Lập vườn mai nghĩa sĩ Tây Sơn

09/02/2011 11:17 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Theo thông lệ, ngày 5 tháng Giêng hằng năm là ngày kỷ niệm trận đại thắng Đống Đa - Ngọc Hồi. Đây là lễ hội lớn đầu năm của người dân Hà Nội, kỷ niệm đại thắng của nghĩa quân Tây Sơn và người anh hùng áo vải Quang Trung.

Nguyễn Vĩnh Hảo, một người dân gốc đất võ Bình Định, vốn là chủ bảo tàng gốm Gò Sành nổi tiếng Bình Định hòa vào dòng người tham dự lễ hội. Ông ra Hà Nội từ ngày 27 tháng Chạp, trước Tết, mang theo 4 cây mai quý và ý tưởng về “Vườn mai nghĩa sĩ Tây Sơn”.

Sau phần dâng hương tưởng nhớ Quang Trung, ông trở về chùa Kim Sơn, trên phố Kim Mã, là nơi an nghỉ và thờ tự những nghĩa sĩ Tây Sơn.

Trong bài “Mai vàng dâng các nghĩa sĩ giải phóng Thăng Long” trên TT&VH số ra ngày 8/10, ông đã bày tỏ về ý tưởng lập vườn mai này. Ông tiếp tục tâm sự với TT&VH:

- Theo văn bia, chùa Kim Sơn là nghĩa trang của nghĩa quân Tây Sơn đã ngã xuống trong trận Đống Đa. Điều này có lẽ không có nhiều người biết. Tôi là người làm văn hóa, thế mà một địa chỉ rất quan trọng như vậy đến gần đây tôi cũng mới biết. Điều này tôi thấy mình có lỗi. Nhưng tôi nghĩ không biết đã là có lỗi, nhưng biết mà không làm mới thực sự có tội với quê hương.

Tôi xin với sư thầy làm một vườn mai trong sân chùa, có ý nghĩa mang một chút hơi ấm từ quê hương miền Nam, Bình Định ra ngoài này với những người con hy sinh vì nước. Vườn mai nghĩa sĩ Tây Sơn thực sự không phải là một vườn “sinh vật cảnh” mà là những tinh hoa của phương Nam, của quê hương Bình Định tại đây.

Tôi cũng đề xuất xây một ngôi nhà gỗ theo phong cách nhà lá mái Bình Định và một tấm bia đá đặt trong nhà gỗ, sau khi xin ý kiến Hội đồng hương Bình Định.

Ở chùa Kim Sơn có 4 sân gạch, 3 sân trước, một sân hậu tổ; mỗi sân vườn sẽ đặt một vườn mai. Mỗi sân có một cây mai chủ lớn, chừng 5 - 10 cây mai quân hầu xung quanh, tiếp đó là mai bon sai nghệ thuật nhỏ hơn. Mai rất khó tính, không phải năm nào cũng rộ đúng dịp Tết. Ngoài 20 tháng Chạp mai sẽ được đưa ra ngoài này, nếu mai rộ hoa đúng quá nửa là coi như thành công.

Muốn có đủ lượng đó thì số lượng nuôi dưỡng phải lớn gấp 3 lần. Các cây mai chủ thì giữ nguyên, các cây mai nhỏ có thể thay đổi.

Nguyễn Vĩnh Hảo bên gốc mai Hoàng đế tại chùa Kim Sơn

* Cho đến nay, ý tưởng của ông đã được triển khai như thế nào?

- Theo dự kiến, thì lẽ ra, đến ngày mùng 5 tháng Giêng vừa qua, chúng tôi phải hoàn thành việc xây dựng vườn mai nghĩa sĩ Tây Sơn mừng chiến thắng Đống Đa. Việc này được chính quyền, người dân hết lòng ủng hộ. Chúng tôi muốn đây không chỉ là một di tích mà là điểm giao lưu văn hóa lịch sử của Bình Định với Hà Nội và cả nước bởi nơi đây có vị trí rất lớn trong lịch sử nước nhà. Chuẩn bị cho giỗ trận Tây Sơn, tôi ra Hà Nội từ 27 tháng Chạp. Tôi đã mua được 100 cây mai nhỏ, 3 cây mai lớn để bước đầu thực hiện xây dựng vườn mai. Nhưng cuối cùng mai không nở hoa, người tài trợ chuyến xe cũng hủy vì lái xe còn phải về quê ăn Tết.

* Nhưng ông vẫn kịp đưa những gốc mai tuyệt đẹp bày tại sân chùa Kim Sơn?

- Khi mai không kịp nở, tôi buồn và suy nghĩ nhiều lắm. Khi nằm bẹp ở nhà, tôi giật mình nhớ đến ông Năm Hưng một người được coi như “vua mai” của đất Bình Định và rất mê đồ cổ. Ông đã trả giá cho một cái bình của tôi rất cao nhưng tôi chưa bán.

Tôi liền chạy lên nhà ông ấy cách Quy Nhơn 12 cây số để xem mai có nở không. Cây mai thế “quần long tụ hội” nổi tiếng của ông ấy ra đúng độ. Từ gốc đưa lên những cánh tay như những con rồng cuộn lại tựa thế quần long. Phải nhìn cây mai này mới hiểu thế nào là “mai cốt cách, tuyết tinh thần”. Cây mai này là cây mai tướng bởi sức mạnh nội tại của nó nổi lên cuồn cuộn qua từng thớ thịt của cây, khác những cây mai thông thường. Tôi đổi chiếc bình quý lấy cây mai và gọi là mai “Hoàng đế”, bởi nó xứng đáng là cây mai Hoàng đế giữa vườn mai các nghĩa sĩ Tây Sơn.

Ngày 27 tháng Chạp tôi bắt đầu hành trình tàu từ Bình Định ra, một cây mai hoàng đế với 3 cây mai bon sai. Cây mai Hoàng đế phải đi cửa sau cuối toa, tới ga Vinh người ta đã giáp thêm một toa nên không chuyển được. Tôi phải nhờ Ban Quản lý ga cắt toa cuối ra để chuyển mai xuống dưới, họ thấy việc làm có ý nghĩa nên đồng ý.

* Cây mai rất khó tính, việc duy trì vườn mai trên đất Bắc thực hiện như nào?

- Đúng là cây mai rất khó sống ở nơi này; hằng năm vào ngày 25 tháng Chạp, chúng tôi chuyển mai ra, 15 tháng Giêng đưa về Bình Định. Nhưng làm như thế sẽ tốn kinh phí. Theo tôi tính toán vận chuyển đi về khoảng 25 đến 30 triệu, nuôi dưỡng mai cũng khoảng 10 đến 20 triệu đồng.

Tốn kém thì không ngại nhưng vấn đề là ai duy trì hoạt động này? Vì thế chúng tôi muốn xây dựng một quỹ gọi là Quỹ vườn mai nghĩa sĩ Tây Sơn. Quỹ đó có 3 dịch vụ chính, dịch vụ nuôi trồng mai, cho thuê mai và bán mai.

Chúng tôi đã báo cáo chùa Kim Sơn, xin UBND phường hỗ trợ để bên vỉa hè đường Kim Mã, chúng ta sẽ tạo ra chợ mai mỗi dịp Tết. Lãi từ chợ mai, chúng ta sẽ bỏ vào Quỹ. Bởi có thể nhiều năm nữa tôi không thể đứng ra lo được nên tất cả phải dựa vào người dân, chứ không dựa vào ngân sách hay tài trợ một đại gia nào cả.

Tôi được biết hằng năm Bình Định cung cấp ra thị trường cả nước khoảng 1 vạn chậu mai. Sau này, tự làng mai của Bình Định sẽ đưa mai ra ngoài này, duy trì vườn mai nghĩa sĩ Tây Sơn.

* Với việc làm này, ông tâm nguyện điều gì?

- Đầu tiên là tri ân những nghĩa sĩ Tây Sơn hy sinh vì nước. Tôi cũng mong muốn một điều “Thăng Long phi chiến địa” nhưng Quang Trung đã tạo nên một chiến thắng lẫy lừng như thế ở mảnh đất thiêng này. Theo tôi biết, gò Đống Đa chỉ là mồ chôn quân Thanh, Hội đồng hương Bình Định hiện nay không dâng hương ở gò Đống Đa nữa, chỉ mừng công thôi.

Theo tôi, chúng ta cần thực hiện nghi lễ dâng hương là tưởng nhớ các nghĩa sĩ Tây Sơn ở nghĩa trang Kim Sơn một ngày trước ngày họ ngã xuống năm xưa. Như thế, vừa tri ân người ngã xuống, vừa đề cao lòng tự tôn dân tộc hơn nữa.

* Xin cảm ơn ông!

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm