17/04/2023 19:08 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Vào lúc 1 giờ sáng, khi không còn âm thanh nào vang lên giữa màn đêm ở ngôi làng Penngayehan, trên bờ biển phía tây của Bali, Indonesia, anh Adik Dika tiến về phía con lợn với con dao dài 20cm trên tay.
Bằng kỹ thuật điêu luyện trong nghề giết mổ lợn, anh nhanh chóng xử lí để chuẩn bị cho những món ăn sẽ được nấu trong ngày hôm đó. Sau khi loại bỏ nội tạng, Adik Dika rửa lợn bằng nước dừa và lấp đầy bên trong bằng lá sắn, bột gia vị và đá núi lửa để giúp tỏa đều nhiệt khi lợn được quay chậm trên ngọn lửa được đốt bằng gáo dừa.
Sau đó, anh sẽ dành hàng giờ đồng hồ để quay lợn trong khi phết lớp da bên ngoài với hỗn hợp dầu dừa và nghệ cho đến khi da lợn chuyển sang màu nâu vàng và trở nên giòn rụm.
Lợn chiên giòn tại Babi Guling Slingsing, ở làng Penngayehan trên bờ biển phía tây Bali, Indonesia. Ảnh: Dave Smith
Khi ánh nắng đầu tiên trải dài trên cánh đồng lúa ở Penngayehan, Dika đã làm xong món "babi guling" – một món ăn của người Bali mà huyền thoại ẩm thực quá cố Anthony Bourdain từng đánh giá là món thịt lợn mọng nước nhất mà ông từng nếm thử.
"Đây là miếng thịt lợn ngon nhất mà tôi từng ăn. Chắc chắn là món ngon nhất," ông Bourdain nói khi quay phim ở Bali, Indonesia, năm 2006. "Tôi nghĩ rằng ngay cả đầu bếp điêu luyện nhất của Pháp cũng không thể nghĩ ra bất cứ thứ gì ngon lành và đẹp đẽ đến mức này."
Nghệ thuật nướng thịt nguyên con có từ thời kỳ đồ đá - một nghi lễ nguyên thủy chứa đầy ý nghĩa tâm linh và tôn giáo vẫn được thực hành ở nhiều nơi trên thế giới ngày nay.
Ở Cuba và Philippines, lợn quay là một phần bất di bất dịch trong dịp Giáng sinh. Ở Melanesia và Nam Thái Bình Dương, việc hiến tế và quay lợn được sử dụng với mục đích củng cố sự bền chắc trong hôn nhân hoặc khi có hiệp định hòa bình giữa các bộ lạc.
Lợn quay cũng được ăn ở các vùng của Indonesia nơi Cơ đốc giáo chiếm ưu thế, chẳng hạn như vùng Batak ở Bắc Sumatra, Toraja và Manado ở Sulawesi và khắp Papua, nơi lợn được nấu bằng đá nóng dưới lòng đất.
Nướng lợn nguyên con tại Babi Guling Slingsing. Ảnh: Dave Smith
Tuy nhiên, Bali là nơi duy nhất trên thế giới mà truyền thống cổ xưa đã phát triển thành một nền ẩm thực nổi tiếng thế giới.
William Wongso, một trong những đầu bếp được kính trọng nhất ở Indonesia, cho biết: "Lịch sử của món babi guling không được viết ra nhưng thịt lợn nướng theo nghi lễ của đạo Hindu đã dần trở thành món ăn nổi tiếng nhất của Bali".
Henry Alexie Bloem, cựu chủ tịch Hiệp hội Đầu bếp Indonesia, xuất thân từ một gia đình gồm những đầu bếp bậc thầy về món babi guling.
Babi Guling Men Lari, một nhà hàng lợn sữa ngoài trời ở Penngayehan, phía tây Bali. Ảnh: Dave Smith
"Khi tôi lớn lên vào những năm 60, gia đình tôi rất nghèo. Chúng tôi chỉ ăn cơm và rau", Bloem nhớ lại. "Nhưng sau đó, mẹ tôi bắt đầu nấu babi guling tại nhà của chúng tôi. Bà thường thức dậy lúc nửa đêm và nướng cả đêm.
"Khi mặt trời mọc, các chị gái của bà sẽ đến và giúp cô ấy làm 200 hoặc 300 phần nasi bungkus [cơm gói trong lá chuối] với babi guling để bán ra chợ. Tôi rất vui vì bỗng nhiên gia đình có nhiều thịt hơn".
Năm 1972, mẹ của Bloem mở một quán babi guling warung - từ tiếng Indonesia có nghĩa là quán ăn do gia đình tự quản - ở thủ đô Denpasar của Bali. Vào những năm 1980, một người dì đã mở một warung của riêng mình trên cùng một khu nhà.
Một người dì khác mở một gian hàng babi guling tại Chợ Sanglah ở Denpasar trong khi một người chú mở một warung gần sân bay, tại Vịnh Jimbaran. Bloem cũng thỉnh thoảng nấu babi guling tại nhà hàng cũ của ông có tên Bloem's Waroeng ở Kuta.
Ông nói: "Gia đình không bao giờ cạnh tranh với nhau vì món babi guling của mỗi người có hương vị khác nhau và họ đều có những khách hàng khác nhau".
Ông Bloem cho rằng công thức chế biến babi guling có thể đã hơn 1.000 năm tuổi. "Tôi tin rằng nó đã được phục vụ trong các nghi lễ của Vương quốc Majapahit [thế kỷ 13-16] và có lẽ trước đó nữa."
Có vô số biến thể của bumbu - bột gia vị - ở Indonesia. Bumbu genp, loại phổ biến nhất để chế biến món babi guling, có các thành phần như tỏi, gừng, hẹ tây, nghệ, nhục đậu khấu, hạt dẻ cười, đinh hương, hạt tiêu, sả, ớt, mắm tôm và hai loại riềng.
Thịt lợn quay giòn của nhà hàng Babi Guling Men Lari. Có tới 13 thành phần tạo nên một bữa ăn babi guling, bao gồm các loại thịt lợn cắt miếng khác nhau, tiết canh lợn, gia vị và cơm. Ảnh: Dave Smith
Phần thịt lợn trắng tan trong miệng, ngấm sâu với bumbu, là điểm nổi bật nhất trong các bữa ăn ở Bali. Có nhiều nhà hàng bán babi guling ở trong vùng, nhưng nếu đặt câu hỏi "ai làm món babi guling ngon nhất", thực khách sẽ phải tự mình khám phá.
"Đó là câu hỏi trong đầu mọi người và mỗi người Bali sẽ cho bạn một câu trả lời khác nhau. Nhưng câu trả lời chính xác nhất là bất kỳ nhà hàng nào ở gần bạn nhất vì sự tươi ngon là thứ quan trọng hàng đầu. Càng ăn babi guling sớm sau khi nấu, hương vị càng ngon".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất