'Nàng men chàng bóng' - Giống phim 'hài nhảm' Hong Kong

30/08/2012 07:07 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Từ khi còn ở giai đoạn chuẩn bị, bộ phim Nàng men chàng bóng (KB-ĐD: Võ Tấn Bình) đã được nhiều người chờ đợi, ngay cả với giới làm nghề. Lý do thì có nhiều, nhưng chính yếu nhất vẫn là chuyện “giấc mộng điện ảnh” của Võ Tấn Bình nay đã thành hiện thực, khi anh từng có vài phim truyền hình rất thành công và chất lượng. Phim do HK Film và Công ty Toàn Việt sản xuất, Galaxy Studio phát hành, công chiếu vào ngày 31/8 trên toàn quốc.

Xác định thể loại hài - hành động, suốt thời lượng phim, Nàng men chàng bóng đã tỏ ra “trung thành tuyệt đối” với nhiệm vụ này. Tuy nhiên, ý nghĩa của cái cười và cái hành động đó thế nào thì cần phải xác định tâm cảnh và sự chia sẻ của mỗi người xem. Lấy bối cảnh miền Tây sông nước, phim kể về Út Chót (Đinh Ngọc Diệp thủ vai), một cô gái nam tính, thích làm anh hùng cứu thế và Ẽo Ợt (Ngô Kiến Huy) yểu điệu thục nữ, chỉ thích con trai, thế mà cuối cùng họ yêu nhau. Kể cũng lạ.


Hai vai chính của Nàng men chàng bóng. Ảnh: Đoàn phim cung cấp.

Nhân vật từ trong mơ tưởng

Cái lạ đến từ tinh thần lãng mạn một cách lạc quan của Võ Tấn Bình, khi anh hư cấu ra các tình huống nhiều yếu tố bất thường này. Đó là việc anh cho Út Chót “đẻ ngang hông” ở một thị xã bình yên của tỉnh Rạch Giá, nơi cô có thể phóng ca nô đi hành hiệp trượng nghĩa, với 99 phi vụ chẳng giống ai và ít gặp ngoài đời. Toàn bộ cốt truyện Nàng men chàng bóng là xoay quanh phi vụ thứ 100, khi mà Út Chót phải giải cứu Ẽo Ợt ra khỏi đám cưới với Út Hường, một hành động càng không giống ai. Trong nghệ thuật, mọi hư cấu đều được khích lệ, nên tình huống này dù có hơi khiên cưỡng thì đó cũng là chuyện bình thường.

Nếu so sánh về ý tưởng, rõ ràng Võ Tấn Bình vẫn còn bị ám ảnh bởi hình ảnh Út Nhỏ, Út Ráng… trong phim truyền hình Hương phù sa rất thành công của anh, nơi mà các cô gái sông nước hoàn toàn có thể ăn mặc khá thời trang khi chèo xuống ba lá, lái ghe đuôi tôm ngược xuôi. Một cái nhìn đầy chất thi vị, khi mà thực tế có thể chưa được như vậy, nhưng tương lai hoặc tưởng tượng muốn có như vậy. Trong Nàng men chàng bóng, Út Chót là một hình ảnh đầy mơ tưởng, có thể ít gặp ngoài đời, nhưng người làm phim muốn có nên cố tình tạo ra.

Vì tinh thần lãng mạn và “vị nghệ thuật triệt để” đó, nên tất cả các tình tiết khác như chuyện cho Út Chót khinh công trên nước, liên hoàn cước trên không, vừa chạy ca nô vừa ném thòng lọng… đã thành yếu tố đương nhiên phải có. Nó cũng làm cho các tình huống cố tình gây hài của Tấn Beo, NSƯT Việt Anh, NSƯT Thanh Thủy, Cát Phượng, Don Nguyễn… đều có thể chấp nhận được. Nhìn một cách nào đó, Nàng men chàng bóng đã đi theo dòng phim “hài nhảm”, rất thịnh hành ở Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc trong nhiều năm qua. Với bối cảnh của nền điện ảnh như Việt Nam hiện nay, nơi cái cảm giác cần xem những “câu chuyện nghiêm túc” vẫn khá thịnh hành, thì làm những phim như Nàng men chàng bóng là một cuộc phiêu lưu. Xem xong phim, có vẻ như nhà làm phim đang muốn tập trung vào những người xem rất trẻ tuổi, với chủ đề “men - bóng”, biết đâu phim sẽ bán vé được cho đối tượng này.


Út Chót với dây thòng lọng của 100 phi vụ

Một vài luyến tiếc

Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ biên kịch hay đạo diễn, thì phim này vừa thiếu vừa thừa, nên hơi nửa vời. Đầu tiên, đáng lý “tiếng sét ái tình” giữa Út Chót và Ẽo Ợt phải sớm hơn, thì các kịch tính về sau mới đầy đặn, hợp lý, để đến gần cuối phim mới xảy ra thì người xem hơi bỡ ngỡ, luyến tiếc. Điều này làm cho tính hành động và hài hước bị thiếu các “mạch truyện nhỏ” để dẫn dắt, nên đôi chỗ quá gượng ép, vô lý. Thứ hai, khi chọn thể loại hài nhảm, mà đặc thù của nó là “làm quá”, người làm phim nên “mạnh tay” hơn trong các tình huống hành động và hài hước để người xem nhận diện rõ hơn ý đồ của đạo diễn. Giới hạn vừa nêu cũng có thể đến từ các yếu tố thuộc về chuyên môn phim trường và kinh phí, rõ ràng phim này có rất nhiều hạn chế về hai điều này.

Cũng xin nhắc lại, nhìn từ trường điện ảnh và các đạo diễn cùng thế hệ, Võ Tấn Bình khá được trông đợi, vì anh từng có những phim truyền hình hay như Mùa sen, Nắng ở trên đầu, Sống bên bờ vực (giải Vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc)… Dù điện ảnh với truyền hình khá khác nhau và một phim chưa nói được gì, nhưng thẳng thắn mà nhìn thì Nàng men chàng bóng chưa “xứng tầm” với sự mong đợi của khán giả nói chung. Trong giai đoạn bấm máy, khi được hỏi đây có phải là loại phim giải trí “rẻ tiền” hoặc Võ Tấn Bình đang “xuống cấp” không? Võ Tấn Bình đã trả lời: “Bình thuộc dạng điếc không sợ súng. Được khen Bình cũng chẳng lên mây, vậy nên có bị chê Bình cũng chẳng rớt xuống địa ngục”. Hy vọng sự bình tâm này sẽ giúp cho Võ Tấn Bình có được những dự án điện ảnh thành công và chất lượng hơn.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm