23/10/2011 15:25 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Tối 19/10, tại quán Nhánh lan rừng (Q.3, TP.HCM) của nhạc sĩ Thế Hiển, nhà thơ, nhà báo Hà Đình Nguyên có buổi ra mắt tập sách Những bóng hồng trong thơ nhạc do NXB Thời đại và Công ty Văn hóa Hương Trang ấn hành.
Tập sách gồm 12 bài viết của Hà Đình Nguyên về những người đẹp, “nguyên mẫu” trong các ca khúc, bài thơ nổi tiếng và hoàn cảnh ra đời của những tác phẩm này. Hầu như người Việt nào cũng thuộc nằm lòng hoặc nhớ vài câu trong các tác phẩm quen thuộc, như: Ngày xưa Hoàng thị (thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy), Ước mi (Trịnh Công Sơn), Thu hát cho người (Vũ Đức Sao Biển), Kim (Y Vũ), Ru con tình cũ (Đynh Trầm Ca), Màu tím hoa sim (Hữu Loan)... Đằng sau các tác phẩm nổi tiếng này luôn có một người đẹp “bằng xương bằng thịt” để tạo nên cảm hứng cho các nhà thơ, nhạc sĩ. Thường thì, người đời chỉ biết đến bài hát, bài thơ chứ ít ai biết nguyên mẫu để tạo nên tác phẩm đó. Hà Đình Nguyên đã đi tìm những người đẹp, nguyên mẫu trong các ca khúc nổi tiếng và anh đã tìm ra.
“Khiến người tên Duyên, đau khổ muôn niên”
Chẳng hạn như ca khúc Thà như giọt mưa (thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy), bài hát có đoạn: “Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá/ Thà như giọt mưa khô trên mặt Duyên.../ Để ta nghe thoáng tiếng mưa vội đến, những giọt run run, ướt ngọn lông măng, khiến người trăm năm, đau khổ ăn năn. Khiến người tên Duyên, đau khổ muôn niên...”.
Người đẹp tên Duyên trong bài hát này là ai?
Hà Đình Nguyên năm nay ở tuổi U60, anh cho biết rất háo hức tìm hiểu những người đẹp trong các ca khúc nổi tiếng là ai mà khiến các nhà thơ, nhạc sĩ si mê, sáng tạo nên những bài ca đẹp như vậy. Hà Đình Nguyên đã truy tìm “nguyên mẫu” trong hàng chục năm ròng từ nhiều nguồn tin, bằng các mối quan hệ và bằng cả cơ duyên.
Trong một lần tâm sự với nhà thơ Lê Minh Quốc, anh thành thật nói rằng mấy chục năm nay đã cố tìm về người đẹp tên Duyên trong bài hát nhưng “bó tay”. Lê Minh Quốc lục trong trí nhớ và giới thiệu Hà Đình Nguyên tìm gặp nhà báo Lưu Đình Triều, người học cùng trường thuở trung học với người đẹp tên Duyên và cả nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên ở Biên Hòa, Đồng Nai.
Tác giả Hà Đình Nguyên và nhà thơ Phạm Thiên Thư (phải)
Theo Lưu Đình Triều, nhà thơ của Thà như giọt mưa tên thật là Nguyễn Hoàng Hải sinh năm 1952, sau mới lấy bút danh Nguyễn Tất Nhiên. Còn cô Duyên, tên đầy đủ là Bùi Thị Duyên - dân miền Bắc vào định cư trong Nam. Tình yêu này của Hải dành cho Duyên cả trường trung học ai cũng biết, vì thơ được in báo và phổ nhạc hát vang.
Nhưng thực ra, bài thơ Khúc tình buồn của Nguyễn Tất Nhiên, sau được Phạm Duy phổ thành Thà như giọt mưa, không có cái tên Duyên nào cả. Tên Duyên xuất hiện trong Thà như giọt mưa là do “bố già làng nhạc” Phạm Duy đọc được trong các bài thơ khác của Nguyễn Tất Nhiên rồi ông đưa vào. Riêng việc đưa tên cô Duyên vào Thà như giọt mưa có thể xem Phạm Duy như một người tri âm của các nhà thơ. Vậy tên cô Duyên xuất hiện ở đâu trong các bài thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên?
Với những ai yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên, hẳn sẽ thuộc vài câu trong bài Duyên của tình ta con gái Bắc:
“Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang
Nhớ duyên dáng, ngây thơ mà xảo quyệt...
Nếu vì em mà ta phải điên tình
Cơn giận giữ đã tận cùng mê muội
Thì đừng sợ, Duyên ơi, thiên tài yếu đuối...”.
Bài thơ này cũng được Phạm Duy phổ thành Cô Bắc kỳ nho nhỏ và Duyên còn là nguyên mẫu trong các ca khúc Em hiền như ma soeur, Hai năm tình lận đận...
Những tưởng nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên sẽ chiếm trọn trái tim người đẹp khi có chừng ấy bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc hát vang dành cho nàng. Thế nhưng, người đẹp tên Duyên và nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên vẫn đường “hai lối rẽ”.
Sau này, người đẹp tên Duyên và cả nhà thơ đều sống trên đất Mỹ, nhưng không biết hai người có gặp lại nhau để nhớ về kỷ niệm tuổi học trò hay không. Chỉ biết rằng, Nguyễn Tất Nhiên bị chứng trầm cảm nặng nơi xứ người. Ngày 3/8/1992, Nguyễn Tất Nhiên đã tự tử trong một chiếc xe hơi ở bang California Mỹ, khi tuổi đời vừa tròn 40.
“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”
Người đẹp Hồ Thị Thu từng làm xao xuyến hai nhạc sĩ xứ Quảng Nam: Đynh Trầm Ca và Vũ Đức Sao Biển
Hầu hết hoàn cảnh ra đời của những bài thơ, bài hát nổi tiếng đều xuất phát từ tình yêu không trọn vẹn. Màu tím hoa sim của Hữu Loan được nhà thơ viết rất nhanh khi hay tin người vợ mới cưới đột ngột qua đời: “...Em ơi giây phút cuối/ Không được nghe nhau nói/ Không được nhìn một lần/ Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím/ Áo nàng màu tím hoa sim...
Bài Màu tím hoa sim được rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là bài của Phạm Duy phổ thành Áo anh sứt chỉ đường tà và Dzũng Chinh - Những đồi hoa sim: “Những đồi hoa sim ơi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt/ Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai...”. Màu tím hoa sim được in trọn vẹn lần đầu tiên trên báo Trăm hoa năm 1956 do nhà thơ Nguyễn Bính chủ xướng.
Ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị (thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy) làm xao xuyến biết bao người - cũng từ một mối tình dang dở như vậy. Nguyên mẫu trong ca khúc này là bà Hoàng Thị Ngọ, sinh năm 1942 tuổi Nhâm Ngọ nên cha mẹ đặt bà tên Ngọ. Bà Ngọ nhỏ hơn Phạm Thiên Thư 2 tuổi nhưng học cùng lớp với ông. Khi Ngày xưa Hoàng Thị nổi tiếng, nhiều người đẹp tự nhận mình là Hoàng Thị Ngọ, nhưng Phạm Thiên Thư khẳng định, Ngọ này chỉ có một người duy nhất mà tôi yêu.
Người đẹp Hồ Thị Thu từng là nguồn cảm hứng của hai nhạc sĩ đất Quảng Nam. Nhạc sĩ Đynh Trầm Ca sáng tác bài Ru con tình cũ, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển sáng tác bài Thu, hát cho người đều lấy “nguyên mẫu” Hồ Thị Thu. Có nhiều giai thoại về chuyện “hai ông yêu một bà” được lan truyền. Rằng một hôm ông Đynh Trầm Ca đến nhà bạn Vũ Đức Sao Biển chơi, lúc này ông Võ Hợi (tên thật của Vũ Đức Sao Biển) do đẹp trai lại sáng tác được Thu, hát cho người nên đã lấy bà Thu làm vợ có một đứa con. Do bận việc nên ông Sao Biển nhờ ông Đynh Trầm Ca ru con giúp mình, nhớ đến mối tình xưa, ông Mạc Phụ (tên thật của Đynh Trầm Ca) đã sáng tác Ru con tình cũ: “Ba năm qua em trở thành thiếu phụ/ Ngồi ru con như ru tình buồn... Sự thực thì, hai ông nhạc sĩ xứ Quảng có “thầm thương” người đẹp Hồ Thị Thu, song “có duyên không nợ” nên bà Thu đã cưới người đàn ông khác, quê Hà Nội.
Người yêu nhạc hẳn nhớ đến bài Kim của nhạc sĩ Y Vũ: “Cớ sao buồn này Kim?/ Cớ sao sầu này Kim?/ Ai thương em hơn anh mà tìm?/ Cớ sao hoài này Kim?/ Có biết cho lòng anh đã mơ từng phút vui buồn cùng em...”. Kim trong bài hát này là ai? Hà Đình Nguyên đã tìm gặp nhạc sĩ Y Vũ và được biết: Kim làm vũ nữ tại Vũng Tàu những năm 60 thế kỷ trước. “Em như hoa nở trong mùa mưa/ Sống giữa khi trời đất giông tố”. Nhạc sĩ Y Vũ sáng tác bài Kim để tặng nàng nhưng hai người vẫn không đến được với nhau và Kim đã qua đời vì bệnh tim khi tuổi xanh đang còn.
Thúy ơi, Thúy đã đi rồi”
Hầu hết các nhà thơ, nhạc sĩ vì yêu rồi “thất tình” mới sáng tác nên những vần thơ, điệu nhạc tặng các người đẹp khiến nhiều trái tim người hâm mộ say mê. Thế nhưng, với ca khúc Thúy đã đi rồi của nhạc sĩ Y Vân lại là chuyện khác.
Thúy ở đây là ca sĩ Thanh Thúy sinh năm 1943 tại Huế, đi hát ở Sài Gòn từ năm 1959. Tài sắc của Thanh Thúy đã khiến nhiều “nam nhân” trong làng văn nghệ Sài Gòn thổn thức. Trịnh Công Sơn viết Ướt mi, Thương một người vì Thanh Thúy. Tôn Thất Lập sáng tác Tiếng hát về khuya cũng vì Thanh Thúy... Nhà văn Mai Thảo gọi Thanh Thúy là “Tiếng hát lúc 0 giờ”. GS triết học Nguyễn Văn Trung gọi Thanh Thúy là “Tiếng hát liêu trai”... Năm 1962, Thanh Thúy được bầu là Hoa hậu Nghệ sĩ và là “Nữ ca sĩ ăn khách nhất” trong 3 năm liền từ 1960 - 1963.
Tài sắc như Thanh Thúy nên thêm một người si mê cũng là lẽ thường. Trong số các “cây si” của Thanh Thúy có tài tử điện ảnh kiêm kịch sĩ Nguyễn Long. Nguyễn Long là bạn thân của nhạc sĩ Y Vân, do “yêu đơn phương” nên Nguyễn Long mang bệnh tương tư. Nhạc sĩ Y Vân sáng tác Thúy đã đi rồi để nói giúp nỗi lòng của Nguyễn Long: “Thúy ơi, Thúy đã đi rồi/ Những ngày băng giá không tiếng cười...”. Năm 1961, Nguyễn Long còn làm cả bộ phim Thúy đã đi rồi nhưng vẫn không lọt vào mắt xanh của nàng. Si tình trong tuyệt vọng, Nguyễn Long làm bài thơ Thôi như tự an ủi mình. Bài Thôi được Y Vân phổ nhạc rất nổi tiếng: “Thôi, em đừng khóc nữa làm gì/ Kỷ niệm sầu ân tình cũ xa xưa/ Thôi, em đừng khóc, em đừng khóc, đừng khóc nữa giọt lệ sầu làm sao xóa hết tâm tư...”.
* * *
Nhà thơ Lê Minh Quốc thật có lý khi viết lời giới thiệu Những bóng hồng trong thơ nhạc: “Nếu Beethoven không gặp Giucciardi, nếu A.Dumas không gặp Melanie, nếu Apollinaire không gặp Linda, nếu Hàn Mặc Tử không gặp Thương Thương và Mộng Cầm, nếu Phạm Thái không gặp Trương Quỳnh Như... Nếu mọi sự lặng im không gì gặp nhau thì liệu công chúng có dịp nào để lắng nghe, chia sẻ nỗi lòng thầm kín của người nghệ sĩ? Tác phẩm ấy viết cho một người, nhưng khi bước xuống dòng đời lại hóa thành của mọi người...”.
Trần Hoàng Nhân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất