Chuyện trừ điểm trực tiếp trên giấy phép lái xe đối với người vi phạm

27/09/2018 05:17 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cục Cảnh sát giao thông vừa đề xuất quy định trừ điểm trực tiếp trên giấy phép lái xe đối với người vi phạm - thay vì tước bằng lái có thời hạn và xử lý vi phạm hành chính rồi trả lại.

Theo giải thích từ phía cơ quan này, Việt Nam đang áp dụng hình thức tước giấy phép lái xe có thời hạn và xử lý vi phạm hành chính, sau đó trả lại bằng lái. Cách làm ấy dẫn tới tình trạng “phạt cho tồn tại" trên thực tế.

Cũng cần nói thêm, quy định "trừ điểm" ấy từng áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Theo đó, khi bị trừ hết số điểm quy ước cho từng loại giấy phép lái xe, người vi phạm có thể bị treo bằng lại một thời gian, sau đó phải học và thi để có lại giấy phép này.

Nhưng, như tất cả những vấn đề liên quan tới giao thông, ý tưởng này vẫn được dư luận đón nhận với những quan điểm khác nhau.

Chẳng hạn, bên cạnh những ý kiến đồng tình, nhiều người cũng cho rằng hình thức "trừ điểm" này không khác nhiều so với việc bấm lỗ trên bằng lái của người vi phạm. Thực tế, từ năm 2003, cơ quan chức năng đã áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm giao thông của lái xe bằng hình thức "bấm lỗ" – theo đó bằng lái sẽ không còn giá trị nếu bị bấm 3 lần. Tuy nhiên, sau 4 năm, hình thức này được bãi bỏ do việc gây thiếu thẩm mỹ trên bằng lái, đồng thời có hiện tượng lái xe tìm cách đổi bằng mới sau khi bị bấm một lần.

Chú thích ảnh
Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ người vi phạm. Ảnh: Internet

Rồi, cũng có những ý kiến tỏ ra băn khoăn về những phức tạp trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử đi kèm để "trừ điểm", hoặc về sự minh bạch cần có để tránh tình trạng chủ xe "chạy điểm" sau khi phạm luật.

Thẳng thắn, dù ý tưởng "trừ điểm" giống với mô hình tại nhiều nước phát triển, những phản biện từ cộng đồng cũng cần được ghi nhận – chí ít là để ý tưởng này được chuẩn bị một cách đầy đủ và hoàn thiện trước khi áp dụng trên thực tế. Và xét cho cùng, bất cứ hình thức quy phạm pháp luật nào cũng chỉ có thể đi vào thực tiễn đời sống khi nó đảm bảo được sự minh bạch, cũng như cơ chế giám sát từ xã hội.

***

Về bản chất, dù "trừ điểm", "bấm lỗ" hay áp dụng phạt hành chính, những hình thức của các cơ quan chức năng cũng chỉ hướng đến cái đích cuối cùng: răn đe - và phần nào là giáo dục – người vi phạm giao thông, để tránh lặp lại điều tương tự trong tương lai.

Có nghĩa, cái đích ấy sẽ là vô tác dụng, nếu người vi phạm chỉ đơn thuần coi chuyện bị xử lý là cái giá phải trả cho sai lầm của mình. Và thậm chí, phạt càng nhanh gọn, càng đơn giản càng tốt – nếu có thể.

Thực tế, từ tâm lý ấy, chúng ta cũng đã nói quá nhiều về những tiêu cực trong việc xử lý vi phạm giao thông. Kèm với đó là những lời than phiền, rằng ý thức tham gia giao thông của người Việt ngày càng... xuống dốc.

Và điều người viết muốn nói ở đây: có thể, cách "trừ điểm" khi vi phạm giao thông sẽ làm chúng ta vô cùng khó chịu và phấp phỏng. Bởi, bị trừ điểm cũng có nghĩa: chỉ thêm một vài lần vi phạm nữa, quyền được tham gia giao thông của chúng ta sẽ bị hạn chế rất nhiều, thậm chí là bị tước bỏ bằng lái.

***

Nhưng nếu bình tĩnh suy nghĩ, ta sẽ thấy rằng cách trừ điểm ấy vẫn còn... nhẹ nhàng chán so với thực tế. Vì thực tế vốn tàn khốc.

Số liệu thống kê nửa đầu 2018 cho biết: Việt Nam mỗi ngày có 23 người chết, 47 người bị thương vì tai nạn giao thông. Cứ nhân lên, trong một năm, số thương vong ấy không hề thua kém dân số của một phường.Và chắc chắn, trong số nạn nhân ấy, có những người mới chỉ lần đầu gặp sai lầm trong việc tham gia giao thông.

Bởi, tai nạn giao thông là “một phần tất yếu” của tình trạng giao thông hiện nay. Nó ở ngay bên cạnh chúng ta, có thể đến với chúng ta vào những lúc không ngờ nhất, và đòi cái giá vô cùng đắt. Ta có thể may mắn nguyên lành sau tai nạn, nhưng cũng có thể vĩnh viễn không có cơ hội thứ hai.

Vì thế, ý tưởng "trừ điểm" có được áp dụng hay không, sau mỗi lần vi phạm luật lệ giao thông, chúng ta hãy học cách tự "trừ điểm" ý thức của bản thân đối với việc bảo vệ sinh mạng của chính mình.

"Tự trừ điểm" để cảnh báo bản thân – điều ấy quan trọng hơn rất nhiều, so với việc loay hoay tìm hướng thoát khỏi những xử lý từ pháp luật.

Anh Bảo

Người Việt Nam nộp phạt bao nhiêu tiền vì lỗi vi phạm giao thông?

Người Việt Nam nộp phạt bao nhiêu tiền vì lỗi vi phạm giao thông?

Sau 2 năm thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cơ quan đã xử phạt gần 5.000 tỷ đồng vi phạm luật đường bộ.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm