Dương Tường: Tranh thủ giữa hai hiệp để… dịch Lolita

02/07/2010 12:02 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - 78 tuổi, Dương Tường vẫn ham vui, như lời tự nhận của chính ông. Bởi thế, gặp TT&VH, câu đầu tiên từ nhà thơ- dịch giả này là lời rủ: “Cậu thích, tối nay xuống đây xem bóng đá. Từ đầu giải đến giờ, đêm nào nhà tôi cũng đủ vài mâm…”.

Như mọi mùa bóng đá khác, căn phòng khách tại nhà ông đã được dẹp hết bàn ghế để nhường chỗ cho chiếc máy chiếu, màn hình và bộ loa. Mỗi tối, bất cứ trận đấu nào, người ta kéo tới đây đủ cả: bạn già, bạn vong niên, thậm chí cả đám thanh niên bè bạn cùng con cháu trong nhà ông. Ai lười bước khỏi nhà, như đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang chẳng hạn, thì đích thân Dương Tường gọi điện và nhắn tin “triệu tập” đến.

Tuổi già, ngủ ít, lại sẵn tính quảng giao, những đêm có bóng đá như vừa qua đều là cuộc vui đối với ông và bạn bè. Cho dù, giữa hai hiệp đấu, trong lúc mọi người uống bia, Dương Tường vẫn thỉnh thoảng xin phép chạy vào trong phòng để dịch nốt cuốn Lolita từ bản tiếng Anh - công việc mà ông bắt đầu từ hơn một năm trước. Tính ông là thế, ham chơi và cũng rất ham làm.

Một đời làm dịch thuật, Dương Tường chủ yếu gắn với hai ngoại ngữ tiếng Pháp và tiếng Anh. Với bóng đá, ông cũng “tiện thể” trở thành fan của hai đội bóng đến từ những quốc gia này. Không may cho Dương Tường, tính tới thời điểm này, cả hai ông lớn ấy đã sớm rời cuộc chơi sau những trận thua cay đắng.

Bởi vậy, dịch giả Dương Tường đã dành khá nhiều thời gian để phân tích thất bại của Pháp và Anh, dưới góc nhìn của một người nghiên cứu văn hóa lâu năm.

Dương Tường tâm sự:

- Pháp thua vì sự già cỗi và bảo thủ của Liên đoàn Bóng đá nước họ, điển hình là việc để một người bất tài như Domenech ngồi trên băng ghế HLV suốt 6 năm. Tôi ngạc nhiên vì điều này lắm. Nói thật, về tính cách dân tộc, người Pháp khá cấp tiến và giàu tự trọng chứ đâu có như vậy. Điển hình, cuối năm ngoái, quanh câu chuyện “bàn tay của Henry”, các tờ báo Pháp đều lên tiếng phản đối và phẫn nộ, chứ chẳng mấy ai khen ngợi “gà nhà”.

Người Pháp có câu đại ý rằng uống nhanh thì trả chậm. Lọt vào cuộc chơi một cách gian dối rồi sớm phải tủi hổ ra về, chuyện đó âu cũng là lẽ công bằng.

* Còn việc đội tuyển Anh bị loại, ông nghĩ sao?

- Cũng công bằng nốt, dù đó là đội bóng tôi yêu (cười). So sánh vui, với người Việt Nam, đội tuyển Anh bây giờ cũng giống như đội tuyển của “ông anh” Liên Xô trước kia. Nghĩa là được xem nhiều, nghe nhiều, khen nhiều. Rồi khi vào giải, họ đều sớm gục ngã trong những thời điểm cần chứng tỏ bản lĩnh. Sức mạnh của truyền thông khiến chúng ta yêu một cách mù quáng và ít khi chịu hiểu: thực lực của họ, nói cho cùng, cũng chỉ tới vậy thôi.

* Vậy, sự vắng mặt của hai đội bóng này có làm ông mất vui khi xem những trận đấu sắp tới không?

- Chút ít thôi, không nhiều. Vẫn còn một đội bóng tôi khá thích là Brazil: đẹp, tinh tế, có bản lĩnh và cửa vô địch thì rất “sáng”. Điều làm mất vui đến từ một chuyện khác: đó là việc phải nghe các bình luận viên nói trên truyền hình. Rất nhiều người lạm dụng tiếng nước ngoài quá đáng nhưng lại phát âm sai hết cả. Nhiều trận, tôi và bạn bè không chịu nổi, phải chuyển sang xem các kênh quốc tế.
 
* Nhưng, với sự phức tạp của chuyện phát âm, chúng ta có nên khe khắt quá không?

- Này nhé, tôi đồng ý rằng mỗi từ có nhiều cách đọc. Chẳng hạn, tên riêng của một cầu thủ có thể đọc khác nhau, tùy theo từng quốc gia (nói tới đây, dịch giả Dương Tường đưa ra nhiều ví dụ). Nhưng chúng ta có thể thống nhất một cách gọi, chứ không thể để biến dạng một cách loạn xạ qua từng trận đấu khác nhau. Ngoài ra, rất nhiều từ sẵn có trong từ điển tiếng Việt, tại sao lại không dùng nó? Chẳng hạn, có thể tạm thay “World Cup” bằng cụm từ “Cúp bóng đá quốc tế chứ”?

Trên các đài quốc tế, bình luận viên của họ nói khá tự nhiên, thậm chí có thể cười, đùa, tranh luận cùng nhau một cách thoải mái trong lúc dẫn chương trình. Chưa thể yêu cầu BLV của chúng ta như thế, nhưng ít nhất có thể mong họ nói rõ ràng, chính xác và cẩn thận chứ? Tôi rất bực khi thỉnh thoảng lại phải nghe những câu bình luận được “văn chương hóa” một cách vô nghĩa, hoặc sự căng thẳng quá đáng làm mất cảm hứng của người xem truyền hình.

Minh Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm