28/04/2025 15:59 GMT+7 | Văn hoá
Chiều 28/4, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển (1975-2025)”.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chỉ đạo Hội thảo.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam về hòa giải, hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước, về đại đoàn kết toàn dân tộc; coi người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; coi văn học nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Tất cả vì mục tiêu cao nhất là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hội thảo văn học, nghệ thuật của người Việt, người gốc Việt ở nước ngoài sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng đã phân tích, nhấn mạnh những nội dung quan trọng trong các nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đồng bào ở nước ngoài như Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 29/11/1993 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2024 của Bộ Chính trị… thể hiện quan điểm của Đảng trong tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia-dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tin tưởng, qua Hội thảo này, văn học, nghệ thuật của đất nước, trong đó có văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài, sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn trên tinh thần dân tộc, khoa học, dân chủ, nhân văn. Đổi mới mạnh mẽ chủ đề, nội dung, phương pháp sáng tác; hoạt động lý luận, phê bình, dịch thuật; phát huy ưu điểm, kết quả, khắc phục hạn chế, bất cập, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: Từ năm 1945 trở về trước, số người Việt Nam sống và làm việc ở nước ngoài không nhiều, trong đó, số người Việt, gốc Việt tham gia sáng tạo văn chương, nghệ thuật ở nước ngoài còn ít. Có thể kể đến Kiến trúc sư Nguyễn An, còn gọi là A Lưu, đầu thế kỷ XV là Tổng công trình sư xây dựng 9 tòa tháp tại 9 cổng của Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc; là các nhà ngoại giao viết thơ, viết văn như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Phan Huy, Trịnh Hoài Đức, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Quang Bích...
Đến thời cận - hiện đại là sáng tác mỹ thuật của vua Hàm Nghi bị lưu đày xa xứ; là các nhà cách mạng, nhà văn hóa tiêu biểu như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Lê Văn Miến, Lê Thành Khôi, Phạm Văn Ký, Trần Văn Khê, Trương Trọng Thi, Lê Bá Đảng…
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Từ sau 1945 đến 1954, số trí thức, văn nghệ sỹ người Việt Nam sinh sống và hoạt động văn học, nghệ thuật ở nước ngoài dần tăng; từ thập niên 1960 trở đi tăng đáng kể, tập trung chủ yếu ở Liên Xô (trước đây) và các nước Đông Âu.
Sau năm 1975 địa bàn chủ yếu là Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Australia, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á... Sáng tác của trí thức, văn nghệ sỹ người Việt Nam cũng đa diện, đa thanh, đa sắc hơn. Ở chiều ngược lại, một số nhà khoa học, văn nghệ sỹ người Việt Nam hay gốc Việt cũng về nước làm việc, tham dự hội thảo, giao lưu nghệ thuật, sinh sống lâu dài ở quê hương. Dẫu sống xa Tổ quốc, là thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhưng phần đông đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc, trong đó có giới trí thức, văn nghệ sỹ đều mang trong mình dòng máu Việt, văn hóa Việt, hồn cốt Việt, luôn hướng về quê hương. Công chúng của họ cũng không bó hẹp trong cộng đồng người Việt mà mở rộng ra nhiều nơi trên thế giới.
TS Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Không ít văn nghệ sỹ người Việt rất nổi tiếng ở nước ngoài, sau bao nhiêu năm xa quê, đã mong ước về lại quê hương như Giáo sư Trần Văn Khê, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị và nhiều người khác…
Bên cạnh những nỗ lực và kết quả rất đáng ghi nhận đã nêu, theo ông Nguyễn Thế Kỷ, quá trình hướng về, quay về với đất nước, với cội nguồn; những gắng gỏi để hòa giải, hòa hợp, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai trong một bộ phận văn nghệ sỹ người Việt Nam ở nước ngoài với trong nước vẫn còn có một số rào cản, trở ngại; có khoảng cách về tâm lý, do mặc cảm; do những khác biệt về quan điểm đã có từ rất lâu; do bị một số luận điệu tuyên truyền có tính lừa dối, kích động. Một số người có quan điểm cực đoan, thậm chí, thù địch.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài với diễn trình phát triển văn học, nghệ thuật qua các giai đoạn lịch sử, nhất là từ năm 1975 đến nay; nhận diện đội ngũ các văn nghệ sỹ; đi sâu vào từng loại hình văn học, nghệ thuật; các khu vực sinh sống, hoạt động văn nghệ; chủ đề, nội dung, phương pháp sáng tác; hoạt động lý luận, phê bình, dịch thuật; chỉ ra ưu điểm, kết quả và hạn chế, bất cập, lý do của hạn chế, bất cập. Các tham luận cũng nêu những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam; với lãnh đạo của nước sở tại để khuyến khích, tạo điều kiện cho việc phát triển văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc để tạo ra bước phát triển tốt hơn trong những năm tới.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất