Đeo đuổi ước mơ dạy trẻ, thầy giáo nghèo đi phụ hồ để bám trụ với lớp học miền núi

20/03/2023 15:08 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Sau những giờ dạy, thầy Nguyễn Duy Trình lại sửa điện, chở gas, phụ hồ...ai thuê gì thì làm nấy

Gặp gỡ tôi trong cuộc trò chuyện khoảng chừng 20 phút, thầy giáo của một huyện miền núi xa xôi lại tất bật với công việc làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Đó là câu chuyện yêu nghề và những nỗi lo về kinh tế của thầy giáo Nguyễn Duy Trình (SN 1978) - giáo viên Trường Tiểu học Hùng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.

Ngoài giờ dạy, ai thuê gì thầy làm nấy

Tâm sự về cuộc sống và nghề của mình, thầy Trình cho biết trước đây mình từng học tại Trường Cao đẳng Thể dục thể thao Đà Nẵng. Đến năm 2004, thầy bắt đầu công tác với vị trí giáo viên thể dục ở Trường Tiểu học Hùng Thành, huyện miền núi Yên Thành.

Trong thời gian công tác từ 2005 đến 2014, thầy được đề bạt làm Bí thư Đoàn trường, kiêm Ban chấp hành Đoàn xã Hùng Thành. Thầy vừa đi làm, vừa vừa nâng cao trình độ, hoàn thiện chương trình đại học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

"Gần 20 năm cống hiến trong nghề, do vẫn là giáo viên hợp đồng nên mức lương mình rất thấp, vì vậy phải đi làm thêm các công việc ngoài để tăng thêm kinh tế", thầy Trình bộc bạch.

Nói về khoản lương hàng tháng của mình, thầy ngập ngừng cho biết sau khi trừ bảo hiểm thì mình chỉ nhận được 2,5 triệu đồng.

Cách đây 3 năm, thầy Trình được nhận thêm ít tiền phụ cấp của bộ môn thể dục. Như vậy sau 16 năm cống hiến, thầy Trình được hỗ trợ thêm tiền phần trăm đứng lớp khoảng 1 triệu đồng.

Bởi lương quá thấp, để đảm bảo được cuộc sống của bản thân và gia đình, sau giờ dạy trên trường, thời gian chiều tối và sáng sớm thầy làm thêm nhiều công việc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

"Họ thuê gì làm nấy. Như sửa điện nước, chở gas,.. chẳng hạn. Mỗi lần chở gas được vài chục nghìn tùy thuộc vào đường dài ngắn. Thậm chí, đêm hôm họ kêu chở gas thì mình đi. Ngoài công việc trên về nhà còn hỗ trợ gia đình trồng thêm lúa.

Thôi, cái số mình khổ đến nay cũng đã 20 năm dạy học mà vẫn chưa vào biên chế, thu nhập thấp nên vợ con cũng thông cảm. Không có tiền ngại đi chơi gặp gỡ bạn bè", thầy Trình chia sẻ.

Sắp tới, con gái lớn chuẩn bị xuống thành phố học đại học. Thầy tâm sự gia đình cũng đang lo về nguồn kinh phí không biết trang trải thế nào. Thầy bảo sẽ cố gắng đi làm thêm rồi tặn tiện lại.

"Con cố gắng học thi được vào đại học thì bố mẹ cũng bươn chải cho con ăn học. Dù không được bằng bạn bè nhưng cũng không để cho con thiệt thòi. Bố mẹ thì thiếu thật đấy."Thầy chia sẻ.

Nói đến chuyện ăn uống sinh hoạt trong nhà, thầy Trình bỗng trùng xuống. Đồ ăn trong nhà phải chắt chiu, cân đo đong đếm từng li từ tí. Chủ yếu là ăn rau, thịt cá thì thỉnh thoảng.

Dịp tết con muốn mua những bộ quần áo mới thầy cũng phải đắn đo và nói với các con: "Nhà mình bây giờ nghèo, không có thì con thông cảm". Và các con thầy cũng hiểu cho hoàn cảnh của gia đình.

Vẫn hy vọng một ngày tươi sáng hơn

Với mức lương 2,5 triệu như thế, thầy Trình bảo nếu như người khác thì có thể nghỉ dạy ra ngoài làm công việc khác thu nhập khá hơn nhiều, nhưng với thầy thì không vì tình yêu của mình dành cho lũ trẻ.

 "Mình buồn nhất là lúc nhận lương còn những lúc ở trên lớp gặp học sinh mình quên đi và cảm thấy vui khi được làm nghề này", thầy Trình tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Thành cho biết: "Dù cuộc sống quá chật vật, khó khăn nhưng thầy Trình vẫn luôn cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

Thầy Trình là một người rất nhiệt huyết, giỏi về nghiệp vụ. Tôi rất tiếc cho bản thân thầy Trình vì đã gần 20 năm công tác nhưng chưa được vào biên chế. Nếu ở một môi trường khác thì năng lực của thầy được ghi nhận và phát triển hơn. Ở trường, Ban giám hiệu, đồng nghiệp và học trò rất yêu quý thầy".

Bản thân thầy Trình đã có nhiều thành tích trong giảng dạy, công tác Đoàn - Đội. Điển hình, năm 2019, thầy được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì có hành động dũng cảm cứu người bị nạn thoát khỏi đuối nước.

Lần đó, một bạn sinh viên đại học Y Hà Nội về chơi trên Thác 7 Tầng ở huyện Quế Phong không may trượt chân rơi xuống. Thầy cùng cả đoàn đang đi chơi thấy các bạn hô cứu nên đã dũng cảm nhảy xuống nước đưa bạn vào bờ. May mắn, mãi lúc sau bạn sinh viên đó tỉnh lại.

Đến năm 2020, thầy Trình được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen về thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải Nhất tại Hội khỏe Phù Đổng lần thứ XIX. Bên cạnh đó, thầy còn được UBND tỉnh Nghệ An tặng nhiều giấy khen, bằng khen vì có những cống hiến cho ngành giáo dục.

"Vừa rồi, cũng mới có một đợt đặc cách, mình hy vọng lần này sẽ được biên chế. Sau này khi đứa con gái lớn vào đại học thì mình cũng chưa chắc sẽ tiếp tục gắn bó với nghề. Nếu như không đủ chu cấp cho con cũng có thể mình sẽ tìm một công việc mới", thầy Trình buồn bã nói.

Nhật Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm