05/03/2009 16:24 GMT+7 | Một chuyến đi
(Bài dự thi) - Ngày còn làm việc cho một công ty liên doanh giữa Việt Nam với Nhật Bản, tôi được công ty cử đi học tại thủ đô Tokyo trong 10 ngày về công tác quản lý. Công ty tạm ứng tiền công tác phí cho tôi bằng đô - la Mỹ. Vì vậy, vừa đến sân bay Narita - Tokyo vào buổi tối, để có tiền chi tiêu trong thời gian học tập, theo quy định của việc quản lý ngoại tệ, tôi phải vào ngân hàng tại sân bay để đổi đô - la sang tiền Yên Nhật.
Hết khóa học, tôi sẽ phải ra sân bay từ 5 giờ sáng cho chuyến bay về Việt Nam. Mải mê với công việc nên đến 11 giờ đêm trước ngày về, sờ đến túi, tôi thấy mình đã hết tiền Yên Nhật, chỉ còn tiền đô - la. Làm sao có tiền Yên Nhật để mua vé tầu điện vào sáng sớm mai ra sân bay? Tôi đành gặp anh lễ tân trẻ của khách sạn nhỏ nơi tôi ở, nhờ anh đổi giùm 50 đô - la sang tiền Yên Nhật. Rất ngạc nhiên, tôi thấy anh từ chối, anh bảo tôi phải ra ngân hàng đổi theo quy định. Mặc cho tôi ra sức năn nỉ trình bày rằng đã rất muộn rồi nên ngân hàng đã đóng cửa, rằng sáng mai tôi phải đi rất sớm nên không còn cách nào khác, và rồi tôi đề nghị anh cứ cầm tiền đô - la, đưa tiền Yên Nhật quy đổi theo tỷ giá cho tôi, sáng hôm sau anh sẽ giúp tôi mang đô - la ra đổi tại ngân hàng, anh vẫn không đổi ý.
Cứ nghĩ như ở Việt Nam, việc này là quá đơn giản trong tầm tay anh. Nhưng thật ngạc nhiên hơn nữa do không nói giỏi tiếng Anh để giải thích về những quy định trong quản lý ngoại tệ cho tôi hiểu, anh ta cứ chắp tay lạy tôi. Tôi hiểu ý anh muốn nói với tôi rằng anh không thể làm được. Nhìn nét mặt anh, tôi cũng hiểu được anh thật sự sợ hãi khi vi phạm những quy định được đề ra. Với tôi lúc ấy, chỉ còn một cách duy nhất là đợi các bạn trong lớp học của tôi đi chơi về và đổi tiền cho họ (các bạn còn ở lại Tokyo thêm một ngày nên họ sẵn sàng đổi giúp tôi).
Câu chuyện này xảy ra đã hơn 10 năm, nhưng trong trí nhớ của tôi, không bao giờ tôi quên hình ảnh anh bạn trẻ lễ tân người Nhật lúc anh chắp tay vái tôi để từ chối việc đổi tiền. Anh đã phục tùng các quy định nghiêm túc biết bao, dù đó chỉ là quy định rất nhỏ, dù việc vi phạm sẽ không ai biết (vì việc này xảy ra vào lúc muộn trong một khách sạn nhỏ), dù việc này không làm hại hoặc ảnh hưởng đến ai (mà tôi thì nghĩ rằng nếu anh làm, đó là “quá tốt” với tôi).
Ngoài những kiến thức về quản lý tôi học được trong chuyến đi, tôi đã thật sự học được ở anh bạn lễ tân người Nhật nói riêng và của người Nhật nói chung một ý thức“sống và làm việc theo pháp luật” hết sức nghiêm túc. Có lẽ điều này là một trong muôn vàn lý do đã giúp nước Nhật thay đổi hoàn toàn từ một đất nước nghèo nàn, khó khăn sau cuộc chiến tranh.
Phạm Thị Lũng Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất