Nhiều điều thấy sau đêm nhạc Hennessy

15/03/2009 10:31 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Ngày 6/3, chương trình Hòa nhạc Hennessy lần thứ 13 tại Nhà hát lớn Hà Nội đã làm thỏa lòng công chúng yêu nhạc cổ điển. Một đêm nhạc xứng đáng là một sự kiện của đời sống âm nhạc Việt Nam năm 2009, có thể thấy rất nhiều điều về âm nhạc và những chuyện ngoài âm nhạc…

Chưa được kiệt xuất như huyền thoại Rostropovich, không được nổi tiếng như các ngôi sao trẻ trung Lang Lang hay Hilary Hahn, nhưng nghệ sĩ cello Julian Lloyd Webber chắc chắn là một trong số ít các nghệ sĩ đẳng cấp mà công chúng Việt Nam được thưởng thức trực tiếp trong chương trình Hòa nhạc Hennessy năm nay. Về mặt âm nhạc, thậm chí kể cả khi tính đến một đôi chỗ nhỡ nhàng lỡ nhịp như ở đầu trích đoạn Điệu nhảy lửa thần - Ritual fire dance trong El amore brujo của Manuel de Falla, đặc trưng phong cách flamenco và chuyên dùng để phô diễn kỹ thuật đỉnh cao, đêm nhạc của Julian Lloyd Webber và Pam Chowban (piano) vẫn rất tuyệt vời. Bài viết này, do đó, chỉ muốn chia sẻ một vài suy nghĩ và liên tưởng lan man của người viết sau đêm nhạc gửi gắm đến nhà tổ chức biểu diễn cũng như những nhà quản lý nghệ thuật, với hy vọng có thể đóng góp một ý kiến nhỏ.

Có thể nói, sự cố đầu tiên của đêm nhạc là những tiếng động “ngoài âm nhạc” bất khả kháng trong chương trình. Đúng lúc tiếng đàn cello du dương dịu dàng nhất ở phần đầu, chuông điện thoại ở đâu đó vang lên át cả tiếng đàn. Nhưng sự vô ý quên tắt chuông của một khán giả đãng trí này không tệ hại bằng việc cố ý chụp lấy được của các phóng viên ảnh tại khán phòng. Đặc biệt, khán giả như bắt buộc phải chú ý vì có một bạn liên tục di chuyển giữa các lô trên tầng hai rồi lại quay xuống sát sân khấu ở tầng một để nhiệt tình tác nghiệp, bất chấp sự khó chịu trông thấy của khán giả. Kết quả là gần như cả phần đầu của chương trình là hòa nhạc cello, piano và... tiếng lách cách của máy ảnh! Sự việc này tất nhiên chưa là gì nếu so với một số đêm nhạc mà các nhà quay phim còn vô tư loạch xoạch dựng máy quay, tác nghiệp một lúc, xong lại loạch xoạch tháo ra, chuyển sang làm phiền chỗ khác. Những hành vi thiếu văn hóa như vậy cần được sớm chấm dứt. Ở nước ngoài, trong những buổi biểu diễn tương tự, việc quay phim chụp ảnh bị cấm hoàn toàn. Ở ta, nếu có du di trong thời điểm này, thì nhà tổ chức và ban quản lý nhà hát cũng rất nên hạn chế việc quay phim chụp ảnh tại đêm diễn, kèm theo yêu cầu về trang bị máy móc chuyên dụng, hạn chế tối thiểu tiếng động khi tác nghiệp.

Điểm thứ hai có thể góp ý thêm với các nhà tổ chức chương trình hòa nhạc là lỗi phát âm tên các nhà soạn nhạc của người dẫn chương trình. Thông thường ở các chương trình hòa nhạc trên thế giới, người ta không cần đến người dẫn, tất cả các nội dung xuất xứ tác phẩm, tiểu sử tác giả và nghệ sĩ biểu diễn đã có đầy đủ trong quyển chương trình. Các nghệ sĩ cùng lắm chỉ tự giới thiệu các bản nhạc encore - chơi thêm, tặng cho khán giả vào cuối chương trình. Trong các đêm nhạc Hennessy ở Việt Nam, mặc dù quyển chương trình có khá đầy đủ các nội dung và được thiết kế đẹp, nhưng có lẽ do khán giả chưa quen với cách thức này nên nhà tổ chức vẫn có hẳn một người dẫn chương trình đọc giới thiệu từng chùm tác phẩm trước khi các nghệ sĩ ra biểu diễn. Chỉ đáng tiếc là ở một đêm nhạc đẳng cấp mà tên của các tác giả vĩ đại liên tục bị đọc sai, Manuel de Faza và Johannis Brahms là một vài ví dụ. Đêm Vietnam Airlines Classics vừa qua với Vienna Boys Choir cũng là một trường hợp tương tự, thậm chí có lẽ còn tệ hơn vì người dẫn chương trình tung tăng trên sân khấu, nhí nhảnh một cách không phù hợp và hầu như không đọc đúng được tên của một nhà soạn nhạc nào. Đành rằng việc phát âm sai các tên nước ngoài vẫn còn thấy vô số trên các chương trình truyền hình hiện nay, nhưng ở những đêm nhạc cao cấp như thế này, không khó khăn gì việc tham khảo trước cách phát âm để đọc tên tác giả cho chính xác.

Tuy nhiên, cá nhân người viết rất ấn tượng với cách thức trang trí sân khấu của đêm nhạc, giản dị nhưng sang trọng. Ở một đẳng cấp hơn hẳn so với các chương trình biểu diễn được tài trợ và truyền hình trực tiếp khác, phông sân khấu không có một dấu hiệu tiếp thị nào của Hennessy. Logo Hennessy concert serie chỉ được chiếu lên trước và sau phần biểu diễn của nghệ sĩ, khi khán giả vỗ tay, và cũng theo một cách thức khá khiêm tốn. Khi tiếng đàn vang lên, chỉ có âm nhạc. Thêm vào đó, sân khấu chỉ có duy nhất một giá hoa được chiếu sáng cách điệu, đơn giản nhưng hiệu quả, làm cho toàn bộ khán phòng Nhà hát Lớn trở nên thân mật, ấm cúng, thu hẹp khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả. Hình thức đơn giản nhưng nội dung vô cùng. Trông người lại ngẫm đến... nhiều chương trình nghệ thuật ở ta được PR là đầu tư tiền tỷ, chẳng hiểu tiền vào đâu mà chất lượng thì chưa biết thế nào. Phải chăng chúng ta quá chú trọng đến hình thức mà quên đi cái cơ bản là nội dung?

Hình thức đơn giản nhưng nội dung vô cùng. Trông người lại ngẫm đến... nhiều chương trình nghệ thuật ở ta được PR là đầu tư tiền tỷ, chẳng hiểu tiền vào đâu mà chất lượng thì chưa biết thế nào. Phải chăng chúng ta quá chú trọng đến hình thức mà quên đi cái cơ bản là nội dung?

Quay trở lại với đêm nhạc của chúng ta tại Nhà hát Lớn, khi các tràng pháo tay tắt đi, tôi chợt tiếc cho đêm “Violin Recital” gần đây của vợ chồng Bùi Công Duy - Trinh Hương, nhưng được tổ chức tại một địa điểm khác- Phòng hòa nhạc Nhạc viện Hà Nội. Là một trong số rất ít các chương trình thính phòng chất lượng được mong đợi và hơn nữa lại là chương trình recital đầu tiên của Bùi Công Duy sau khi anh trở về nước làm việc, cây violin xuất sắc nhất hiện nay của chúng ta lẽ ra phải được mời trình diễn trong khán phòng của Nhà hát Lớn mới là hợp lý. Hình như anh cũng có dự định làm chương trình tại đây nhưng chưa tìm được nhà tài trợ. Nên chăng chính Nhà hát Lớn, nơi được coi là không gian âm học tốt nhất, phù hợp nhất cho các chương trình hòa nhạc thính phòng giao hưởng, nên là nhà tài trợ cho những đêm nhạc như vậy? Ở các nước tiên tiến, các thính phòng lớn cũng chính là nơi tổ chức biểu diễn, các mùa diễn họ đều có những serie chương trình riêng, mời các solists và dàn nhạc đẳng cấp thế giới đến trình tấu, độc lập với các hoạt động cho thuê địa điểm khác. Ở nước ta, có lẽ Nhà hát Lớn chưa thể có kinh phí để mời các ngôi sao lớn đến biểu diễn, nhưng tài trợ cho các nghệ sĩ xuất sắc trong nước thì chắc chắn là điều nên làm, nhất là trong tình hình hoạt động nghệ thuật trì trệ hiện nay, các chương trình độc tấu tự tổ chức như của Bùi Công Duy - Trinh Hương thật là đáng quý.

Một suy nghĩ cuối cùng muốn được chia sẻ là việc giới thiệu âm nhạc cổ điển đến một lớp công chúng mới - những người trẻ. Chương trình độc tấu của Julian Lloyd Webber trong đêm nhạc Hennessy này được thiết kế đa dạng, bao quát hết các khả năng trình tấu của nhạc cụ, các phong cách âm nhạc khác nhau, nhưng đặc biệt lại khéo léo lồng vào những bản nhạc nhỏ hết sức quen thuộc và vô cùng dễ tiếp cận đối với công chúng chưa quen với nhạc cổ điển - điều mà đôi khi các chương trình hòa nhạc của chúng ta chưa để ý đến. Các bản nhạc nhỏ này khi được chơi ở một trình độ cao rất dễ dàng “ngấm” vào lòng người nghe và làm cho họ thêm yêu mến âm nhạc cổ điển hơn. Không hiểu sao khi nghe tiếng vĩ tinh tế và xao xuyến của Julian Lloyd Webber trong đoạn trích Thiên nga - La Cygne trong Le carnival des animaux của Saint- Saens, đôi lúc tôi hình dung đến lời hát của Mỹ Linh trong bài hát Gió và lá cây do nhạc sĩ Dương Thụ đặt lời trên đoạn trích này (album Chat với Mozart). Bài hát Gió và lá cây có thể là một gợi ý cho các bạn trẻ thêm yêu tiểu phẩm Chào tình yêu - Salut d’amour của Elgar mà Bùi Công Duy chơi encore trong đêm recital của anh. Mặc dù album Chat với Mozart của Mỹ Linh khi ra đời đã có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng chúng tôi tin rằng đó vẫn là một nỗ lực rất đáng trân trọng để đưa âm nhạc cổ điển lại gần hơn với những người trẻ. Và có lẽ những người trẻ đó cũng đang mong đợi ê-kíp Chat với Mozart tiếp tục đưa ra các phần tiếp theo như dự định ban đầu của họ.
 
Bảo Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm