15/06/2024 07:00 GMT+7 | Văn hoá
Chưa đầy nửa năm sau Đảo ngược Kim Tự Tháp - một cuốn sách cũng rất dày - Nguyễn Tuấn Bình lại liên tục ra mắt 3 dịch phẩm mới, với tổng độ dày lên tới ngót 2.000 trang. Đó là con số đáng nể, với một dịch giả trẻ và từng có xuất phát điểm… không liên quan gì tới sách.
3 cuốn sách mới dịch của Bình là Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật (NXB Tri thức và Omega Plus ấn hành), Bảy chuyện kể Gothic (NXB Phụ nữ) và Đời con (nằm trong bộ 3 Đất lành, NXB Phụ nữ). Cuốn đầu tiên ở dạng khảo cứu, còn 2 cuốn sau đều là tiểu thuyết của những tác giả khá có tiếng trong văn học hiện đại.
"Khi bắt tay vào việc dịch thuật, tôi luôn tâm niệm chỉ chọn các tác phẩm hay, có giá trị lâu dài và mình thích, thì mới làm tốt được. 3 cuốn sách đều đến với tôi theo tiêu chí này" - Bình mở đầu câu chuyện với Thể thao và văn hóa (TTXVN).
Tự khắt khe với chính mình
* Cụ thể hơn, cơ duyên chọn dịch 3 cuốn sách đến với anh như thế nào?
- Về Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật, sau khi được Omega Plus giới thiệu, tôi đã dành 2 ngày tìm hiểu mọi thông tin. Đó là cuốn sách gắn với chương trình phát thanh cùng tên, do Neil MacGregor (giám đốc Bảo tàng Anh) biên soạn và trình bày. Nó trở thành một hiện tượng phát thanh, vượt xa mức mong đợi của những người làm chương trình. Quan sát hiện vật, để hiện vật cất lên tiếng nói và khôi phục được ý nghĩa chính xác của hiện vật cũng như trân trọng những con người làm ra - đó là điều tác giả đã thực hiện. Một cuốn sách như vậy, tôi không thể bỏ qua!
Bảy chuyện kể Gothic của Isak Dinesen là một câu chuyện khác. Hầu hết bạn đọc Việt Nam chỉ biết đến bà kể từ năm 2020 qua tác phẩm Châu Phi nghìn trùng với bản dịch của Hà Thế Giang (từng nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 ở hạng mục Văn học dịch). Từ tình yêu với cuốn sách ấy, tôi bắt tay vào dịch Bảy chuyện kể Gothic - từng được Charles Van Doren, nguyên Tổng biên tập bộ Bách khoa thư Britannica, xếp vào danh sách 100 tác phẩm cần phải đọc - như một cách tìm hiểu sâu hơn về cá tính nhà văn Đan Mạch này.
Riêng với Đời con thuộc bộ ba Đất lành, tôi bị thu hút bởi một tác giả quá đặc biệt - Pearl S. Buck. Đó là người phụ nữ Mỹ đầu tiên giành được giải thưởng Văn chương Nobel, là dịch giả đã giới thiệu Thuỷ hử tới thế giới phương Tây, là con người lớn lên, trưởng thành và giành phần lớn sự nghiệp văn chương để viết về Trung Quốc.
* Vậy, anh sẽ nói gì về chặng đường hoàn thành bản dịch của 2.000 trang sách này?
- Đó là con đường thật dài, mệt nhọc và cô độc. Mệt nhọc, bởi mỗi ngày tôi dành trọn vẹn 8 tiếng cho dịch thuật: Bắt đầu từ 7 giờ sáng, nghỉ trưa một giờ rồi kéo tới 5 giờ chiều. Quãng thời gian ấy cần có thành quả là khoảng 6 trang bản thảo. Nếu chưa đạt được kế hoạch ngắn này trong 8 tiếng ban ngày, tôi sẽ dịch tiếp vào buổi tối, thậm chí dậy sớm dịch bù sáng hôm sau.
Còn cô độc? Tôi may mắn được làm việc tự do (mà các bạn trẻ gọi là freelancer), nhưng tự do đó là trong tư tưởng. Bù lại, tôi phải tự khắt khe với chính mình tuân thủ kỷ luật còn hơn thời đi làm bên ngoài. Để hoàn thành đúng tiến độ, trong quá trình dịch gần như tôi không giao lưu, từ chối nhiều buổi gặp gỡ, vì biết hôm sau mình sẽ rất mệt, không tập trung làm việc được.
Có khi vì vậy, tôi mất đi nhiều bạn bè thời gian qua (cười). Rồi nghĩ về những ngày lễ Tết, nhiều khi tôi thấy mình có lỗi với gia đình và vợ con. Trong lúc các gia đình khác đi chơi, tôi lại tranh thủ mấy ngày đó - vắng vẻ và cũng ít người hỏi han - để tập trung dịch được thêm chút nào hay chút ấy.
* Đều đặn "cày" 8 tiếng mỗi ngày - hoặc nhiều hơn - cho việc dịch thuật, anh có cần tới khái niệm vẫn được gọi là "cảm hứng"?
- Nhiều người nói rằng viết, và cả dịch thuật, phải có cảm hứng. Tôi đồng ý, nhưng cứ phải ngồi vào bàn và gõ vài chữ đi, cảm hứng sẽ tới. Và còn điều nữa, sự cẩn trọng là tối cần thiết. Trong lúc dịch, có những lúc tôi cũng thấy chán: Có chỗ mình không dịch thoát, có những kiến thức mình không hiểu, có cả những lúc quá tải làm làm đầu óc không thể tập trung. Khi ấy, không muốn chôn chân tại chỗ, tôi thường liên hệ với các chuyên gia về lĩnh vực mà mình đang dịch để trò chuyện, bổ sung kiến thức.
Đơn cử, khi dịch một cuốn ở dạng sách bách khoa tri thức như Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật, tôi đã phải liên lạc nhiều giờ với các dịch giả Hán văn như Châu Hải Đường, các chuyên gia về cổ vật Trung Hoa như Ngô Trần Trung Nghĩa, cổ vật Ấn Độ như Trần Anh Đức, hay linh mục Đình Chẩn với các vấn đề Ki tô giáo. Ân tình đó tôi không quên.
"Tôi luôn tin người dịch phải là người giỏi tiếng Việt. Dịch thuật tốt là phải sử dụng thứ ngôn ngữ mẹ đẻ một chuẩn xác thuần thục, và cao hơn là biến nó trở nên tinh tế, đẹp đẽ" - Nguyễn Tuấn Bình.
Từ "Bình Bán Book" đến "Bình Không Bán Book"
* Nhìn lại, anh từng dịch một lượng sách khá rộng, từ sách về cầu đường, truyện tranh, bóng đá, khảo cứu rồi văn học. Đó là một quá trình kiểu "tìm đường", hay anh muốn có sự đa dạng để thay đổi bản thân?
- Thực ra tôi luôn tâm niệm là làm sách để "trả nợ" cho những đam mê. Với công việc được đào tạo, với ngôi trường đã cho tôi tấm bằng kỹ sư, tôi dịch bộ Lịch sử và nghệ thuật của những cây cầu. Để trả nợ tuổi thơ - và cả tình yêu bóng đá không đổi thay - tôi dịch Lịch sử bóng đá bằng tranh và Lịch sử chiến thuật bóng đá. Là người yêu khoa học, tôi dịch Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật. Và sâu thẳm trong lòng mình, tôi thích văn chương, bởi thế sự ra đời của Ba bậc thầy, Bảy chuyện kể Gothic là đáp lại tình yêu đó.
Và tôi cũng biết mình cũng có điểm tới hạn: từ xuất phát điểm là một kỹ sư, những vấn đề quá chuyên sâu của khoa học xã hội như triết học, văn hoá, nhân học không thể là thế giới tôi có thể đụng chạm đến. Ngay ở lĩnh vực văn học, cùng dung lượng gần 800 trang nhưng tôi bỏ ra tới một năm cho Bảy chuyện kể Gothic, trong khi chỉ mất 4 tháng cho Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật.
* 3 cuốn sách dịch mới của anh gồm cả thể loại hư cấu (fiction) và phi hư cấu (non-fiction). Với 2 thể loại này, công việc của một dịch giả như anh có khác nhau nhiều không?
- Các tác phẩm khảo cứu thường có văn phong rõ ràng và khoa học, gần như tôi chỉ cần dịch chính xác là đủ rồi. Nhưng tác phẩm văn học luôn là câu đố cho người dịch, thường phải dịch chừng 30% tác phẩm tôi mới bắt được tông giọng tác giả, hiểu được hồn cốt câu chuyện kể. Và khi ấy, tôi sẽ quay về dịch lại từ đầu. Dịch văn học không những cần chính xác, mà đòi hỏi cảm xúc và lựa chọn ngôn từ tinh tế - chẳng hạn với cùng đại từ "he" tôi nhiều khi phải bối rối khi lựa chọn "hắn", "cậu", "y", "chàng"…. Chắc chắn người dịch một tác phẩm văn học sẽ phải sống cùng tác phẩm ấy bằng trọn vẹn tâm trí và cảm xúc của mình.
Cũng cần nói thêm, tôi luôn tin người dịch phải là người giỏi tiếng Việt. Tôi thì không giỏi nên luôn kè kè bên mình một bộ từ điển tiếng Việt. Với tôi, dịch thuật tốt là phải sử dụng thứ ngôn ngữ mẹ đẻ một chuẩn xác thuần thục, và cao hơn là biến nó trở nên tinh tế, đẹp đẽ.
* Một câu hỏi vui: Anh có thể so sánh mức thu nhập từ việc kinh doanh sách qua địa chỉ facebook "Bình Bán Book" quen thuộc của mình và mức nhuận bút từ dịch thuật? Rộng hơn, khi say mê với nghề dịch thuật trong thời gian qua, anh tự thấy nó mang lại những gì và lấy đi những gì của mình?
- Lấy đi ư? Như đã nói, tôi mất đi quá nhiều thời gian, mất tâm lực và các mối quan hệ xã hội trên con đường nhọc nhằn và cô độc này. Và thật lòng, nếu chỉ nghĩ tới thu nhập chắc tôi không ngồi mà dịch sách được, bán sách sẽ thoải mái hơn. Có lẽ việc dịch thuật ròng rã 6 tháng không bằng doanh thu Bình Bán Book một tuần (cười).
Nhưng chắc chắn, dịch thuật đem lại cho tôi quá nhiều: sự trưởng thành trong tư duy, việc rành rọt ngôn ngữ Việt, tăng sự hiểu biết và rèn giũa tính kỷ luật. Xét rộng ra, ngoài cái tên Bình Bán Book, độc giả giờ đây biết thêm một Bình Không Bán Book - người đam mê và muốn tỏa tình yêu sách vở của mình qua con đường của một dịch giả.
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất