việc và giao dịch quốc tế chùng xuống – trong khi tại Việt Nam vẫn là giai đoạn làm việc. Và ngược lại, vào tầm cuối tháng 1 đầu tháng 2, khi đối tác nước ngoài vào thời gian làm việc đầu năm với mức độ tập trung cao thì ở Việt Nam lại bắt đầu cái Tết riêng của mình.

Lại bàn về câu chuyện có nên bỏ Tết cổ truyền hay không?

Lại bàn về câu chuyện có nên bỏ Tết cổ truyền hay không?

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán cổ truyền. Và một lần nữa, những tranh cãi về việc có nên bỏ Tết ta hay không lại nổ ra, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội.

Kết quả của sự "lệch pha" ấy dẫn tới thực tế: thời gian khoảng một tháng từ Tết Dương lịch đến Tết Nguyên đán là thời điểm công việc tại Việt Nam kém hẳn, khi cộng đồng thường làm việc uể oải và sao nhãng. Chưa kể, sau Tết nguyên đán, thói quen của "tháng ăn chơi", và việc đi hội hè đầu xuân vẫn còn tồn tại tới nhiều ngày sau.

***

Nhưng, như nhiều chuyên gia phân tích, chính những mặt trái trong việc tổ chức Tết nguyên đán hiện nay mới là lý do để nhiều người hưởng ứng đề xuất của GS Xuân. Bởi, họ kỳ vọng: việc rút ngắn "Tết âm" cũng đồng nghĩa với việc bỏ bớt những phiền nhiễu, nề hà đang tồn tại trong chuỗi ngày này.

Chẳng hạn, đó là bài văn "Ghét Tết" của một học sinh, được chia sẻ trên không gian mạng với tốc độ chóng mặt trong những ngày đầu năm 2018. Theo đó, em kể về những ngày Tết thiếu vắng tiếng cười vui, chỉ vì mẹ quá bận rộn trang hoàng nhà cửa, quá mệt mỏi cầm chổi dọn nhà hay lăn vào bếp làm đồ ăn thết khách, từ đó mà luôn lo lắng, xanh xao và cáu bẳn với chồng con.

Chú thích ảnh
Bài văn "Ghét Tết" của một học sinh gây xôn xao dư luận vào đầu năm nay

Đó là lời than của khá nhiều chị em phụ nữ, mà có thể "tóm tắt" qua lời PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, rằng ngày Tết bây giờ đang dần trở thành chuỗi gánh nặng của mọi nhà với sự cầu kỳ, tiểu tiết trong các công tác chuẩn bị.

Đó là những ý kiến luôn tràn ngập trên không gian mạng, rằng “Tết ngày càng nhạt”, rằng người ta "sợ Tết" và "ghét Tết" - khi mọi nhà quay cuồng với việc mua sắm, cúng bái, rồi mời mọc khách khứa, đối nội đối ngoại. Những ngày ấy, khi phụ nữ tất bật trong bếp thì đàn ông chìm trong rượu chè, chúc tụng còn trẻ em mê mải chơi game hoặc ngủ vùi. Rồi, những ngày sau tết lại là cảnh "trùng điệp" các lễ hội, nghi thức …

Chú thích ảnh
Chuyện nhậu nhẹt tràn lan cũng là một "nỗi sợ" vào dịp Tết

Thực tế, những năm gần đây, khá nhiều gia đình đã chọn Tết nguyên đán làm thời điểm để đi du lịch, nghỉ ngơi sau một năm vất vả. Bởi, như chia sẽ, họ không còn quá hào hứng với cách "ăn Tết" truyền thống.

Và bởi thế, cứ mỗi dịp Tết về, nhiều người lại xới lên đề xuất của GS Võ Tòng Xuân như một cách để chia sẻ bức xúc, lẫn những tâm sự riêng của mình.

(Còn tiếp)

Sơn Tùng

Thời tiết Tết Nguyên đán: Thời tiết từ 22 tháng Chạp đến ngày 5 Tết

Thời tiết Tết Nguyên đán: Thời tiết từ 22 tháng Chạp đến ngày 5 Tết

Dưới đây là toàn bộ dự báo thời tiết cả nước từ ngày 7/2 đến ngày 21/2/2018 – tức ngày 22 tháng Chạp đến ngày 5 Tết.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm