Đi tìm đích đến của nền giáo dục

23/07/2018 07:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Việc lùm xùm sửa điểm thi ở Hà Giang và nghi vấn tương tự ở một số địa phương, với nhiều người có tâm huyết trong ngành giáo dục là chuyện không xa lạ, vấn đề là có lộ ra hay không mà thôi.

Chuyện này làm chúng ta nhớ về năm 1841 dưới thời vua Thiệu Trị, nhà thơ Cao Bá Quát (1809-1855) làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên, khi chấm bài thi thấy 24 bài văn viết hay nhưng lỡ phạm húy, đã cùng Phan Thời Nhạ sửa chữa. Khi vua phát hiện đã xử Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ tội tử hình, Nguyễn Văn Siêu bị đánh trượng và cho đi đày. Chủ khảo Bùi Quỹ và giám khảo Phan Văn Nhã, Trương Hảo Hợp bị giáng chức...

Sáng 21/7/2018, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung đã có buổi nói chuyện chủ đề “Nhân tính, quốc tính và cá tính - Một góc nhìn về đích đến của giáo dục” tại Cà phê thứ Bảy (TP.HCM). Không gian này chỉ chứa chừng 100 người, nhưng trên mạng đã có hơn 800 người đăng ký đến nghe, kết quả rất đông người phải ra về, do hết cả… chỗ đứng.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hơn nửa thế kỷ qua, giáo dục chưa bao giờ “hết nóng” tại Việt Nam. Ngay như phiên họp Quốc hội ngày 6/6/2018, khi đại biểu Nguyễn Thanh Hải chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về “triết lý giáo dục Việt Nam là gì?” cũng đã tạo nên làn sóng trong báo chí, dư luận.

Buổi nói chuyện của chuyên gia Giản Tư Trung cũng xoáy vào điều này. Ông nói: “Theo tôi, đi tìm triết lý giáo dục chính là trả lời ba câu hỏi sau: 1) Thế nào là con người?; 2) Chúng ta muốn tạo những con người như thế nào?; 3) Làm thế nào để tạo ra những con người như vậy? Như vậy, nghĩ về triết lý giáo dục hay đích đến của giáo dục thực chất là nỗi trăn trở về câu chuyện chân dung con người mà chúng ta muốn tạo ra trong nền giáo dục này rốt cuộc sẽ là gì, cụ thể như thế nào?”.

Trong sách “Đại học”, Khổng Tử (551 TCN - 479 TCN) đề ra cái đích của giáo dục: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”. (Tạm hiểu: Con đường của đại học (học làm việc lớn) là làm cho cái đức xán lạn, thương yêu nhân dân, và dừng lại chỗ cái thiện).

Thân Nhân Trung (1419-1499) thì viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn” - bản dịch. Còn Franklin D.Roosevelt (1882-1945) thì: “Có học vấn không có đạo đức như một kẻ xấu; có đạo đức không có học vấn như một người thô bỉ” - bản dịch. Như vậy là, cả ba nhân sĩ của Trung Quốc thời cổ đại, Việt Nam thời trung đại và Hoa Kỳ thời hiện đại đều chú trọng đến cái đức, cái thiện trong giáo dục. Với họ thì “tiên học lễ, hậu học văn” là đích đến của giáo dục.

Chuyện gian lận điểm số chắc chắn không thể là biểu hiện của “tiên học lễ”, của cái đức xán lạn, của “chỉ ư chí thiện”. Việc làm của những người gian lận điểm ở Hà Giang, Sơn La… không chỉ làm tổn hại đến tôn chỉ, mục đích thanh tao, công bằng của nền giáo dục, mà còn ảnh hưởng xấu đến tương lai của quốc gia, dân tộc.  

“Có đích đến cũng chưa chắc đã có con đường để tới đích, nhưng nếu không có đích đến thì chắc chắn sẽ không có con đường nào cả. Do vậy, mọi cải cách giáo dục sẽ lại rơi vào tình trạng sáo mòn và bế tắc. Khi ấy, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ “điểm số cao” nhưng rất ít tình người, một thế hệ hoang dã mà thiếu cá tính, một thế hệ người-Việt-mà-không-phải-người-Việt, một thế hệ mang danh công dân toàn cầu mà không có tổ quốc, bản sắc. Công dân toàn cầu đúng nghĩa sẽ không chỉ học cho ra điểm, học cho ra trường, học cho ra bằng cấp, mà còn học cho “ra người” (nhân tính), học cho “ra mình” (cá tính), học cho “ra dân” (quốc tính) và học cho “ra nghề” (chuyên môn)” - Giản Tư Trung khẳng định.

Ngẫm từ vụ 'phù phép' điểm thi ở Hà Giang: Cuộc khủng hoảng niềm tin đến từ ngành giáo dục

Ngẫm từ vụ 'phù phép' điểm thi ở Hà Giang: Cuộc khủng hoảng niềm tin đến từ ngành giáo dục

Sự kiện gian lận thi cử tại Hà Giang đang tạo nên một làn sóng chấn động dư luận. Hàng trăm bài thi đã bị huỷ bỏ và đây trở thành một trong những bê bối nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua của ngành giáo dục.

TTXVN/Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm