29/07/2015 05:37 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Năm 1968, ông Hồ Ngọc Cảnh (Bến Tre) đỗ tú tài I (tương đương với lớp 11). Nhưng, do hoàn cảnh chiến tranh và điều kiện gia đình, ông Cảnh không theo học tiếp. Năm 2012, ông Cảnh định mở phòng khám Đông y để chữa bệnh cho người dân quê. Song theo điều kiện, ông phải có bằng trung cấp chuyên môn.
Không bỏ cuộc, ông đăng ký học tiếp lớp 12 ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên khi đã ở tuổi gần thất thập. Các “bạn đồng môn” trong lớp gọi vui ông là “ông ngoại”. Sau đó, năm 2013 sĩ tử U70 thi nhưng trượt tốt nghiệp THPT vì thiếu 2 điểm.
Năm 2014, ông Cảnh đi thi cùng cháu ngoại. Kết quả: cháu đỗ, ông trượt. Ông Cảnh lại quay về Trung tâm Giáo dục thường xuyên dùi mài kinh sử.
Báo chí đưa tin, năm nay, cụ ông 70 tuổi với 7 người con, 7 người cháu vừa nhận tin chính thức đỗ tốt nghiệp THPT. Điểm số của ông Cảnh không cao, vừa đủ đỗ. Song, câu chuyện của ông xứng đáng được điểm 10 trong việc truyền cảm hứng mạnh về ý chí con người trong những ngày vừa qua.
Những ai đã đỗ và chưa đỗ trong kỳ thi THPT Quốc gia, những ai trưởng thành vẫn ấp ủ nghiệp học nhưng vẫn tìm lý do trì hoãn, cả những người luôn thở than về những hạn chế của bản thân nhưng không hành động để thay đổi... đều sẽ biết mình phải làm gì khi nghe câu chuyện của ông Cảnh.
Việc đỗ tốt nghiệp của ông Cảnh là kỳ tích của bản thân ông. Song, đó mới chỉ là điều kiện cần để ông thực hiện ước mơ. Điều kiện đủ là ông phải tiếp tục học để có tấm bằng trung cấp chuyên môn về Đông Y. Ông Cảnh tươi cười trả lời báo giới rằng ông sẽ tiếp tục... học.
2. Nhiều người sẽ thắc mắc: Ông sẽ tiếp tục cho tới bao giờ mới xong tấm bằng trung cấp khi ông mất tới 4 năm để học lớp 12 và thi đỗ tốt nghiệp? Không cần biết, chỉ biết rằng ở tuổi 70, ông Cảnh vẫn học tập để vươn tới ước mơ phía trước. Và quan trọng hơn, ông vui với sự học.
Hay nói như Che Guevara: “Hạnh phúc không phải là cảm giác tới đích mà hạnh phúc là trên từng chặng đường đi”.
Có thể nói, tân tú tài tuổi 70 cũng giúp bao nhà giáo dục, bao nhà cải cách, bao người hoạch định chính sách giáo dục trả lời câu hỏi mà ngành giáo dục loay hoay suốt thời gian qua: Học để làm gì?
Đã quá nhiều lời than học sinh hiện nay không biết mình học để làm gì? Học xong cấp 1 để lên cấp 2, xong cấp 2 để lên cấp 3, xong cấp 3 để vào Đại học…
Có bao nhiêu học sinh của chúng ta cứ học để... học. Học bởi sức ép của truyền thống gia đình. Học để làm những điều bố mẹ chưa làm được... Nói chung, không ít học sinh học vì người khác, chứ không phải vì niềm đam mê, khát vọng tự bản thân mình.
Và thật tình cờ, câu chuyện sự học của ông Cảnh trùng với khái niệm về “Học để làm gì?” của UNESCO: Học để biết, học để làm, học khẳng định mình và học để chung sống.
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất