10/07/2008 01:55 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH Online) - Cũng đi thi, nhưng có người một bước lên ô tô, ở phòng khách sạn máy lạnh, ăn cơm ở nhà hàng, nhưng cũng có sỹ tử mang theo vào phòng thi cả những nỗi lo nhà trọ lên giá, nỗi lo hết tiền về quê, nỗi lo cha mẹ bị nợ nần...
* Làm thuê để lấy tiền đi thi
Gặp ở các bến xe, ga tàu HN có rất nhiều thí sinh một mình đến Hà Nội.
NguyễnVăn Phúc ở Nghệ An ra HN một mình để thi vào Học viện Ngân hàng. Phúc kể: Bố em mất sớm, mẹ năm nay đã gần 70 tuổi lại bị bệnh khớp mãn tính, nhà còn có 3 em nhỏ, thế nên để đi học, em phải kiếm việc làm thêm. Thi tốt nghiệp THPT xong là em cũng lên thị trấn làm thuê, lấy tiền ra HN thi. Mỗi ngày làm thuê bốc vác hàng cho một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng được trả từ 20- 30 ngàn đồng. Nhưng trả tiền trọ, tiền ăn, còn lại có hơn 400 ngàn để đi thi.
Phụ huynh học sinh chờ con đi thi đại học |
Ăn trưa chớp nhoáng tại quán ăn ở cổng trường ĐH Y HN, Thanh, quê Thái Bình cho biết: “Mẹ cũng muốn đi cùng em, nhưng em thấy tự đi một mình được”. Cùng mẹ lo gặt xong ruộng lúa, Thanh mới ra HN. Em là người gần như cuối cùng đến làm thủ tục dự thi. Năm trước Thanh thi vào trường Đại học Y không đủ điểm đỗ. Một năm ở nhà, vừa nuôi bò, trông ao cá, vừa ôn thi để năm nay tiếp tục đến trường thi.
Có một thí sinh trốn nhà đi thi quê ở Phú Thọ. Nhất (tên thí sinh) phải thuê nhà trọ ở tận Từ Liêm- HN rồi sáng sớm bắt xe buýt đến điểm thi ở Lạc Trung. Em giải thích: Thuê trọ ở xa thì mới rẻ. Giá nhà trọ bình dân khu trung tâm tăng đến 100- 150 ngàn đồng/người (phòng 8- 10 người, không có giường, điện nước trả riêng). Nhưng ở khu vực ngoại thành thì chỉ 40- 50 ngàn đồng/người. Nhà nghèo, bố Nhất muốn con nghỉ học từ lớp 9 để đi làm, nhưng Nhất vẫn cố học. Học hết lớp 12, không hy vọng tìm được sự ủng hộ của bố, Nhất lặng lẽ trốn đi thi. Người cho em tiền đi thi là một người bạn thân và cô giáo em. Thi vào viện ĐH Mở HN, khối B, buổi thi đầu tiên Nhất chỉ làm được 60% đề thi. Em buồn bã kể: Em không có thời gian đi ôn thi, chỉ học ở nhà thôi. Đây là cố gắng cuối cùng cho việc học, vì không thi đậu, chắc em sẽ phải đi làm một việc gì đó và “trường ĐH” sẽ mãi mãi chỉ là mơ ước.
* Giọt mồ hôi ngoài phòng thi
Căng thẳng chờ con trước cổng trường ĐHSP HN, bà Hoàng Thị Anh vẫn phải để mắt đến cái túi du lịch, bao tải đựng đồ đạc của hai mẹ con. Bà cho biết: Tôi ở nhà trọ bình dân. Chỉ trọ để ngủ đêm, còn ban ngày theo con đến trường thi, đỡ phải trả nhiều tiền. Thế nên phải mang theo tất cả đồ đạc. Hành trang đến trường thi cùng con là mấy bộ quần áo, ít sách vở và hai cái chai đựng nước.
Khuôn mặt âu lo thành kính của một người mẹ sĩ tử tại Văn Miếu |
Trong suốt đợt thi, có thể nghe thấy nhiều chuyện bán bò, bán lợn, bán thóc, vay nóng tiền cho con đi thi. Một cụ già quê Thái Nguyên đưa cháu đi thi kể: Trong 5 đứa cháu nội, có mỗi đứa này học khá. Nếu không cho cháu học tiếp thì ân hận, nhưng đi thi, đi học trên thành phố lại là chuốc lấy khó khăn cho cả gia đình. Bố cháu đi làm thợ xây, lương chỉ đủ trang trải cho mấy đưa em đi học ở nhà. Bây giờ cho con lớn đi thi đại học, mẹ cháu cũng phải gửi con cho ông bà để đi làm giúp việc gia đình. Chẳng ăn cắp ăn trộm gì, nhưng việc đi làm ô-sin cũng phải giấu làng xóm. Vì gần 50 tuổi vẫn phải mang tiếng “đi ở”.
Còn nhớ nhân nói về chuyện “học phí đại học”, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận xét: Thực hiện công bằng xã hội không phải là thu học phí của tất cả mọi đối tượng như nhau. Mà công bằng phải hiểu theo nghĩa khác: Người giàu, muốn được học chương trình GD chất lượng phải trả học phí cao tương ứng. Còn ngân sách Nhà nước thì phải dành để hỗ trợ cho người nghèo (miễn, giảm học phí).
Nhìn từ kỳ thi này, vẫn thấy có nhiều sỹ tử quá thừa thãi sự chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần. Còn trong những người nghèo thì có người nghèo cùng cực. Không ít nông dân chân đất ra thành phố cùng con đi thi, họ không có nhiều tiền chỉ để mua một đôi dép mới. Có những người chấp nhận ngủ lại ga tàu để chỉ thuê một chỗ trọ đủ cho con...
Đó là nhưng chuyện có thật ở mùa thi này!
Nguyễn Hằng (Hà Nội)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất