Để sân khấu 'bắt tay' cùng du lịch

21/06/2022 07:00 GMT+7 | Văn hoá

Tất nhiên, mảng sân khấu ở đây chủ yếu gắn với nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, múa rối - vốn là món ăn “lạ miệng” với du khách quốc tế. Và cũng tất nhiên, từ rất lâu, sân khấu của chúng ta đã tính tới điều này - chứ không chỉ ở giai đoạn kích cầu để phát triển du lịch thời hậu Covid-19 như hiện tại.

Sân khấu kịch đang thiếu nhân vật trẻ

Sân khấu kịch đang thiếu nhân vật trẻ

Những năm gần đây, khi xem kịch người ta thấy những nhân vật trung tâm của vở diễn đều ở lứa tuổi trung niên hoặc già, hiếm thấy nhân vật trẻ, hoặc vấn đề của người trẻ. Trong khi đó, khán giả trẻ mới thật sự là khán giả tương lai của sân khấu.

Thế nhưng, cái “bắt tay” được mong đợi ấy vẫn còn rất lỏng lẻo - như nội dung được nhắc tới trong cuộc tọa đàm Sân khấu truyền thống với du lịch do Câu lạc bộ Nhà báo Sân khấu tổ chức vào cuối tuần qua, với sự tham gia của nhiều Nhà hát.

lỏng lẻo, bởi ngoại trừ múa rối nước phần nào “đắt hàng” trong việc phục vụ du khách, nhiều chuyên ngành sân khấu khác trong nhiều năm qua vẫn lận đận với hành trình này, dù đã rất nhiều lần thử xây dựng chương trình hoặc kết nối làm việc với các hãng lữ hành. Và những thử nghiệm ấy cũng cho thấy nỗ lực tột bậc của các đơn vị sân khấu truyền thống trong việc đưa nghệ thuật tiếp cận với khách quốc tế.

Đơn cử, để bù lại cho “nhược điểm” có lời thoại và diễn xuất đặc thù (khác với múa rối không cần thoại nên dễ xem, dễ hiểu), Nhà hát Tuồng Việt Nam từ nhiều năm trước đã làm các tờ giới thiệu in nhiều thứ tiếng để phát cho khách quốc tế trước đêm diễn, thậm chí làm cả bảng phụ đề chiếu song song với chương trình. Thế nhưng, nỗ lực đó cũng chỉ giúp các chương trình biểu diễn ở rạp Hồng Hà - nơi liền kề khu phố cổ - thu hút khách du lịch được một thời gian.

Chú thích ảnh
Tiết mục múa rối "Sự tích Hồ gươm". Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN

Hoặc, Nhà hát Chèo Việt Nam cũng đã xin ý kiến các công ty du lịch, lữ hành và xây dựng nhiều chương trình đa dạng, với thời lượng linh hoạt từ 15 phút, 30 phút, 45 phút hay 1 tiếng tùy theo từng đối tượng hợp đồng với các tour khác nhau. Thậm chí, như khẳng định của lãnh đạo Nhà hát, để có khách trong thời gian đầu, các chương trình này sẵn sàng chấp nhận mức thù lao rất “tượng trưng”. Thế nhưng, những thử nghiệm này vừa nhen nhóm thì cũng phải dừng lại do đại dịch.

***

Nhưng, cũng cần nói thêm, dù khó thu hút du khách quốc tế tới Nhà hát, nhưng khi mang các tiết mục nhỏ lẻ vào biểu diễn miễn phí tại phố đi bộ thì tuồng, chèo, và cả cải lương của Việt Nam lại luôn nhận được sự trầm trồ, hưởng ứng từ du khách nước ngoài. Có nghĩa, sự lận đận đang có không hẳn là vấn đề về chất lượng của các loại hình sân khấu truyền thống.

Nó gắn với một thực tế mà nhiều chuyên gia đã chỉ ra trong cuộc tọa đàm: Đã qua giai đoạn các chương trình biểu diễn phục vụ du khách được thiết kế dựa trên việc rút ra từ những gì có sẵn trong kịch mục của các nhà hát. Trong bối cảnh mới, đó phải là những sản phẩm được đầu tư chất xám để xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu giải trí của du khách đương đại mà vẫn vẹn nguyên được phần bản sắc, giá trị đặc thù.

Và nữa, đó còn phải là những mô hình có sự kết nối chặt chẽ với các công ty du lịch, đồng thời tạo ra hệ sinh thái đồng bộ để đáp ứng mọi nhu cầu và quỹ thời gian của khách du lịch. Có nghĩa, mọi thứ không thể chỉ đơn giản là dựng tiết mục, và “đặt hàng” để các tour du lịch đưa khách tới xem.

Những yêu cầu ấy gắn với những bài toán riêng cho từng đơn vị sân khấu truyền thống và đòi hỏi các nghệ sĩ phải tự tìm ra lời giải riêng phù hợp với đặc thù và hoàn cảnh của mình, bên cạnh lòng yêu nghề và sự tận tụy. Khó, nhưng đó cũng là quãng đường mà sân khấu truyền thống phải đi qua, trong bối cảnh công nghiệp văn hóa đang được chú trọng đề cao như hiện tại.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm