Điểm mặt các 'quận nghệ thuật' nổi tiếng thế giới

21/11/2013 14:33 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Theo từ điển trực tuyến mở Wikipedia, “quận nghệ thuật” là một khu vực đô thị được phân ranh giới cụ thể, thường nằm ở bên rìa trung tâm thành phố, nhằm tạo ra một nơi "đậm đặc" các hoạt động tiêu thụ văn hóa, như các gallery nghệ thuật, CLB khiêu vũ, nhà hát, rạp chiếu phim, các đại lộ âm nhạc và các quảng trường phục vụ hoạt động trình diễn.

Trên thế giới, quận nghệ thuật phát triển mạnh ở Anh và Mỹ từ khá sớm, thậm chí được ghi nhận về sự hình thành từ cách nay hàng thế kỷ.

1. Quận nghệ thuật Shoreditch

Ở Anh, quận nghệ thuật Shoreditch nằm ở khu vực East End của London, manh nha hình thành từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Thời kỳ đó, Shoreditch đã là trung tâm giải trí đối đầu với quận nhà hát West End và từng có nhiều nhà hát nổi tiếng. Ví dụ nơi đây từng có nhà hát tiêu chuẩn quốc gia. Cuối thế kỷ 19, đây là nơi có một trong những nhà hát lớn nhất London. Vào năm 1926, nhà hát được chuyển đổi thành rạp chiếu phim mang tên New Olympia Picturedrome. Nhưng năm 1940, nó đã bị phá hủy.

Hiện quận nghệ thuật Shoreditch thu hút rất nhiều nghệ sĩ tới sáng tác và sống tại đây. Bên cạnh các gallery nghệ thuật, nơi đây còn có nhiều không gian để các nghệ sĩ đường phố trình diễn tác phẩm của họ, bên cạnh các công trình điêu khắc và sắp đặt đặc biệt.

Các nghệ sĩ sáng tác tại quận nghệ thuật Shoreditch, Anh

2. Quận nghệ thuật Los Angeles

Cuối những năm 1960-1970, quận nghệ thuật Los Angeles (nằm ở phía Đông khu vực trung tâm Los Angeles, Mỹ) được hình thành khi nhiều nghệ sĩ với tư tưởng hướng về đô thị nhận thấy khu vực này có nhiều nhà kho trống trải, rộng rãi nên đã dọn tới sống. Trước đây, quận này là một khu vực tập trung nhiều hoạt động thương mại và công nghiệp. Các nghệ sĩ đã biến các không gian công nghiệp cũ đó thành các studio sáng tác nghệ thuật rộng rãi, đồng thời là nơi ở, dù việc này trái với quy định.

Chính quyền Los Angeles cuối cùng đã nhận ra tình hình và trong năm 1981 thông qua quy định cho phép các nghệ sĩ sống và làm việc hợp pháp tại khu vực kể trên. Các gallery nghệ thuật, quán cà phê và các đại lộ trình diễn lần lượt được xuất hiện. Số lượng cư dân là nghệ sĩ cũng theo đó tăng lên mạnh.

Đây hiện là nơi ở của nhiều nghệ sĩ, doanh nhân kinh doanh nghệ thuật và cả những người làm việc trong ngành điện ảnh, truyền hình Los Angeles. Quận nghệ thuật này là một trong những địa điểm được thu hình nhiều nhất thế giới, nơi người ta từng làm nhiều phim đình đám như Meet Me In St Louis, Ed Wood, Terminator 2, Monster In Law...

3. Quận nghệ thuật NoHo

Ở Bắc Hollywood, Los Angeles, California, quận nghệ thuật NoHo được các chủ nhà hát và giới doanh nghiệp ở thành phố Universal kết hợp với Phòng Thương mại Bắc Hollywood thành lập. Khu vực này có hơn 20 nhà hát chuyên nghiệp, thường xuyên tạo ra các sản phẩm kịch mới và cổ điển. Nó cũng có nhiều gallery nghệ thuật, các phòng nhảy chuyên nghiệp và các phòng triển lãm nghệ thuật thuộc sở hữu của chính quyền.

4. Quận nghệ thuật Crossroads

Nằm gần trung tâm Kansas, tiểu bang Missouri, Mỹ, quận nghệ thuật Crossroads là nơi tập trung nhiều gallery nghệ thuật lớn của thành phố, đồng thời là trung tâm của nghệ thuật thị giác. Hàng chục gallery nghệ thuật ở đây được đặt trong các công trình từng là tòa nhà công nghiệp hoặc nhà kho. Quận cũng có vài đại lộ chuyên có các trung tâm tổ chức nhạc sống.

Các gallery nghệ thuật trong quận thường mở cuộc trưng bày mới vào thứ Sáu đầu tiên của mỗi tháng, thời gian mở cửa từ 18-21h. Những buổi khai mạc như thế thường thu hút sự chú ý lớn, khi hàng ngàn người đổ tới Crossroads và qua đó tạo nên một bầu không khí hết sức đặc biệt. Hiện quận Crossroad có hơn 60 gallery nghệ thuật, khiến nó trở thành 1 trong 5 quận nghệ thuật lớn nhất Mỹ. Quận này cũng có Liên hoan âm nhạc Crossroads, được tổ chức lần đầu vào tháng 8/2005, thu hút nhiều nghệ sĩ tới từ trong và ngoài tiểu bang Missouri.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Không được xem nhẹ yếu tố an toàn

“Lúc nghe tin Zone 9 bị hỏa hoạn, gây chết người tôi hơi choáng. Liệu vụ việc này có khiến những anh em nghệ sĩ hoang mang, có dám làm tiếp hay không.

Tôi cũng đã từng đến Zone 9 vài lần để tham dự một số sự kiện nghệ thuật. Đây là công trình bỏ hoang, nên kiến trúc đã quá cũ nát. Dù anh em đã sửa sang, đèn đóm rực rỡ đấy, nhưng cảm giác của tôi lần đầu tới đây không được tốt cho lắm. Tôi thấy lạnh, dù những nghệ sĩ đã cố gắng dùng nghệ thuật để làm ấm khu nhà này. Ngoài ra tôi có cảm giác khu vực này hơi tạp nham, vì ngoài nghệ sĩ còn rất nhiều người kinh doanh cũng vào cuộc.

Hình thức hồi sinh một nơi bị bỏ hoang thành khu nghệ thuật là một ý tưởng hay, tất nhiên không mới vì ở thế giới cũng có những khu như thế. Zone 9 phản ánh nhu cầu có thật của những nghệ sĩ đương đại, cần có không gian riêng để thực hành sáng tạo, để được trưng bày tác phẩm bất cứ lúc nào chứ không phải đợi đến những kỳ cuộc được tổ chức. Nhưng đây chưa phải không gian ổn định dành cho các cuộc chơi lâu dài. Khu vực này chỉ là nơi thuê tạm và có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào. Bản thân các nghệ sĩ cũng chỉ dám đầu tư cầm chừng vào đây thôi, công trình vẫn ở nguyên hiện trạng cũ, được xử lý qua quýt, nên không thực sự an toàn.

Không biết sau sự việc này Zone 9 sẽ được xử lý như thế nào. Tôi cho rằng, với riêng các nghệ sĩ trẻ, dù khao khát một không gian nghệ thuật riêng nhưng cũng phải chú ý, không được xem nhẹ những yếu tố an toàn”.

Ngọc Diệp (ghi)


Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm