Báu vật trải khắp Hà Thành

11/10/2010 15:05 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Chưa bao giờ Hà Nội tổ chức nhiều triển lãm có quy mô hoành tráng với nhiều hiện vật giá trị đến thế. Đây là cơ hội ngàn năm có một để người dân được chiêm ngưỡng những báu vật thực sự.

>> Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Báu vật trong lòng Thủ đô


Mũ vàng triều Nguyễn

Bản thân Hoàng thành Thăng Long đã là một “kiệt tác lịch sử” giữa lòng Thủ đô. Hoàng thành sẽ chỉ mở trong vòng 1 tháng (ngày 2/11 sẽ đóng cửa để phục vụ nghiên cứu), do đó nên đây là cơ hội chiêm ngưỡng hiếm hoi cho mọi người dân. Thời gian này không gian Thành cổ Hà Nội gồm Đoan Môn, Điện Kính Thiên... vô cùng cuốn hút. Vào đây, cảm giác như lạc vào “ngự hoa viên” với hàng trăm những chậu cây cảnh trị giá tiền tỉ, và những tuyệt phẩm được tạo tác từ đá thiên nhiên, ngọc nguyên khối của các nghệ nhân tài ba. Không chỉ có vậy, du khách còn được chiêm ngưỡng bức tranh Ước nguyện ngàn năm đẹp tuyệt vời của các nghệ nhân thêu tay XQ; chiếc chiêng khổng lồ và cặp áo dài “Nghìn rồng, nghìn phượng” với chiều dài đuôi áo 10m của NTK Lan Hương.

Vào hôm 9/10, tấm màn huyền bí về những “Bảo vật Hoàng cung” đã được kéo lên. Hàng trăm bảo vật của triều Nguyễn như ấn vàng, kiếm vàng, sách vàng, đồ ngự dụng bằng vàng..., ngọc lần đầu được giới thiệu tới công chúng tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Phải nhấn mạnh đây là cơ hội 50 năm mới trở lại vì lần trưng bày “gần” đây nhất là từ 2/9/1961.  

Bảo tàng Lịch sử cũng đang trưng bày những hiện vật hết sức độc đáo như bức họa vẽ chân dung Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Chân dung của Nguyễn Trãi đã từng in trên rất nhiều ấn phẩm, nhưng đây là lần đầu tiên bức họa gốc vẽ trên lụa được trưng bày. Ngoài ra ở đây còn trưng bày bản gốc tập thơ Ngục trung nhật ký, chiếc áo kaki, những vật dụng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bức họa Bác Hồ với thiếu nhi được vẽ bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu.

Những thứ khổng lồ và “triệu đô”


Áo dài “Nghìn rồng, nghìn phượng”

Bảo tàng Hà Nội và Trung tâm Hội nghị Quốc gia hiện đang là nơi trưng bày những “kì hoa dị thảo”.

Bước vào đây du khách sẽ bị ngợp trong một rừng sinh vật cảnh có giá... triệu đô. Ngay cổng vào Bảo tàng Hà Nội là tác phẩm gỗ lũa hoành tráng có tên “Cửu Long Thành Cổ” - tức 9 con rồng tạo ra cổng thành, được làm bằng gỗ sao xanh, nặng 5 tấn đã khiến người ta “ngộp thở” vì vẻ đẹp đầy quyền uy của nó. Còn giá thì, nói ra lại sợ du khách “đau tim”.

Tới Cung Văn hóa Lao động Hữu Nghị thăm triển lãm Những tấm lòng với Thăng Long - Hà Nội, khách tham quan sẽ được thực mục sở thị những vật phẩm khổng lồ nhưng được thực hiện vô cùng kỳ công. Bức tranh thêu Hồn thiêng Đại Việt có chiều dài 33,3m và chiều rộng 3,3m chiếm phần lớn diện tích của gian trưng bày. Có diện tích nhỏ hơn, bức tranh thêu Cội xưa với chiều dài 31m và rộng 5,5m vẫn xứng đáng là một bức tranh thêu khổng lồ. Ngoài ra trong triển lãm này còn có đàn nón cao 1,6m, rộng 1m và 4 người có thể biểu diễn cùng lúc trên chiếc đàn này; linh vật thần Kim Quy làm bằng gốm Bát Tràng, nặng 4 tấn, kích thước 3,3x2,6x1,36m.

Trong các tặng phẩm gửi tới Đại lễ còn phải kể đến bộ áo dài 100m, có 9 tà của NTK Võ Việt Chung.

Không thể bỏ qua Con đường gốm sứ ven sông Hồng, một tác phẩm nghệ thuật công cộng xứng đáng với Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Công trình này đã được Tổ chức Guinness Thế giới công nhận là bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới.

Còn rất nhiều sản phẩm, tặng vật được tạo nên từ cảm hứng 1.000 năm Thăng Long, làm phong phú thêm cho bộ sưu tập “ngàn năm” của Hà Nội. Có lẽ chỉ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội mới thu hút anh tài bốn phương hội tụ, và cùng làm nên những triển lãm hoành tráng như thế này.

Hải Diệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm