Đi tìm loại chèo hát cho vui… đám ma

14/04/2009 04:02 GMT+7 | Một chuyến đi




(Bài dự thi) - Ở Thanh Hóa có một loại chèo “rất lạ”, chỉ phổ biến ở Mường Muốt, (xã Cẩm Thành, Cẩm Thủy), tương truyền “là những thể thơ lục bát, được ‘phổ nhạc bát âm kiểu Mường’ cùng những tích trò cười do một thầy giáo người Kinh truyền lại cho dân bản xứ này...” từ bao giờ cũng chưa thấy sử sách nào nhắc đến.

Những làn điệu chèo được hát thâu đêm suốt sáng, kéo dài hết ngày này qua ngày khác, có thể “tái diễn” hàng chục ngày, diễn chèo mà như “diễn xiếc” trước linh cữu người chết chỉ để nhằm một mục đích là “làm vui cho đám ma!”

Cụ Cao Ngọc Rạng, nghệ nhân chèo ma duy nhất còn sót lại của phường chèo ma Mường Muốt.

Càng nhà “đại gia”, tái diễn chèo ma càng dài

Bài viết này nằm trong cuộc thi viết "Một chuyến đi". Để tham dự cuộc thi, bạn có thể tìm hiểu thể lệ tại đây -> Thể lệ cuộc thi.

Tôi đến mường Muốt, gặp cụ Cao Ngọc Rạng (86 tuổi), nghệ nhân hát chèo ma duy nhất còn sót lại, được cụ cho hay một sự thật đau lòng: Sau đám tang cụ Phạm Thị Phặt năm 1984 (xem clip) không những phường chèo tan rã mà bản thảo chép tay 10 “mái” chèo ma (10 làn điệu chèo) và những tích trò cười nổi tiếng cùng toàn bộ trang phục, đạo cụ như lốt hổ, mặt nạ, lẫn cồng chiêng, trống cơm, trống bẹt, tù và vốn là nhạc cụ chơi đệm cho chèo ma đã bị ra tro trong một vụ hỏa hoạn. Sau này, phần do cấm đoán, phần do các nghệ nhân chủ chốt đều khuất núi, muốn dựng lại cũng không biết lấy đâu ra trang phục, đạo cụ nên chèo ma cũng không được đả động trong bất kì một đám tang ở xứ Mường này thêm một lần nào nữa!

Khác với chèo Bắc Bộ là hát ở sân đình, hát chèo ma chỉ diễn ra khi có đám tang người “chết đúng qui luật” (thọ từ 70 tuổi trở lên) và chỉ hát trước linh cữu người chết. Nội dung chèo ma rất dài, gồm 10 “mái” và những tích trò cười được chia thành hai phần: Chèo buồn (hát kể “tầng chay năm tháng” với lời lẽ rất buồn về công ơn cha mẹ, giờ cha mẹ mất đi, con cái trả hiếu bằng cách mời phường chèo đến hát tiễn cha mẹ (đã mất) về cõi Mường Trời) và chèo vui (ca, vũ, âm điệu) với hai tầng ý nghĩa: báo hiếu và gây cười.


Một phường chèo ma có 12 người, bao gồm: Một người diễn xướng gọi là ông khố, một người vỗ trống, hai trai chèo chính. 8 trai chèo phụ, phụ trách âm nhạc. Khi hát, diễn chèo ma 2 trai chèo cầm gậy nửa trắng nửa đỏ (gọi là chèo).
Trang phục:
Ông khố đội mũ đầu hổ, áo the đen nhưng viền đỏ, khoét nách, quần màu trắng. Trai chèo chính mặc quần áo giống ông khố, đội mũ chóp màu, đeo mặt nạ gỗ được điểm nhãn kỳ quái.
Nhạc cụ:
Trống, trống bẹt (giống cái đĩa), trống cơm, cồng chiêng, mõ, kèn, thanh la, tù và.

Xưa kia, một đám tang thường chỉ tổ chức chèo ma ba ngày, ba đêm. Giàu có như nhà Lang, nhà Đạo (người cai quản, có quyền thế trong một Mường) thì có thể bỏ tiền ra làm ma dài ngày. Cụ thể là, sau khi chôn cất người chết xong, gia chủ về nhà dựng lại một bộ khung xương người bằng cây dâu, liệm vào quan tài, đặt ở gian giữa, tiếp tục nhờ phường chèo hát và diễn trò, mời phần hồn người quá cố về làm ma thêm 7 ngày, 7 đêm nữa! Giờ đây, vì phường chèo ma không còn để làm vui cho gia quyến và khách khứa đến phúng viếng nên dù là đám tang của nhà giàu hay nhà nghèo, đều rất buồn và thê thảm như nhau!

Diễn chèo li kì như diễn xiếc

Đám ma “vui nhất, ấn tượng và thu hút khách nhất” là khi chuyển qua diễn các tích trò cười (tức chèo vui), diễn chèo mà cứ như diễn xiếc, mang đầy chất hài, tính đại náo, kích động cả người diễn trò lẫn người xem nên rất vui và rất nhiều người xem... Trong chèo ma có nhiều tích trò nổi tiếng như “Một ông hai bà”, “Ai Lao mở nước”, “Lợn bắt hổ lang”, “Quay tơ, dệt vải”... với phong cách diễn rất hài bên cạnh nội dung “giáo ngược” (nói ngược) như: “Tần làng màng quê/Nghe tôi giáo ngược/Thuyền thì chạy trên núi/Ngựa thì chạy dưới sông/Tôm tép bắt cò đầy đồng/Ếch nhái bắt được hổ mang/Con lợn lang quàng bắt được ông beo, ông hổ....

Trò “Ai Lao mở nước” là trò hoành tráng nhất. Diễn tích này, theo như cụ Rạng cho biết, đã có lúc “biến đám tang thành ra đám hội”. Quân lính đeo mặt nạ được điểm nhãn màu mè, kỳ quái, đánh nhau loạn xạ, tiếng gậy gộc, dao kiếm, tiếng la hét rùng rợn, chết “hộc máu”. Trai chèo ngậm tiết lợn, khi dính đòn thì phun ra, khiến những người yếu bóng vía phải thót tim... Trò “Quay tơ, dệt vải” gồm ba trai chèo khỏe mạnh, kẹp lấy cổ nhau tạo thành một “guồng tơ”, miệng mỗi người cắn một đĩa đèn dầu lạc. Sau khi được lệnh ông khố (người lĩnh xướng) thì “quay tơ dệt vải” bằng cách lăn đi, lăn lại, lộn tới lộn lui, lộn làm sao để lửa không tắt, đĩa không rơi... trước linh cữu người chết hàng giờ đồng hồ không nghỉ...

Cụ Rạng đang thực hiện một số động tác chèo ma


Nguy cơ thất truyền

Tôi đã ở lại 9 ngày, ngủ lại 9 đêm ở Mường Muốt, nhưng chỉ tìm thấy chèo ma qua những huyền tích li kì, cùng với những hình ảnh cuối cùng về phường chèo ma Mường Muốt qua băng hình đã mốc meo của con trai cụ Phạm Thị Phặt ghi lại cách đây 25 năm. Ở đất gốc chèo ma, chứng kiến cảnh chèo ma “hấp hối”, cụ nghệ nhân duy nhất sót lại sắp là người thiên cổ, chợt thấy buồn nhức nhói, thấy tiếc cho thể loại chèo có một không hai đang dần “vùi vào dĩ vãng”. Nó không chỉ là những “bản hòa tấu”, những tích trò hoàn chỉnh, hoàn thiện về cấu trúc, nội dung, diễn chỉ nhằm mục đích làm vui cho đám ma mà còn là phong tục đẹp của người Mường Muốt. Nghệ thuật cơ bản trong các vai của chèo ma là múa, thể hiện sự uyển chuyển nhịp nhàng, hoàn toàn mang tính trừu tượng, tượng trưng và ước lệ bởi nguồn gốc của nó là những hình ảnh sinh hoạt, lao động qua các buổi diễn chỉ ở những đám tang.

Sưu tầm, phục hồi chèo ma, đưa vào phục vụ cho các đám tang và nhiều lễ hội khác trong cộng đồng người Mường Cẩm Thủy, xứ Thanh sẽ phát huy giá trị tôn vinh văn hóa, đồng thời góp phần hoàn chỉnh hồ sơ nghiên cứu khoa học về loại chèo có một không hai này...

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm