21/05/2013 12:25 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Với câu chuyện của Đàn Xã Tắc, rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng về việc Hà Nội đang thiếu vắng một bản quy hoạch khảo cổ chi tiết và khoa học. Thế nhưng, ít người biết, một công trình tâm huyết về vấn đề này đã được giới khảo cổ soạn ra cách đây tròn 10 năm.
Trường hợp Đàn Xã Tắc gây rất nhiều rắc rối vì thiếu quy hoạch khảo cổ
Nôm na, quy hoạch khảo cổ có thể hiểu như một bản đồ về hệ thống di tích “ngầm” dưới lòng Hà Nội, kèm theo những thông số tương đối chuẩn xác về diện tích, tính chất, hiện trạng... của từng di tích. Thậm chí, theo điều 17 (bổ sung vào năm 2010) của Luật Di sản văn hóa, các địa phương có trách nhiệm xây dựng quy hoạch khảo cổ sẽ phải đưa ra cả kế hoạch thăm dò khai quật, phương án bảo vệ cũng như nguồn lực dự kiến để thực hiện các kế hoạch ấy.
"Nhìn" vào lòng đất nghìn năm
Thế nhưng, ngay từ những năm 2000, ông Lê Viết Chức, lúc đó là Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, đã nghĩ tới vấn đề này và yêu cầu Viện khảo cổ học VN xây dựng một bản khảo cổ ở dạng sơ khai.
“Đó là vào khoảng năm 2000, khi Hà Nội vừa tổ chức kỉ niệm 990 năm tuổi. Anh Chức mời các chuyên gia của Viện tới cùng bàn” - TS Tống Trung Tín (Viện trưởng Viện Khảo cổ) kể - “ Đại ý, theo lời anh, Hà Nội sắp tròn ngàn năm tuổi, nhưng số di sản... nằm trên mặt đất thì còn quá ít. Vì vậy, thành phố rất cần xác định được hệ thống các di sản khảo cổ dưới mặt đất, để khai quật trong thời gian gần, hoặc chí ít là triển khai các biện pháp bảo vệ”.
Khi đó, 2 lãnh đạo của Viện Khảo cổ là GS Hà Văn Tấn (Viện trưởng) và TS Tống Trung Tín (Viện phó) được giao trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình này. Bản đề án có tên gọi rất dài Khảo cổ học với việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc tại Hà Nội. Như lời ông Tín, khái niệm “quy hoạch khảo cổ” vào thời điểm đó còn quá mới mẻ với nhận thức chung ở các cơ quan chức năng. “ Anh Chức là người có tầm nhìn, và lại rất quan tâm tới khảo cổ học nên đã sớm nghĩ tới kế hoạch này”.
Tất nhiên, do những hạn chế khi đó về mặt bằng diện tích, kinh phí, điều kiện tổ chức khảo sát... việc xây dựng “bản đồ khảo cổ” này chỉ tiến hành một cách tương đối. Một phần rất lớn thông tin trong bản quy hoạch được tham chiếu từ các thư tịch cũ và hệ thống tư liệu của các khai quật cũ từng được rải rác thực hiện tại Hà Nội từ năm 1960 trở đi.
Ngoài ra, cũng do đặc thù của những năm 2000, phần trọng tâm trong bản quy hoạch vẫn là khu vực nội thành Hà Nội ( gồm 4 quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa) và cụm di tích Cổ Loa tại Đông Anh. Những huyện ngoại thành còn lại chưa thể tổ chức khảo sát kĩ như nguyện vọng của các nhà khoa học.
Tới cuối năm 2002, bản đề án này đã hoàn thành. Theo TS Tống Trung Tín, phía thực hiện đã đưa ra những ước đoán ban đầu về vị trí của khu vực Hoàng thành Thăng Long hiện nay, cũng như những nơi được dự báo là có dấu vết của vòng La thành thời thế kỉ X- XIV. Sơ bộ, nghiên cứu này tạm phác họa khu vực đậm đặc di tích nhất của Hà Nội bao gồm phần diện tích được giới hạn bởi đường Hoàng Hoa Thám phía Bắc, trục Bưởi - Cầu Giấy - Đê La thành - Ô Chợ Dừa - Ô Đống Mác phía Tây- Nam và trục đê sông Hồng cũ ở phía Đông. Khu vực này lại được tạm chia thành 3 phần A, B, C khác nhau về độ phân bổ của các di tích, trong đó phần “lõi” là vùng tạm giới hạn bởi các phố Phan Đình Phùng - Trần Phú - Thuốc Bắc - Ngọc Hà bây giờ.
Công sức dở dang
Sau khi hoàn thành, bản đề án trên đã được chuyển lại cho các cơ quan chức năng vào năm 2003. Điều đáng tiếc, do chưa có quy định bắt buộc tại Luật Di sản văn hóa, bản đề án trên không được “luật hóa” để có sự liên thông với các phương án xây dựng, quy hoạch đô thị sau đó. Các chuyên gia của Viện Khảo cổ cũng không nhận được yêu cầu và kinh phí để tiếp tục nghiên cứu sâu và hoàn thiện bản “quy hoạch khảo cổ” này ở mức chi tiết hơn.
Tuy nhiên, công sức của ông Tín và Viện Khảo cổ không bỏ ra vô ích. Năm 2003, khi đào móng xây dựng nhà Quốc hội tại Ba Đình, một hệ thống di tích dày đặc đã phát lộ. Theo lời TS Tín, bản quy hoạch cũ chính là cơ sở để giới khảo cổ kiên quyết cho rằng khu vực vừa tìm thấy chính là phần trung tâm của Hoàng thành Thăng Long cũ.
“Chúng tôi trình bản quy hoạch khảo cổ cũ này trước Chính phủ và Bộ Xây dựng, và từ đó lần lượt đề nghị được tiếp tục đào hố thám sát, rồi khai quật mở rộng, khai quật tổng thể...” - ông Tín kể. “Mọi chuyện còn lại sau đó, cho đến khi Hoàng thành được UNESCO công nhận, khảo sát mở rộng, thì dư luận và báo chí đã nhắc tới nhiều rồi”.
Đến thời điểm này, khi nhu cầu xây dựng quy hoạch khảo cổ được đặt ra một cách rất bức thiết với Hà Nội, ông Tín cho rằng bản "quy hoạch" cũ vẫn có giá trị sử dụng tương đối cao. Theo đánh giá của cá nhân, cộng cùng với những tư liệu khảo cổ thu thập trong 10 năm qua, những chuyên gia khảo cổ có thể tập trung tối đa trong thời hạn trên 2 năm để hoàn thành kế hoạch này.
Được biết, UBND TP Hà Nội cũng đang có lên giao Viện Khảo cổ xây dựng một bản quy hoạch khảo cổ "chuẩn" và mọi việc có thể được bắt đầu vào cuối năm 2013 này.
Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất