Torino còn tệ hại hơn. Khởi đầu mùa giải bằng chiến thắng 3-0 trước tân binh Lecce, đội quân của HLV Gianni De Biasi đã mang lại không ít mơ mộng cho các CĐV và chủ tịch Urbano Cairo. Trong một lúc cao hứng, chủ tịch Cairo còn tuyên bố mục tiêu của Il Toro là giành vé dự Cúp châu Âu vào năm sau. Thế nhưng, niềm lạc quan của Cairo và các tifosi đã bị dội một gáo nước lạnh. Torino đã thể hiện một phong độ nghèo nàn trong 6 trận gần nhất, với chỉ vỏn vẹn 2 điểm. Trong đó, thầy trò HLV De Biasi đã trải qua chuỗi 3 trận liên tiếp toàn thua, và lần cuối cùng họ ghi được bàn thắng cách đây đã gần 1 tháng (trận thua Lazio 1-3 ngày 28/9).
Tòa tháp khổng lồ Mole Antonelliana (167,50m), công trình của kiến trúc sư bậc thầy Alessandro Antonelli, vẫn sừng sững và tạo nên sức hấp dẫn mãnh liệt cho thành phố Torino, với niềm kiêu hãnh đặc biệt. Thế nhưng, trận derby thứ 181 mà người ta đặt theo tên của Mole Antonelliana lại diễn ra trong hoàn cảnh hai nửa thành Torino đều chìm trong nỗi buồn. Juventus đã vượt qua chuỗi 5 trận không thắng liên tiếp (trên mọi mặt trận) bằng việc đánh bại Real Madrid rạng sáng thứ Tư vừa qua, nhưng điều đó không có nghĩa là “Lão phu nhân” đã vượt qua khủng hoảng, và HLV Claudio Ranieri vẫn có thể mất việc bất cứ lúc này. Bên phía Torino, người đồng nghiệp De Biasi cũng đang sằn sàng để… xách hàng lý đi trước Ranieri. Sau trận derby buồn của thành Torino, nhiều khả năng sẽ có một trong hai kẻ phải mất việc.
Bạo lực, vấn nạn cũ của “derby della Mole”
Khi trận derby thứ 181 (chỉ tính các trận chính thức, không tính giao hữu) đang chuẩn bị diễn ra thì cũng là lúc chính quyền thành phố Torino đau đầu để tìm ra những giải pháp ngăn chặn bạo lực, từ trong đến ngoài sân cỏ. Cũng giống như các trận derby khác của bóng đá Italia, nhất là ở phương Nam, cuộc đối đầu Juventus - Torino luôn bị bao trùm bởi một không khí đầy mùi bạo lực trên các khán dài. Những kẻ quá khích luôn trà trộn ở khắp sân Olimpico, và chúng sãn sàng biến trận derby thành một vở kịch sặc mùi bạo lực.
Bạo lực bắt nguồn từ khi nào, không ai nhớ rõ. Chỉ biết rằng kể từ khi Torino ra đời năm 1906 và bắt đầu có những trận derby thì bạo lực cũng dần nảy sinh. Tifosi của Juventus, những người luôn tự hào là “bề trên” nhờ tập đoàn FIAT khổng lồ, luôn tìm cách đào sâu hố ngăn cách với đối phương. Họ dùng những từ ngữ xấu xa nhất để chê bai, khích bác đối thủ và đưa mình lên thành một tầng lớp cao hơn. Đổi lại, những tifosi Torino, chiếm số lượng đông hơn trong thành phố (Juventus được yêu thích nhất ở Italia, nhưng tại thành phố Torino thì họ lép vế so với đối thủ), luôn thích giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực và chỉ có bạo lực.
Không chỉ gây chiến với đối phương, những kẻ quá khích còn sẵn sàng tấn công cảnh sát nếu chúng bị cản trở vào sân. Mùa trước, khi trận derby chuẩn bị bắt đầu, một cuộc chiến kinh hoàng đã diễn ra khiến con đường dẫn vào sân Olimpico hoang tàn như một bãi chiến trường cổ. Ô tô và xe máy bị đập nát, những thùng rác ven đường trở thành vật để chúng ném vào nhau, những căn hộ gần kề cũng trở thành nạn nhân với nhiều hư hỏng. Hậu quả của cuộc chiến ấy, hơn 40 kẻ quá khích bị bắt giữ, và lực lượng cảnh sát địa phương cũng không tránh khỏi tổn thất khi hai nhân viên phải nhập viện.
Hiện tại, khi cả hai đội bóng của Torino đều đang khủng hoảng nghiêm trọng, nguy cơ về một trận đấu bạo lực càng lớn hơn. Rất nhiều cơ quan đã phải vào cuộc, lực lượng cảnh sát cũng được huy động rất đông để trải đều ở trong lẫn ngoài sân Olimpico. Những gì xảy ra trong mùa trước là bài học lớn cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, dù đưa ra biện pháp nào thì không có nghĩa bạo lực sẽ được dập tắt hoàn toàn. Và để bạo lực không diễn ra thì biện pháp hay nhất không gì khác ngoài ý thức của các CĐV.
Ngọc Linh