Bản quyền điện ảnh và truyền hình trong thời đại số: SOS!

05/05/2014 10:41 GMT+7



Mặc dù chính sách bảo vệ tác quyền tác phẩm điện ảnh, chương trình truyền hình đã được quy định tại Việt Nam, thế nhưng khâu thực thi chưa triệt để dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền, đặc biệt ở lĩnh vực (internet) đang diễn ra ở mức báo động.

Vi phạm tràn lan


Như tin đã đưa tại TP.HCM, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đã phối hợp cùng Hội Truyền thông điện tử TP.HCM và Hội Sở hữu trí tuệ TP đồng tổ chức Hội thảo “Bảo hộ quyền trong lĩnh vực Điện ảnh và Truyền hình trong môi trường số”. Tại chương trình các chuyên gia nhận định, internet là nguồn nhanh nhất đưa tác phẩm đến công chúng nhưng cũng là nguồn gây tổn thất nhất cho những nhà sản xuất nếu bị xâm phạm bản quyền.

“Những đứa con biệt động Sài Gòn” mới chuẩn bị bán cho các đài truyền hình thì đĩa phim lậu đã bán đầy tại các cửa hàng băng đĩa (một cảnh trong phim)

“Những đứa con biệt động Sài Gòn” mới chuẩn bị bán cho các đài truyền hình thì đĩa phim lậu đã bán đầy tại các cửa hàng băng đĩa (một cảnh trong phim)

Đạo diễn NSND Đặng Xuân Hải-Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam liệt kê nhiều hình thức “ăn cắp” như: sao in đĩa lậu, trích đoạn, làm các tác phẩm tái sinh, cung cấp trên internet để thu phí hoặc quảng cáo, nhiều bộ phim bị các đài địa phương tự ý phát sóng mà không thỏa thuận với hãng phim… hơn bao giờ hết tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra hết sức phức tạp, gây thất thu lớn cho ngành điện ảnh. Ví dụ như đầu năm 2012, bộ phim truyền hình Những đứa con biệt động Sài Gòn mới chuẩn bị bán cho các đài truyền hình thì đĩa phim lậu đã bán đầy tại các cửa hàng băng đĩa.

Bộ phim Dòng máu anh hùng năm 2007 tuy lập kỉ lục phòng vé khi thu về 4 tỉ đồng trong ba tuần đầu công chiếu nhưng vẫn lỗ do bản quyền bị xâm phạm nghiêm trọng, chỉ cần một cú click chuột, khán giả có thể xem nó trên các trang mạng với đầy đủ phụ đề, thậm chí có cả bản đạt tiêu chuẩn HD. Gần nhất trong năm 2013 là trường hợp bộ phim truyện nhựa Bụi đời Chợ Lớn, dù bị cấm chiếu nhưng bằng cách này cách khác phim vẫn phát tán trên mạng, vài ngày thì đĩa in lậu bán tràn lan…

Trong khi đó quyền tác giả đối với các tác phẩm là chương trình truyền hình (được xem là đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ tại khoản 1 điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam) cũng không mấy khá hơn. Nổi bật là việc các website khai thác chi phí quảng cáo từ việc đăng tải các chương trình truyền hình thực tế hút khách như Thần tượng âm nhạc, Giọng hát Việt… mà không phải trả chi phí liên quan, đồng thời “hốt bạc” từ số lượt tải về của người xem.

Điển hình như chỉ tính riêng chương trình The Voice 2012 trên một trang web xem trực tuyến, đãcó lượt truy cập lên đến 53 triệu, điều này có thể hình dung chủ thể sở hữu trang này và các đối tác kinh doanh có thể thu được lợi nhuận cực kì lớn mà không phải trả phí cho các đơn vị nắm giữ bản quyền chương trình. Đại diện Công ty Đầu tư phát triển công nghệ cao nêu lên con số thống kê hiện tại Việt Nam có khoảng 400 trang web sử dụng video (phim và ca nhạc), với 90% lượng người dùng internet đều sử dụng sản phẩm này thì lượng tiền bản quyền bị thất thoát như hiện nay là rất lớn.

Chính vì vậy, mặc dù cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc xử lý các hành vi sai phạm, tuy nhiên các nỗ lực chẳng khác nào mang muối bỏ biển, hàng trăm website trong nước vẫn cố tình vi phạm bản quyền, hàng ngàn bộ phim, chương trình truyền hình đang được “xài chùa” trên internet nhằm thu món lợi bất chính.

Cần mạnh tay với đơn vị vi phạm

Nói về kinh nghiệm trong việc bảo vệ quyền lợi của các tác phẩm điện ảnh và truyền hình tại Hàn Quốc trong môi trường số, ông Jung Tae Sun-Tổng giám đốc Tập đoàn CJ E&M Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết do áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm bản quyền nên những kết quả đạt được tại “xứ sở Kim chi” rất khả quan.

Tiêu biểu như nâng cao mức xử phạt các loại hình sao chép qua việc sửa đổi toàn bộ luật vi phạm bản quyền, cũng như thành lập Trung tâm Bảo hộ bản quyền (từ năm 1997) để tăng cường công tác theo dõi và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời tất cả các trang web tại Hàn Quốc đều phải cài đặt ICOP (hệ thống quản lý, truy lùng việc sao chép lậu) nhờ đó mà hạn chế không ít các hành vi xâm phạm.

Đáng chú ý là năm 2010, nước này tiến hành luật “bất quá tam” - cảnh báo ba lần (sau ba lần nếu còn phát hiện sai phạm sẽ bị phạt rất nặng)… Vì vậy với môi trường internet đang phát triển như vũ bão tại Việt Nam, thì việc học hỏi và áp dụng những bước đi như Hàn Quốc nhằm giảm bớt tình trạng tác phẩm điện ảnh và truyền hình trở thành “mồi ngon” cho nhiều đối tượng xâm hại là vô cùng cần thiết.

Luật sư Phan Vũ Tuấn-Chánh văn phòng Hội Sở hữu trí tuệ cho biết, vấn đề bản quyền từ lâu đã rất phức tạp và rất khó quản lý, bởi chúng ta vẫn thiếu cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt nhẹ và hơn hết là ý thức của người Việt trong vấn đề tôn trọng bản quyền chưa cao. Đã có rất nhiều vụviệc liên quan đến tranh chấp bản quyền nhưng không phải lần tranh chấp nào cũng được giải quyết thấu đáo. Nhiều tranh chấp không đi đến đâu nhưng đơn vị bị vi phạm vẫn phải lên tiếng, không phải vì tham vọng đòi được số tiền lớn mà chỉ mong khẳng định quyền sở hữu của mình.

Về bản quyền của các chương trình truyền hình, ông Tuấn dự báo một khi bản quyền phát sóng thường xuyên bị vi phạm thì chuyện kiện tụng của nước ngoài theo luật định và các thỏa thuận quốc tế rất dễ xảy ra. Lúc ấy, không còn là chuyện giải quyết “nội bộ” mà các đài truyền hình vi phạm bản quyền có thể bị “phong tỏa” mọi giao dịch về bản quyền phát sóng. Thực tế cho thấy vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh và truyền hình trong môi trường số tại Việt Nam dần trở nên nóng bỏng, quyết liệt hơn.

Theo Quang Khải
Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm