12/03/2020 19:47 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/3/2020 đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu.
Trong lịch sử nhân loại, nhiều dịch bệnh lớn được coi như đại dịch đã bùng phát trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người, ảnh hưởng không nhỏ đến dân số và gây trì trệ nền kinh tế toàn cầu.
Sự khác nhau giữa dịch bệnh và đại dịch
Theo WHO, bệnh dịch được giải thích là sự bùng phát của một căn bệnh trong một khu vực với tốc độ lây nhiễm không lường trước được. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa bệnh dịch là "một sự gia tăng, thường là đột ngột, các ca nhiễm vượt cả số lượng đã ước tính tại khu vực đó".
Năm 2010, WHO đã định nghĩa đại dịch là "sự lây lan trên toàn thế giới của một căn bệnh mới" có ảnh hưởng đến một số lượng lớn người. CDC thì định nghĩa "là một dịch bệnh lan rộng trên một số quốc gia hoặc lục địa, thường ảnh hưởng đến một số lượng lớn người".
"Thông thường một đợt bùng phát có thể trở thành một bệnh dịch khi nó lây lan rộng tại một quốc gia cụ thể, đôi khi ở một khu vực cụ thể”, như Zika - Giáo sư về luật y tế toàn cầu Lawrence O. Gostin, thuộc Đại học Georgetown, giải thích - “Trong khi đó một đại dịch được hiểu là sự lây lan rộng khắp về mặt địa lý của một căn bệnh tại nhiều nơi trên thế giới, qua nhiều châu lục".
Trong khi đó, từ điển Cambridge (Anh) định nghĩa: Dịch bệnh (epidemic) là sự xuất hiện của một bệnh cụ thể xảy ra với số lượng lớn người ở cùng một thời điểm, ví như dịch cúm, dịch sốt xuất huyết... Đại dịch (pandemic) là một bệnh xuất hiện ở gần như mọi nơi trong một khu vực hoặc gần như với tất cả mọi thành phần trong một nhóm người, nhóm động vật hay thực vật.
Vì sao WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch?
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 11/3 chính thức tuyên bố COVID-19 đã tới giai đoạn gọi là đại dịch và cần hành động khẩn cấp từ tất cả các nước. Tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Ghebreyesus nhấn mạnh: “WHO đã và đang đánh giá sự bùng phát từng giờ và chúng tôi quan ngại sâu sắc về cả mức độ lây lan và nghiêm trọng đáng báo động, cũng như mức độ thiếu hành động đáng lo ngại. Do đó, chúng tôi đưa ra đánh giá rằng COVID-19 có thể được mô tả như một đại dịch".
Theo Tổng Giám đốc WHO: “Đại dịch không phải từ để sử dụng dễ dàng hoặc bất cẩn. Đó là một từ mà nếu sử dụng sai có thể gây ra nỗi sợ hãi vô lý, hoặc sự chấp nhận một cách phi lý rằng cuộc đấu tranh đã kết thúc, dẫn đến sự chịu đựng và những cái chết vô lý. Việc diễn tả tình hình hiện nay là đại dịch sẽ không thay đổi những đánh giá của WHO đối với mối đe dọa từ virus corona. Nó không thay đổi những gì WHO đang làm, và nó không thay đổi những gì các nước nên làm”. Ông Ghebreyesus khẳng định, tình hình dịch bệnh hiện tại là “cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực”.
Tổng Giám đốc WHO khuyến cáo các nước cần đưa ra cả những biện pháp giảm nhẹ và ngăn ngừa, song ngăn ngừa cần phải là biện pháp "trụ cột chính". Trong thông điệp ngày 10/3, ông Ghebreyesus đã hối thúc các nước gạt bỏ sự khác biệt và đối mặt với COVID-19 như một “kẻ thù chung”, đồng thời khẳng định “đây là thời điểm chúng ta cần hợp lực để bảo vệ không chỉ chính chúng ta mà còn cả nhân loại”.
Trước đó, ngày 30/1/2020, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với chủng mới của virus corona.
Những đại dịch thế giới từng đối mặt
Đại dịch hạch Justinian vào năm 541 - 750 đã khiến khoảng 30-50 triệu người thiệt mạng và ảnh hưởng đến nhiều khu vực như Trung Quốc, Bắc Phi và các nước Địa Trung Hải. Dịch hạch mang tên Cái chết Đen năm 1347-1351 là một nỗi ám ảnh của nhân loại và châu Âu khi cướp đi mạng sống của khoảng 25 triệu người trên khắp châu lục này.
Đại dịch đậu mùa từ thế kỷ XV - XVII đã làm khoảng 20 triệu người ở châu Mỹ tử vong.
Đại dịch tả trong giai đoạn 1817 - 1823 có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau đó đã lan rộng khắp châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Phi. Đại dịch này đã khiến hàng triệu người thiệt mạng.
Đại dịch cúm Tây Ban Nha (còn gọi là cúm H1N1) thời kỳ 1918 - 1919 cướp đi sinh mạng của 50 triệu người và là một trong những sự kiện tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại.
Đại dịch cúm Hong Kong (còn gọi là cúm H3N2) năm 1968 - 1970 đã khiến 1 triệu người chết với các khu vực ảnh hưởng bao gồm châu Á, Australia, châu Âu và Mỹ. Nhóm người dễ nhiễm bệnh nhất là trẻ em và người già với tỷ lệ tử vong cao.
Không thể không kể tới đại dịch HIV/AID từ năm 1981 đến nay đã khiến khoảng 32 triệu người chết trên toàn thế giới. Virus gây nên dịch bệnh này tấn công vào hệ miễn dịch và làm suy yếu nó khiến cơ thể không còn khả năng chống lại viêm nhiễm và bệnh tật. Dù vậy, sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát triển được các loại thuốc giúp những người nhiễm HIV sống lâu hơn.
Đại dịch cúm A (còn gọi là H1N1) năm 2009 - 2010 khiến hơn 60 triệu người Mỹ nhiễm bệnh và làm gần 600.000 người tử vong.
Dịch Ebola giai đoạn 2014 - 2016 khởi phát từ một ngôi làng nhỏ ở Ghine và lan tới các nước láng giềng Tây Phi, cướp đi mạng sống của hơn 11.000 người.
Và mới nhất, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2), vừa được WHO tuyên bố là đại dịch toàn cầu. Tính đến thời điểm chiều ngày 12/3/2020, dịch bệnh này đã lan ra 108 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, khiến hơn 125.800 người mắc và hơn 4.600 người tử vong.
Trước COVID-19, cúm A/H1N1 (2009 - 2010) và HIV/AIDS (1981 - đến nay) đã được WHO tuyên bố là đại dịch toàn cầu.
Minh Trà (tổng hợp) - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất