13/02/2011 08:00 GMT+7 | Văn hoá
Nay, nhiều tục xưa đã mất, còn lại gần như độc nhất một nơi…
Xưa, bên ngòi nước trong khu rừng trám có một ngôi miếu cổ linh thiêng. Cứ hai hoặc bốn năm một lần - các năm chẵn, vào đầu Xuân, dân làng ở đây lại mở lễ hội diễn nhiều tích trò, nên gọi là miếu Trò, và vì nằm trong khu rừng trám nên còn có tên khác là miếu Trò Trám. Xóm ở đó cũng được gọi tên xóm Trám, hay phường Trám, tên chữ là xóm Cổ Lãm, thuộc làng có tên tục là Kẻ Gáp, tên chữ là Thạch Cáp, nay là xã Tứ Xã nằm trong vùng di tích đồ đá cũ của người Việt cổ như Gò Mun, Đồng Đậu con… ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, bởi vậy Lễ hội Tứ Xã cũng có tên gọi khác là Lễ hội Kẻ Gát. Cách Đền Hùng khoảng 5km về phía Đông Nam và nằm bên bờ tả ngạn sông Thao, xưa kia Tứ Xã là vùng đồng trũng ngập nước, thỉnh thoảng nổi lên những đồi gò là chỗ ở của người Việt cổ, lúa chỉ làm một vụ, quanh năm sinh sống bằng nghề vó bè.
Ai ơi chớ tưởng tôi già, tôi còn gánh được dăm ba cái... lờ! (trò Trám) |
Đúng 12 giờ đêm, đèn đuốc tắt phụt, mọi người nín thở, vị trưởng lão cẩn trọng mở chiếc hòm thiêng, mở các lớp khăn điều lấy ra bộ dùi gỗ tả thực hình dương vật sơn son (Nõ) với chiếc mảng gỗ đỏ tạo hình âm vật (Nường), kính cẩn trao Nõ cho người nam ở trần chít khăn và Nường cho người nữ yếm thắm. Khẩu lệnh “Linh tinh tình… Phộc” lặp lại 3 lần, sau mỗi lần, trong bóng tối, người nam dùng Nõ đâm “phộc” vào Nường. Nếu cả ba lần Nõ đâm trúng Nường thì năm đó thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu… Mỗi lần Nõ đâm trúng Nường, chiêng trống nổi lên, dân làng đứng quanh miếu reo hò vui vẻ.
Tình phộc! xưa diễn ra trong bóng tối của Lễ Mật, nay dưới ánh sáng flash của rừng ống kính báo chí và những kẻ tò mò. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng-Xuân Bình |
Một thời gian dài lễ hội Tứ Xã và Trò Trám bị đứt đoạn, thậm chí, nó còn bị bài bác là trụy lạc… Đầu những năm 1990, lễ hội Tứ Xã bắt đầu nhen nhóm trở lại nhưng phải tới năm 2000 lễ hội độc nhất vô nhị này mới được chính thức phục hồi với quy mô quốc gia. Năm ngoái, 2010, nhân dịp miếu Trò được công nhận di tích cấp tỉnh, lễ hội Tứ Xã được tổ chức rất to.
Ngôi nhà Tổng Cóc ở Tứ Xã, nơi nữ sĩ Hồ Xuân Hương làm dâu thuở trước |
Nhưng may mắn làm sao cái tinh quý của hội làng, thần thái văn hóa cổ truyền hay dấu tích tín ngưỡng phồn thực vẫn còn phảng phất, day dứt, quyến luyến đâu đó. Ấy là những ẩn ngữ trong văn tế cùng các trường đoạn diễn xướng tứ dân chi nghiệp. Trước Lễ mật, những nghệ sĩ ưu tú của làng Tứ Xã sẽ có màn trình diễn về thợ cày cấy, kẻ đi câu, người bán mua Xuân, nhóm sĩ tử rao bán chữ nghĩa…
Chị nông dân thì véo von:
Người ta đi cấy lấy công Tôi đây đi cấy lấy ông chủ nhà Đi cấy thì gốc chổng lên Ngọn thời cắm xuống mới nên mùa màng.
Người ta xẻ gỗ trên ngàn Anh đây cưa lấy một nàng đương tơ
Với phường buôn bán hay kẻ sĩ thì câu chữ, lời ca có vẻ trau chuốt, ý tứ:
Còn Xuân thì mua Xuân đi Nay lần mai lữa còn gì là xuân
Học trò đi học sách kinh Tay cầm quản bút “quệt” tình nghiên đây |
Nhưng với mấy anh, chị hề hát pha trò thì câu chữ ngổn ngang sự tinh nghịch… ra phết:
- Giờ đây anh mới hỏi nàng Cái gì lủng lẳng một gang trong quần - Chàng hỏi thì thiếp thưa rằng Cái đeo lủng lẳng là giằng cối xay - Ước gì em hóa thành trâu Anh hóa thành chạc xỏ nhau cả ngày…
Bà ẵm cháu, mẹ bồng con Không xem Trò Trám thì buồn cả năm. |
Đi cách nào? Từ Hà Nội có thể tới xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ bằng ô tô hoặc xe máy. Đường đi như sau: Hà Nội - Sơn Tây - Trung Hà - Cổ Tiết - qua cầu Phong Châu, rẽ phải đi Tam Nông, đi chừng 4 km thì rẽ phải tiếp và hỏi đến Tứ Xã. Đường từ Hà Nội đến làng khoảng 100 km, đường tốt. Lễ hội tình yêu “made in Vietn am” Đêm 11 rạng sáng 12 tháng Giêng hàng năm, tại miếu Trò, hay miếu Đụ Đị, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, diễn ra một lễ hội độc nhất vô nhị: hội Trò Trám, hay còn có tên khác là hội Nõ Nường - nơi duy nhất ở miền Bắc còn lưu giữ tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ trong một lễ hội tụng ca tình yêu, lứa đôi và sự sinh sôi cùng với mùa Xuân đất trời. Năm nay, lễ hội Trò Trám diễn ra đúng vào đêm Chủ nhật tuần này, 13/2, đúng một ngày trước Lễ Tình nhân.
Xuân Bình & một số tư liệu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất