(TT&VH) - Từ lúc 20h ngày 29/8 tới đây trên kênh HTV2, bộ phim tâm lý xã hội hài Kính thưa ô-sin (KB: nhóm Thằng Mõ, ĐD: Trần Cảnh Đôn, do M&T Pictures sản xuất, 30 tập) sẽ lên sóng vào các tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, hứa hẹn “sẽ cho người xem kinh nghiệm cười ra nước mắt về các ô-sin của chính gia đình mình”(!).
Từ 2 trang giấy đến 22 giờ phim
ĐD: Trần Cảnh Đôn |
Phim này được gợi hứng từ phóng sự cùng tên của Huỳnh Dũng Nhân và vở kịch cùng tên do Nguyễn Lâm đạo diễn tại sân khấu 5B. Phóng sự Kính thưa ôsin của Huỳnh Dũng Nhân chỉ khoảng 2 trang A4 và đã lên báo cách đây 2 năm nhưng để lại nhiều dư âm trong lòng người đọc, trong đó có nhà biên kịch Nguyễn Kháng Chiến (chuyển thể thành kịch nói) và bây giờ đạo diễn Trần Cảnh Đôn đưa lên phim truyền hình.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Huỳnh Dũng Nhân nói Trần Cảnh Đôn chỉ ký hợp đồng để mua cái tên và ý tưởng của bài phóng sự này, còn nội dung thì chừa ra. Còn Trần Cảnh Đôn thì nói rằng mình quá ấn tượng bởi cái tít, nên đã đọc bài phóng sự nhiều lần để tìm cảm hứng, sau đó nhìn ra xung quanh, từ cuộc sống gia đình của mình, của bạn bè, của đồng nghiệp... để cóp nhặt những chuyện éo le, hấp dẫn. Đạo diễn này cũng cho biết trong lúc cùng nhóm Thằng Mõ viết kịch bản, anh cũng đã vài lần đi xem kịch Kính thưa ô-sin tại sân khấu 5B, với ý định sẽ làm khác đi, bi hơn, hài hơn.
Hiện đang hoàn chỉnh hậu kỳ của những tập cuối cùng, Trần Cảnh Đôn nói 30 tập phim 45 phút (tổng cộng khoảng 22 giờ phát sóng) này là những kinh nghiệm đầy bi hài của chính gia đình anh và của những người mà anh quen biết. Anh hy vọng rằng phim của mình sẽ vui và gần với các ô-sin ngoài thực tế, vì họ là đối tượng có nhiều thời giờ để ngồi nhà xem phim.
Phát hiện mới về nghề ô-sin
“Phóng sự hay, kịch hấp dẫn... thì hiển nhiên đã có được lượng khán giả vững bền rồi. Cho nên, khi làm phim, tôi không thể dựa vào đấy để khai thác các tình tiết, mà phải nhìn ra ngoài cuộc sống để mà viết. So với 2 thể loại kia, phim truyền hình có chút ưu thế về thời lượng và lượng khán giả rộng rãi ở các vùng phủ sóng. Nên phim cần có nhiều câu chuyện, nhiều tuyến nhân vật và nhiều tình tiết hơn, để khán giả khỏi bị nhàm chán” - Trần Cảnh Đôn nói.
Một cảnh trong Kính thưa ô-sin. Ảnh: Trọng Bình
Thông điệp của phim chỉ gói gọn trong 2 nhắn gửi nho nhỏ: Nếu bạn là người phụ nữ, dù làm gì đi nữa, thì cũng nên có một giờ nào đó “làm ô-sin” - để chăm lo cho mái ấm của gia đình mình. Còn với các ô-sin, có thể vẫn có những cá nhân đơn lẻ làm khổ cho các gia đình, nhưng thiếu họ thì thật là khó khăn. “Với riêng gia đình tôi, đã có khá nhiều kinh nghiệm éo le, dở khóc dở cười, nhưng tôi vẫn xem cái nghề của họ là thiết yếu trong xã hội ngày nay”, vẫn lời đạo diễn Trần Cảnh Đôn.
Có một tin ngoài lề, là trong khi bắt tay làm phim này, Trần Cảnh Đôn cứ tưởng nghề ô-sin (giúp việc nhà) chưa có tên trong bảng danh mục nghề nghiệp, nên muốn góp một tiếng nói be bé để “tiến cử”.
Phương Thanh trong vai bà Cửu Huyền chuyên "môi giới" ô-sin
Nhưng nay, khi phim sắp phát sóng, trong một dịp tình cờ, đạo diễn này phát hiện ra trong Quyết định số 114/ 1998/QĐ-TCTK, ban hành ngày 29/9/1999 đã có tên nghề giúp việc nhà, mã số 9/1/3/1. “Tôi hạnh phúc vì mình có một phim truyền hình về ô-sin, một nghề còn bị xã hội xem nhẹ, nay thì càng hạnh phúc hơn khi biết từ 10 năm trước, nghề này đã được pháp luật công nhận, có mã số nghề nghiệp hẳn hoi. Tôi nghĩ các ô-sin nên biết thông tin này để tự bảo vệ quyền lợi và danh dự nghề nghiệp của mình” - Trần Cảnh Đôn tâm sự.
Phim Kính thưa ô-sin xoay quanh gia đình gia giáo một cách kỳ quặc của ông Trịnh Kỳ (danh hài Hoài Linh) với kỷ lục một tháng thay ô-sin 8 lần, nên phải cầu cạnh tới bà Cửu Huyền (ca sĩ Phương Thanh) để tìm ôsin khác. Qua bà Cửu Huyền, một “tập đoàn” người giúp việc được môi giới, từ ông quản gia (ô-sin “cao cấp”) cho đến cô ô-sin sexy và quê mùa Nắng Mai Hồng (Phi Thanh Vân); từ cô ô-sin bất đắc dĩ nhưng yêu nghề Như Mây (Trang Nhung) đến chàng ô-sin không đụng hàng A Nừng (Hiếu Hiền)... Tất cả ô-sin đều được bà Cửu Huyền bảo hành 6 tháng. |