24/08/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Câu chuyện tôi kể hôm nay ngẫu nhiên trùng thời điểm với sự kiện thể thao thời sự đang diễn ra ở Lào Cai: Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup! Tại đó, nhiếp ảnh gia Nguyễn Mạnh Cường (cũng là Phó Giám đốc Bảo tàng Lào Cai) vừa đưa lên mạng những hình ảnh anh chụp được trong giờ giải lao với các vận động viên Úc - những cô gái cao hơn anh cả một cái đầu, mặc dầu anh cũng cao gần 170cm.
1. Theo thống kê nhân học chung, chiều cao trung bình loài người giống đực cao hơn giống cái khoảng 10%, còn trong thực tế thì không phải đàn ông nào cũng cao hơn phụ nữ.
Kho lưu trữ bảo tàng do tôi phụ trách có may mắn quản lý trên dưới 60 hài cốt của một cộng đồng "Làng Đông Sơn" ở Động Xá, Kim Động, Hưng Yên, trong đó có nhiều bộ xương đủ dữ kiện cung cấp chiều cao và giới tính. Nghiên cứu kỹ tập hợp xương cốt người ở đó cho thấy khá nhiều đàn ông thấp hơn phụ nữ.
Chiều cao của một cá thể người trong khảo cổ học đã được nhiều nhà nhân học thống kê trên xương người hiện đại và đưa ra các công thức ít nhiều khác nhau dựa vào một số xương dài (long bones), tức các đoạn xương chi còn lại trên cơ thể bộ xương đó. Một số nhà khoa học nước ta thường dùng công thức của Pháp sử dụng trước thế chiến 2. Tôi thường dùng công thức của nhà nhân học Nhật Bản N. Fiji đề xuất 1984 dựa trên thống kê số đo của người Châu Á để tính chiều cao cho các bộ xương đào được. Kích thước chiều cao của người Đông Sơn ở làng Động Xá cổ cũng được tôi tính toán dựa trên công thức của Fiji.
Để minh họa cho chủ đề hôm nay, tôi muốn giới thiệu chi tiết hai bộ xương trong số trên 60 bộ xương Đông Sơn tái khai quật ở Động Xá năm 2004 hiện lưu giữ tại kho tiêu bản khảo cổ của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. Đó là bộ hài cốt ký hiệu ĐX04-L6 và ĐX04-K1C5.
2. Ngôi mộ ký hiệu ĐX04-L6 có bộ hài cốt còn khá nguyên vẹn, mới được phát hiện năm 2002. Các xương còn tương đối đầy đủ, sọ và hàm còn đủ răng và các lớp vải bọc xác phủ bên trên, che hốc mắt, khi bóc lớp vải phủ ra còn thấy hai miếng đồng cắt từ hiện vật Đông Sơn lọt thỏm bên trong. Đặc biệt, phần đỉnh sọ có vết khoét tròn trên lớp vải liệm, cho thấy đó có thể là phần hở chừa cho búi tóc của người chết.
Do chất lượng xương sọ còn tốt, tôi đã chọn sọ này để dựng lại chân dung. Tôi sẽ có một bài riêng kể về quá trình nghiên cứu phục dựng chân dung 5 chiếc sọ Động Xá. Trong bài này tôi chỉ bàn đến chiều cao cơ thể và hình thái nói chung của bộ xương này.
Mộ ĐX04-L6 dễ dàng xác định giới tính nam nhờ quan sát bộ xương hông đặc trưng nam tính. Độ mòn hai hàm răng báo hiệu nam thanh niên này trong khoảng tuổi trên dưới 25. Chiều cao toàn thân chàng trai được đo bằng cả hai phương pháp: Đo sau khi xếp xương lại theo tư thế giải phẫu và tính theo công thức Fiji. Cả hai phương pháp đều cho kết quả tương tự với sai lệch chỉ 2cm, đó là 152 ± 2cm.
Tuy vậy, xem xét độ bám cơ, bề dày của xương đùi và xương cẳng tay, có thể thấy đây là một người đàn ông to khỏe. Anh ta có sọ hình trứng hơi tròn và khuôn mặt dài, mũi thẳng, hơi cao trông cân đối. Trong một tương lai không xa, nếu dự án xây dựng công viên tâm linh Đông Sơn ngoài trời tại di tích Động Xá được phê duyệt, các bạn có thể chiêm ngưỡng con người thật của chàng trai này với trang phục làm từ vải gai, lanh, lụa từ các mộ khai quật ở Động Xá năm 2001 và 2004.
Ngôi mộ thứ hai cùng làng với chàng thanh niên ĐX04-L6 vừa nói trên là của một cô gái trong độ tuổi 20 - 25, ký hiệu ĐX04-K1C5. Đây là một cô gái khá vạm vỡ. Khi qua đời đã được người thân khâm liệm rất cẩn thận với nhiều lớp vải, cói bọc xác. Hiện tại, chúng tôi vẫn giữ nguyên chiếc sọ với lớp vải cói trong cùng phủ sát xương mặt để trưng bày nguyên trạng tại bảo tàng mẫu vật khảo cổ ở Kim Bôi, Hòa Bình.
Cũng nhờ bộ xương hông rất đặc trưng nữ tính và bộ hàm còn đày đủ và nguyên vẹn nên việc giám định tuổi và giới tính bộ xương khá thuận lợi. Tuy nhiên, bộ xương không còn đầy đủ các xương chi nên chúng tôi dùng công thức Fuji để xác định chiều cao cô gái này. Các chỉ số đều thống nhất chiều cao khi còn sống của cô gái đạt mức 162 - 163 cm. Đối chiếu các phần xương chi còn lại của cô gái này với chàng trai cùng làng nói trên cũng thấy rõ ràng sự vượt trội về chiều cao của cô với chàng trai người hàng xóm.
3. Chiều cao nói chung của nhóm cư dân Đông Sơn ở Động Xá so với các nhóm Đông Sơn khác đã khai quật và nghiên cứu là khá khiêm tốn.
Ví dụ, người đàn ông chôn trong mộ cắt ra từ một con thuyền độc mộc khai quật năm 2004 (ĐX04-M01) chỉ đạt khoảng 145 cm. 3 người phụ nữ đã được chúng tôi chọn phục dựng chân dung năm 2005 chỉ có độ cao 140 - 150cm. Hiếm thấy những bộ xương chứng tỏ chủ nhân cao tới 170cm.
Theo số liệu hiện có, mới chỉ thấy người cao nhất tại khu mộ cổ Đông Sơn ở Động Xá đạt mức 165 cm trong số trên dưới 60 bộ xương thu được ở địa điểm này.
Điều này đáng chú ý khi đối chiếu với xương cốt của nhóm cư dân trồng lúa vùng sông Mã sông Chu (Quỳ Chử, Núi Nấp) hay cư dân săn bắt hái lượm Hoabinhian, Dabutian, khi tỷ lệ chiều cao phổ biến của chủ nhân khi còn sống các bộ xương đào được thường đạt 160 - 170 cm. Đột xuất, khảo cổ học đã từng bắt gặp bộ xương của những người đàn ông thời đại đá, chết cách nay trên 6.000 năm cao 185 cm (như trường hợp cá thể M1 trong hang núi lửa Krông Nô, Đắc Nông) hoặc như mộ một "ông tướng" Âu Lạc phát hiện ở vùng Ngòi Nhù (Lào Cai) cao gần 2m.
Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ thử ứng dụng phương pháp tiếp cận Ecology (nhân thái học) để tìm ra chỉ số chiều cao và cơ thể của người Đông Sơn thông qua tổng hợp thống kê kích thước, trọng lượng dụng cụ ,vũ khí đương thời. Đó cũng là một đề tài rất nhiều lý thú cho phép so sánh kích thước cơ thể của cộng đồng dân cư Đông Sơn nói chung với các nhóm cư dân láng giềng đương thời.
Sự không đồng đều trong kích thước con người trong từng cộng đồng cũng là điều bình thường. Nhưng sự xuất hiện những người nhỏ thó trong những đoàn vũ công được nghệ nhân Đông Sơn thể hiện trên các hình trang trí hoa văn trống đồng, rìu chiến… cũng cần được lý giải rằng họ là những người thấp bé thật hay do tính ước lệ trong nghệ thuật trang trí mà thôi. Rất đáng chú ý, bởi vì trong một số trường hợp, những người nhỏ đó lại giữ vai trò đặc biệt trong vũ đoàn. Phải chăng họ chính là những vị shaman (thầy cúng) như hình ảnh bộ xương người đầu to đeo chuỗi răng nanh thú, xương chân tay ngắn, nhỏ quắt queo trong khu mộ Quỳ Chử mà tôi đã giới thiệu trong những kỳ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất đầu tiên?
"Trong một tương lai không xa, nếu dự án xây dựng công viên tâm linh Đông Sơn ngoài trời tại di tích Động Xá được phê duyệt, các bạn có thể chiêm ngưỡng con người thật của chàng trai này với trang phục làm từ vải gai, lanh, lụa từ các mộ khai quật ở Động Xá năm 2001 và 2004" - TS Nguyễn Việt.
(Còn tiếp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất