Đi tìm ngọn “Diêu bông” trong ẩm thực xứ Huế

24/04/2009 20:33 GMT+7 | Một chuyến đi

Ngày về chung sống với chị gái tại phủ Lạc Tịnh Viên thành phố Huế, tôi đã tìm đọc trong tủ sách gia đình chồng chị cuốn “ Thực phổ bách thiên” do bà Trương Đăng Thị Bích, tự Tỷ Quê, con dâu ông Hoàng hay thơ Tùng Thiện Vương, bà nội anh rể tôi biên soạn.

Thực phổ bách thiên là một tập thơ về 100 món ăn, viết thể thất ngôn tứ tuyệt, ghi qui trình chế biến các món ăn cung đình và dân dã của Huế xưa. Có một bài thơ làm tôi trăn trở mãi:

“ Canh bầu mùi thích lá hanh hao

Cho biết rau hành bỏ bí đao

Hầm mít lại ưa sân với lốt

Bí ngô thời phải tỏi gia vào”

Đó là bài thơ ghi cách dùng gia vị khi chế biến các món ăn thường ngày của người Huế.

Ngày ấy tôi bước vào tuổi đôi mươi. Là con gái Huế, tuổi ấy đã được tập tành học hỏi để biết nấu nhiều món ăn quê mình. Những gia vị như hành, tỏi, lốt, sân tôi đều từng biết đến và dùng nó trong một số món ăn để làm dậy thêm hương vị đậm đà. Nhưng lá Hanh hao thì lạ qúa, tôi chưa nghe thấy bao giờ.

Bấy lâu nay tôi vẫn nấu canh bầu, gia vị kèm với canh luôn là hành, ngò (mùi). Sao bài thơ lại viết “Canh bầu mùi thích lá hanh hao”
Hanh hao là rau gì nhỉ?

Hỏi mẹ, mẹ không hay.

Hỏi bà con xóm giềng cũng không ai tỏ tường. Tôi ra chợ tìm những hàng rau hỏi mua cũng chẳng có. Chợ Bến Ngự, Đông Ba, An Cựu…là những chợ lớn mà tìm cũng chẳng ra. Tôi đi xa hơn về chợ Dinh, Tuần, An Lỗ và cả chợ Đông Hà (Quảng Trị )…cũng đều không có hàng rau nào bán ngọn lá Hanh Hao cả. Tôi tìm hỏi Bà Mai Thị Trà, một người có kiến thức sâu rộng về văn hóa Huế. Bà bảo: “ Hanh hao là rau gia vị xưa thường được người Huế cho vào canh bầu làm dậy mùi thơm đặc biệt. Nó là cây mọc tự nhiên ở những vườn hoang.Nay khó tìm thấy vì ít người biết và cũng chẳng ai trồng nó cả.”

Tôi nhờ bà miêu tả để dễ đi tìm. Bà bảo:

“ Cây có thân và ngọn lá màu xanh lục, mảnh mai ẻo lả như ngọn ngò”.

Thật như đánh đố. Cây nào chẳng có lá xanh? Ngọn ẻo lả như ngọn ngò thì nó ra sao? Có trời mà tìm ra, khác nào như tìm lá Diêu Bông trong thơ Hòang Cầm? Tuy vậy, vì tò mò, tôi quyết tìm cho bằng được.

Tôi lân la trong những mảnh vườn hoang quanh Huế như vườn Phủ công chúa Ngọc Sơn, rồi tìm trong các khu vườn nhà ông Tôn Thất Hanh ở đường Lý Thường Kiệt, rồi nhà ông Tôn Thất Kỳ ở đường Nguyễn Thiện kế… Thấy ngọn lá nào là lạ là ngắt, vò nát để ngửi. Có khi tôi còn nhai để cảm nhận vị…rồi hái đem về trình bà giáo xem nhưng đều không tìm thấy ngọn rau nào là lá Hanh hao cả Tôi đi xa hơn, lên miệt Kim Long, Thủy Biều, về Bãi dâu, Tây Linh, Tây Lộc, bãi bồi ven sông…cũng không tìm thấy.Nhưng tôi vẫn kiên trì cuộc kiếm tìm. Đi xa hơn về Hương Điền, Phong Điền, Phú Lộc…họa may ra còn tìm thấy bóng dáng ngọn lá Hanh hao chăng? Tôi tìm những cụ cao niên ở khắp miền quê để hỏi Nhưng hầu như chẳng ai nghe nói cây hanh hao là gì. Có cụ bảo cây ấy tiệt từ lâu rồi. Lang thang dưới nắng, mưa kiếm tìm, có người chạnh lòng thương hỏi :

“ Cô đánh mất gì mà đi tìm mãi thế?”

Tôi chỉ cười mà trả lời “Cháu kiếm lá hanh hao về nấu đọi (bát) canh bầu cho mẹ. Bác có biết chỉ giùm vì mẹ cháu gìa lắm rồi chỉ mong có bát canh bầu nấu lá hanh hao thôi”. Bà cụ nghe vậy thương tôi lắm nhưng cụ nào có biết lá hanh hao nó ra làm sao.

Ba mươi năm trôi qua, cuộc đời biết bao đổi thay, tôi đã là một nghệ nhân ẩm thực, giảng dạy văn hoá ẩm thực Huế. Ngọn lá Hanh Hao trong vần thơ nọ vẫn luôn day dứt trong tôi như một bài tóan khó chưa tìm ra lời giải mà tôi quyết phải giải cho bằng được! Tôi phải tìm cho ra “cái lá diêu bông” của nghệ thuật ẩm thực xứ Huế thân thương…

Hôm nay, đứng trên bục giảng dạy cho sinh viên về Văn hóa ẩm thực, những sinh viên trong lớp này đều là con em vùng quê Nghệ Tĩnh, Quảng Bình…Tôi chợt lóe một tia hy vọng. Biết đâu trong số này có em biết cái lá quý ấy chăng? Tôi đọc bài thơ xưa và đặt câu hỏi về từng lọai gia vị cho từng món ăn. Thật bất ngờ, cô học trò nhỏ Quảng Bình thản nhiên giải thích:

“ Nội em khi nào nấu canh bầu cũng cho lá hanh hao vào ăn ngon lắm cô ạ.”

Ôi làm sao nói hết nỗi vui mừng của tôi. Tôi như kẻ bắt được vàng! Ô Rơ Ka! Ô Rơ Ka! Tôi reo lên và kể cho cả lớp nghe cái bí mật của cuộc truy tìm cây Hanh hao của cuộc đời mình.

Cả lớp lặng thinh nghe chuyện cái lá diêu bông trong ẩm thực Huế. Nay Ngọc Linh, cô gái nhỏ Quảng Bình đã đem về cho tôi, cho ẩm thực Huế cái lá Diêu bông mà tôi hằng mong tìm cho bằng được. Với Ngọc Linh, cái lá Hanh Hao thì có chi mà lạ vì cả nhà cô vẫn ăn hàng ngày. Với tôi, thì lại là một khám phá đầy bí ẩn.

Sau ngày nghỉ cuối tuần, trở lại lớp, Ngọc Linh đem về cho tôi cả một bó cây Hanh hao với nguyên rễ để trồng thử trong vườn nhà. Thứ cây mà xưa nay tưởng như đã tiệt trên đất Huế này.

Hanh hao cao vài tấc, màu xanh bóng mướt, lá mềm, cánh mảnh ẻo lả nom gần giống như cây cải cúc…Tôi vò nát một ngọn lá, đưa lên mũi ngửi. Một mùi thơm lạ rất khác hành, ngò...nó thoang thoảng hương của quế, ớt quả nhưng không gắt mà dìu dịu…rồi có cả vị ngòn ngọt khi tôi chầm chậm nhai để thẩm cái vị lạ lùng của thứ gia vị mà bao năm nay chỉ nghe mà chưa từng được thấy.

Đem trồng ngay trong vườn nhà, chăm sóc như một báu vật Tôi sẽ gây lại giống để ngọn lá Hanh hao từ nay sẽ trờ về với bát canh xứ Huế vốn có từ thửa nào.

Canh bầu mùi thích lá Hanh hao!

Hoàng Thị Như Huy


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm