28/11/2012 13:22 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Tuy mới 27 tuổi, nhưng Lục Hương đã có gần 10 năm làm việc dịch sách và đã có khoảng 20 quyển được xuất bản. Riêng bộ Mật mã Tây Tạng (10 quyển, hơn 1,2 triệu chữ) được hoàn thành trong khoảng 4 năm đã cho thấy sức làm việc là đáng nể phục. Đây là một trong những bộ sách bán chạy nhất tại Việt Nam, nên cả 10 tập sách đều bị làm giả, sớm thì 2 ngày, muộn thì 7-10 ngày là đã có sách giả tràn lan khắp thị trường. TT&VH có cuộc trò chuyện với Lục Hương, nhưng không về chuyện sách giả, mà về nền tảng văn hóa và văn chương của bộ sách ăn khách này.
Mở đầu câu chuyện, về chuyện sách giả, Lục Hương chỉ nói ngắn gọn: “Tôi rất buồn và lo lắng khi nhìn thấy những cuốn sách giả nhăn nheo, giấy mỏng dính, chữ in thì mờ tịt được bày bán trên các sạp sách vỉa hè.
Thị trường sách Việt Nam vốn đã nhỏ hẹp, sách bán chừng 5.000-7.000 bản đã được coi là bán chạy, các đơn vị xuất bản cả tư nhân lẫn nhà nước đều ngoắc ngoải, lại thêm nạn sách giả hoành hành suốt bao năm nay mà không hề bị xử lý, cứ như vậy, bao giờ ngành xuất bản của chúng ta mới phát triển được. Điều này dẫn đến rất nhiều hệ lụy, mà đầu tiên là văn hóa đọc của chúng ta mãi chẳng thể nào cao lên được”.
“Mật mã Da Vinci” của Đông phương
* Bạn đến với bộ Mật mã Tây Tạng từ duyên cớ nào? Khi dịch tập đầu tiên xong, bạn có nghĩ sức hấp dẫn của nó đủ sức kéo dài đến tập thứ 10 không? Tại sao?
- Vào năm 2008, Mật mã Tây Tạng bất ngờ xuất hiện và chiếm lĩnh mọi bảng xếp hạng sách bán chạy nhất Trung Quốc trong suốt một thời gian dài, và xét trong phân mục tiểu thuyết ly kỳ, phiêu lưu mạo hiểm thì thời gian bộ sách này đứng hạng đầu còn kéo dài hơn nữa.
Cùng với đó, là vô số lời khen ngợi có cánh của các chuyên gia, học giả nghiên cứu về Tây Tạng và hàng chục nghìn lời khen ngợi cũng như những đánh giá 5 sao của độc giả trên các trang mạng bán sách lớn. Một bộ sách được cả giới chuyên môn và độc giả đánh giá cao như vậy, hiển nhiên là rất đáng để xem xét.
Tôi đã đặt mua một cuốn về đọc thử, và bị ấn tượng ngay từ những trang đầu tiên. Sau khi đọc chừng nửa tập 1, tôi đã bị ấn tượng và quyết định sẽ giới thiệu bộ sách này với độc giả Việt Nam.
Tại thời điểm tôi bắt tay dịch tập 1, tác giả chỉ dự định bộ truyện sẽ kết thúc ở tập 6. Với những gì anh khơi mở ra ở tập 1, tôi nghĩ sức hấp dẫn của Mật mã Tây Tạng hoàn toàn có thể kéo dài đến tận khi nó kết thúc. Nhưng quả thật, bản thân tôi cũng không ngờ Hà Mã còn có thể kéo dài đến tận tập thứ 10, mà câu chuyện vẫn không đi vào lối mòn nhàm chán.
* Còn trong cộng đồng quốc tế, họ thường đánh giá bộ sách này theo những khuynh hướng hay điểm nhìn nào?
Lục Hương tên đầy đủ là Nguyễn Xuân Minh, sinh năm 1985, hiện sống tại Hà Nội, từng dịch các tác phẩm: Sinh năm 1980 của Từ Triệu Thọ, Ma thổi đèn của Thiên Hạ Bá Xướng, Bên cạnh thiên đường của Quản Ngai, Thất dạ tuyết của Thương Nguyệt, Gái công xưởng của Leslie T. Chang, Cá voi và hồ nước của Thái Trí Hằng, 1Q84 của Murakami Haruki... |
Ở các nước đó, Mật mã Tây Tạng thường được xét đến như một bộ tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm hấp dẫn với hàm lượng lớn các kiến thức văn hóa, lịch sử về Tây Tạng. Có lẽ sự so sánh là hơi khập khiễng, nhưng tôi nghĩ Mật mã Tây Tạng giống như một dạng Mật mã Da Vinci của phương Đông vậy.
* Riêng độc giả Việt Nam thường đọc sách sau bản gốc khoảng bao lâu? Bạn mất bao lâu để hoàn tất một tập? Có ai phụ bạn không?
- Khi tôi bắt tay dịch thì bản gốc đã ra đến tập 4. Vì vậy, độc giả Việt Nam thường có trên tay bản dịch sau khi bản gốc xuất bản khoảng 6 tháng. Để hoàn tất một bản dịch như Mật mã Tây Tạng, tôi cần khoảng hơn 2 tháng, với mỗi ngày làm việc chừng 4 giờ.
Tôi quan niệm dịch thuật là công việc của cá nhân, nên hầu như chỉ làm việc một mình. Ngay cả khi dịch chung một cuốn sách với vợ, chúng tôi cũng chia đôi ra, và đến sau khi hoàn thành phần của mình mới đọc chéo lại phần dịch của người kia.
Bộ sách Mật mã Tây Tạng do Lục Hương dịch |
* Đây là một bộ sách bán chạy bậc nhất tại thị trường sách dịch Việt Nam hiện nay. Với tư cách dịch giả - người đọc kĩ tác phẩm này - bạn nghĩ sức hấp dẫn của nó là do đâu?
- Theo tôi, sức hấp dẫn của bộ sách này, trước tiên nằm ở hai chữ Tây Tạng. Đó là một trong những vùng đất huyền bí nhất thế giới hiện nay, và đối với độc giả châu Á, sức hấp dẫn của nó còn tăng lên gấp bội (ý tôi là so với các vùng đất huyền bí khác, như rừng Amazon, hay sa mạc Sahara…).
Tây Tạng được tác giả miêu tả hết sức kỹ lưỡng, tỉ mỉ ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ văn hóa, lịch sử, tôn giáo con người, thiên nhiên, phong cảnh, huyền thoại, dã sử… Và những thứ đó lại được lồng ghép rất khéo léo vào một cốt truyện phiêu lưu hấp dẫn, ly kỳ có tiết tấu nhanh, mạnh, dồn dập.
* Văn hóa và câu chuyện Tây Tạng trong sách này được diễn dịch ra sao? Bạn nghĩ gì về độ xác thực hay tính nền tảng thực tế của nó?
- Đọc sách, độc giả sẽ thấy Tây Tạng được hiện lên một cách sống động. Tôi lấy ví dụ về tôn giáo chẳng hạn, theo chân các nhân vật chính, độc giả sẽ lần ngược dòng lịch sử, tìm hiểu về cuộc phân tranh kéo dài nhiều thế kỷ giữa Phật giáo và tôn giáo bản địa của Tây Tạng (bản giáo hay còn gọi là đạo Bon), nguyên nhân và kết quả cuộc vận động diệt Phật của Tán thổ Lãng Đạt Mã, hay công cuộc phục hưng của Tạng truyền Phật giáo (Mật tông) sau này…
Trong quá trình dịch, tôi đã tra tìm một số nguồn, và nhận thấy tác giả đã viện dẫn rất nhiều dữ kiện trong các tài liệu nghiên cứu đã được giới chuyên môn công nhận. Tuy nhiên, vì đây là một tiểu thuyết, ngoài những dữ kiện thật, tác giả cũng thêm vào không ít những chi tiết hư cấu, ta không thể coi nó như một tài liệu nghiên cứu chính thống. Độc giả nên tìm hiểu kỹ hơn các nguồn tư liệu khác trước khi khẳng định một vấn đề gì đó được nêu trong bộ sách này.
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất