Để những “kỷ vật sống” vượt lên sinh, lão, bệnh tử...

16/03/2008 09:25 GMT+7 | Tin di sản

Cây đa Tân Trào gẫy cành

Di tích cây đa Tân Trào đang có nguy cơ mất đi vĩnh viễn... Liên tiếp có những thông tin đáng quan ngại như thế được đưa ra khiến các cơ quan hữu quan đều hết sức lo âu trong việc bảo tồn “di tích sống” này.

Đành rằng quy luật tự nhiên là như vậy, nhưng không thể viện vào đó để mặc cho những “kỷ vật sống” (mà cây đa Tân Trào chỉ là một ví dụ) đơn độc chống chọi với tự nhiên khắc nghiệt, với những “căn bệnh” tuổi già của nó.

* Từ sự "trường tồn" của cây đào Tô Hiệu...

Từ hiệu ứng cây đa Tân Trào, chúng tôi vội về với cây đào Tô Hiệu trong khuôn viên di tích Nhà tù Sơn La. Trải qua hơn 60 năm, cây đào do người chiến sỹ cách mạng này để lại trong “kẽ tường nhà ngục” đã trở thành một biểu tượng cho ý chí, tinh thần và sức sống của người chiến sỹ cách mạng Việt Nam:

Rớt xuống trang thơ tôi
Cánh hoa đào phớt đỏ
Chiều Sơn La lộng gió
Tôi nghe hoa thì thầm...

(Cây đào Tô Hiệu, thơ Tố Hữu)

Thật bất ngờ, so với năm 2002, là dịp chúng tôi ghé thăm, cây đào Tô Hiệu hôm nay đã tỏa bóng xum xuê. Sự tươi tốt ấy không phải tự nhiên mà có.
Cây đào Tô Hiệu trường tồn do các nhánh mới nẩy lên từ gốc cũ
 
Ông Ngô Duy Ứng, Giám đốc Bảo tàng cho biết: Cây đào mà mọi người đang chiêm ngưỡng là nhánh cây mới nẩy lên từ gốc cũ do đồng chí Tô Hiệu trồng. Theo người dân ở đây thì vòng đời thông thường của cây đào chỉ khoảng 30-40 năm, nhưng cũng có những cây không chết, mà gốc của nó lại nẩy nhánh mới (giống như một “đời” mới).
 
“Chúng tôi sẽ làm văn bản
 trình UBND tỉnh cho
phép lập dự án diệt côn
trùng và bảo vệ cây đào
Tô Hiệu, cùng hàng loạt
các cây quý khác trong
các di tích trên địa bàn
như: cây đa Bản Hẹo, cây
đa Pác Ma, cây đa
Mường Hung...Đó đều là
những “di tich sống” cần
phải giữ gìn"
 (Ông Ngô Duy Ứng
 GĐ Bảo tàng Sơn La
 
Cây đào Tô Hiệu là một trường hợp tương tự. Khi cây đào nẩy ra các nhánh “đời thứ 3”, chúng tôi giữ lại một nhánh, còn một nhánh thì tách riêng ra đem trồng ở một khu đất tốt hơn để đẩy nhanh tốc độ phát triển của nó. Sau đó, chúng tôi lại đánh về trồng vào vị trí cũ. Kết quả là cây đào Tô Hiệu hiện nay đã có 2 nhánh đan vào nhau, cao tới 5-6m!
 
Dầu vậy, ông Ứng cũng hết sức đau đầu vì mối và kiến vẫn tiếp tục tấn công cây đào. Dưới gốc cây có các tổ mối (vì khu vực này rất nhiều mối. Bảo tàng phải thường xuyên diệt mối bằng phương pháp thủ công (dùng que nhọn để giết mối, dùng bình xịt để đuổi kiến...). Trước tình hình này, có một nhà khoa học đã có văn bản gửi tới Bảo tàng đề nghị phối hợp thực hiện.
 
 
Riêng với cây đào Tô Hiệu chúng tôi luôn luôn có phương án dự phòng nhằm giữ gìn ngay cả trong trường hợp xấu nhất (cây bị đổ, gãy...)

*Một loại hình “di tích” đặc biệt

Không phải “kỷ vật sống” nào cũng được chăm chút hữu hiệu như cây đào Tô Hiệu. “Cây Gạo tình yêu” ở bãi Tự Nhiên ven sông Hồng, tương truyền là nơi Tiên Dung gặp Chử Đồng Tử, có tuổi cả ngàn năm cũng đã bị chết khô cách đây không lâu.

"Cây gạo Tình yêu" - tương truyền là nơi Tiên Dung
gặp Chử Đồng Tư cũng đã chết khô

Cây Dã hương nghìn tuổi (cổ thụ nhất nước ta và thứ hai thế giới) ở Bắc Giang, chục năm trước, từng bị lửa thiêu cháy (phải điều xe cứu hỏa đến mới dập tắt được), vừa qua lại bị sâu cước ăn trụi hết lá, cho đến nay vẫn chưa thoát khỏi nạn mối xông....

Cây Dã Hương ngàn tuổi

Không đồ sộ, hoành tráng, cũng không có tuổi đến hàng ngàn năm, nhưng khóm mẫu đơn trong di tích Phạm Đình Hổ ở làng Đan Loan (Hải Dương) lại rất giàu ý nghĩa. Phạm Đình Hổ là tác giả của “Vũ trung tùy bút” từng giữ chức Tế tửu (tương đương Hiệu trưởng) của Quốc Tử Giám. Lầu bình thơ, ao bán nguyệt cùng cây mẫu đơn trong vườn nhà ông đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa- là nơi in đậm dấu ấn của con người tài hoa này- cây mẫu đơn còn là biểu tượng cho “mỹ cảm” văn chương rất tinh tế của ông. Thế nhưng, trong lần về thăm di tích này cách đây không lâu, tôi rất bất ngờ thấy cây mẫu đơn vẫn nằm bên bờ đất lở lói cạnh một ruộng nước, thường bị cá trắm rỉa gốc. Con cháu danh nhân muốn mua ít gạch để “be” lại gốc cho “kỷ vật sống” này mà vẫn chưa làm được.

Khóm mẫu đơn của cụ Phạm Đình Hổ
Ai đã đến khu di tích Côn Sơn  (Chí Linh- Hải Dương) đều được nghe câu chuyện "ông trồng thông, bà trồng giễ". Ông ở đây là ông Trần Nguyên Đán, danh nhân thời Trần và là ông ngoại của Nguyễn Trãi. Tương truyền rừng thông Côn Sơn hiện nay là "di sản" 700 năm do cụ Trần để lại (Trong rừng thông mọc như nêm/ Tìm nơi bóng mát, ta lên ta nằm"- (Côn Sơn ca- Nguyễn Trãi). Nhưng rừng thông ở đây cũng không tránh khỏi nạn... cháy! Đây là một gốc thông cổ thụ bị cháy đến tận lõi mà tôi chụp được cách đây mấy năm
Cây thông bị cháy
 
 
Không chỉ các kiến trúc bằng gạch, đá mới phải bảo tồn, đã đến lúc chúng ta phải xác định những “kỷ vật sống” này là một loại hình “di tích” đặc biệt phải có chiến lược bảo tồn riêng, để góp phần giúp chúng vượt qua được “sinh lão bệnh tử".
 
Nguyễn Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm