Chữ và nghĩa: Màu bã trầu

30/06/2021 07:14 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Nghe nói "màu bã trầu" hẳn mọi người sẽ liên tưởng ngay tới màu áo truyền thống của đội tuyển bóng đá Bồ Đào Nha - đội bóng vừa trở thành cựu vô địch châu Âu sau khi để thua Bỉ ở vòng 1/8 tại EURO.

EURO 2020: Ronaldo viết tâm thư gửi người hâm mộ

EURO 2020: Ronaldo viết tâm thư gửi người hâm mộ

Chưa đầy 24 giờ sau khi Bồ Đào Nha thất trận trước đội tuyển Bỉ và theo đó bị loại khỏi vòng 1/8 EURO 2020, cầu thủ ngôi sao của đội bóng này Cristiano Ronaldo đã chia sẻ cảm xúc trên trang mạng xã hội cá nhân.

Bồ Đào Nha có nhiều cầu thủ lừng danh trong lịch sử như Eusébio, Luis Figo, Rui Costa và hiện nay là C. Ronaldo. Ở đây tôi chỉ muốn nói đến chuyện màu áo chính thức của họ được gọi bằng một cái tên "rất Việt Nam" là "màu bã trầu".

Từ điển tiếng Việt bản mới nhất (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) chưa thống kê màu này. Chỉ có từ “bã trầu” với 2 nghĩa: “1. Chim nhỏ hút mật, con đực có bộ lông đỏ như miếng bã trầu; 2. Bọ cùng họ với cà cuống, thân dẹt giống miếng bã trầu, màu đen, sống ở đáy hồ”.

Như vậy, đây là 2 danh từ, chỉ 2 loài vật, 1 thuộc loài chim, 1 thuộc loài cá. Một con lấy đặc trưng màu sắc ("đỏ như miếng bã trầu"), một con lấy đặc trưng hình dáng ("thân dẹt giống như miếng bã trầu") để gọi tên. Thực tế, 2 con vật này rất ít người biết. Trong cuộc sống còn có sán bã trầu, cây bã trầu, rắn bã trầu... nhưng những con hay cây này không hề có màu sắc giống cái màu mà người ta gắn vào tên gọi.

Chú thích ảnh
Tiền đạo Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo ăn mừng bàn thắng thứ hai từ chấm phạt đền vào lưới tuyển Pháp trong trận đấu lượt cuối bảng F, vòng chung kết EURO 2020 tại Budapest, Hungary ngày 23/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Màu bã trầu là một màu đặc biệt. Nó được mô phỏng từ màu của miếng trầu khi đã nhai thành phẩm (nhai đã giập nát và quyện với nhau). Chúng ta biết, ăn trầu là một tập tục dân gian, dùng "lá trầu nhai với vôi, cau và vỏ (hoặc rễ) cây chay, đôi khi cho thêm thuốc lào, làm cho nước bọt tiết ra nhiều, có màu đỏ" (Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, NXB Từ điển Bách khoa, 2005).

Chỉ khi người ta nhai kỹ hỗn hợp trên, mới ra một cái "bã", thường liên kết với nhau theo kết cấu sợi xơ, có hình hơi dài và dẹt. Thường những gì là bã, người ta sẽ bỏ. Nhưng bã trầu được nhai nhiều lần (sau khi nhả cốt) để kết hợp với nước bọt tạo ra một vị thơm ngon đặc trưng của miếng trầu.

Màu miếng trầu này màu đỏ, hơi sậm đen. Chúng ta đã biết trong tiếng Việt, có các từ chỉ màu sắc cơ bản trong cuộc sống như: Xanh, đỏ, tím, vàng, đen... Phân tích quang phổ cho ra 7 màu (như màu cầu vồng): Đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Từ những màu cơ bản, người ta còn tạo ra các màu kết hợp: Xanh lam, xanh tím, xanh dương; vàng tươi, vàng chanh, vàng nhạt... Đặc biệt, người Việt còn dùng các từ mô phỏng màu sắc sự vật nào đó trong thiên nhiên và trong đời thường: (Xanh) da trời, nõn chuối, lá mạ, trứng sáo, cổ vịt...; màu bánh mật, màu lông chuột, màu huyết dụ, màu mận chín, màu tàn thuốc lá, màu cứt ngựa, màu mắm tôm, màu cháo lòng, màu nước dưa, màu Boócđô (Bordeaux), màu Dunhill... Muốn hiểu đúng ngữ nghĩa những màu đó, ta phải "mục sở thị" những cây, những quả, những con vật, sự vật ta mới có thể hình dung chính xác.

Vì thế, người chưa ăn món lòng lợn, tiết canh sẽ khó hình dung ra "màu cháo lòng". Người chưa ăn món dưa muối quen thuộc sẽ không biết "màu nước dưa" như thế nào. Ông Tây nào đó chưa từng nếm món mắm tôm chanh chắc sẽ khó mà định nghĩa chính xác "màu mắm tôm" v.v…

Lớp trẻ lớn lên bây giờ thật khó hình dung "màu bã trầu" chính hiệu từ xuất xứ ngọn nguồn. Cũng bởi bây giờ không mấy ai còn giữ tục "nhuộm răng đen, ăn trầu thuốc" nữa (nom xấu mà quê chết!). Do đó khi nói tới "màu bã trầu" thì dân ghiền bóng đá cứ nhìn trang phục của đội tuyển Bồ Đào Nha mà "hình dung ngược" ra cái món "trầu, cau và vôi" đã trở thành cổ tích. Qua trang phục của danh thủ C. Ronaldo (và đội tuyển Bồ Đào Nha), dân Việt ta lại thấy mến yêu thêm cái màu đỏ đậm đà đó.

“Thản nhiên chị mối tình đầu

Thản nhiên em nhặt bã trầu về têm”.

(Đoàn Thị Lam Luyến)

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm