Cái danh cái chức…

20/09/2015 05:48 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trời mưa chẳng đi đâu được, ngồi vỉa hè nghe thiên hạ luận về cái danh cái chức mà nóng hết cả lòng…

Nóng, vì nhìn từ trên xuống dưới, cả họ cả nhà nhà mình chẳng có ai làm quan hoặc nuôi chí làm quan, nên có nhẽ đời mình lẹt đẹt. Có họ hàng quan chức thì hay biết bao nhiêu.

Như ở huyện Mỹ Đức ngay Thủ đô Hà Nội này, cả họ tham gia bộ máy lãnh đạo huyện. Huyện có 13 phòng ban cả thảy, thì hơn 10 người là anh em, họ hàng với lãnh đạo.  Nghe danh sách đã thấy tình nghĩa gia đình nội tộc ấm áp biết nhường nào. Toàn con trai con dâu cháu gần cháu xa... Cô A là em ông B, ông B là chú chị C, chị C là dì anh D, anh D lấy chị cô A... Kiểu sáo sậu là cậu sáo đen, sáo đen là em bồ các, bồ các là bác chim ri, chim ri là dì sáo sậu...

Vòng bổ nhiệm đắm đuối tình thân mến thân, mặc dù, như lãnh đạo huyện nói, việc bổ nhiệm cán bộ trước tiên phải nằm trong quy hoạch, phẩm chất tốt, có năng lực... Các vị trí công tác đều cần thiết và trải qua quá trình tuyển chọn, cân nhắc theo đúng quy trình.

Nhưng nhẽ đâu người tài cả huyện chỉ nằm trong một họ? Ờ mà chuyện không chỉ ở một huyện, ai cũng biết thế. Biết thế thì biết thế, chỉ để biết thôi. Không có họ hàng làm quan vất vả lắm. Có năng lực mà lại có họ hàng thì vẫn hơn có năng lực mà chẳng quen biết ai.

Đọc báo thấy cò giáo dục ở huyện Sóc Sơn, cũng lại một huyện của Hà Nội, mà hoang mang vô kể. Muốn làm một chân giáo viên trường huyện tốn kém vài trăm triệu. Tiền đâu để các thầy các cô chạy được thế, rồi làm được giáo viên thì lấy tiền đâu để bù lại khoản đã chạy? Có người quen chắc đỡ tốn. Mà tiền chạy phải đi nhiều cửa. Bộ máy chính quyền huyện là họ hàng với nhau thì việc đồng thuận thể nào chẳng nhanh hơn.

Chức với danh là một lĩnh vực rất rộng lớn. Nếu ở đó có sự công bằng thì chắc chẳng ai bàn đến nó làm gì, không phải ai cũng mong có danh có chức, mà có thì cũng phải hợp lý và xứng đáng thế nào người ta mới ham. Nhìn sang chỗ có danh mà lợi chẳng bao nhiêu, như phong nghệ nhân trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc chẳng hạn.

Nghệ nhân phải ưu tú mới được nhân dân cho đúng trình tự. Phần lớn các nghệ nhân đã cao tuổi, như cái lá vàng mong manh trước gió, đợi cho đủ huy chương huy hiệu để được phong chắc gì đã kịp. Đành là danh không níu được phận, phận không đọ được với cơ chế, thế thôi.

Thành thử, tự phong lấy danh hiệu cho nhanh như ĐH Tôn Đức Thắng có khi lại là cách hay, ít ra là... hay với trường. Nghe nói chẳng cần Nhà nước xét phong học hàm học vị giáo sư, phó giáo sư, trường thông báo giáo viên cứ làm hồ sơ để trường… tự xét.

Danh hay chức, ngẫm cho cùng cũng là chuyện tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta thôi mà!

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm