Đề nghị đào khảo cổ hàng trăm m2

29/05/2010 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - 10 ngày kể từ khi tạm dừng thi công, đoạn Hoàng Thành nằm trên ngã tư Văn Cao – Hoàng Hoa Thám vẫn chưa được tiến hành các thao tác khảo sát cơ bản. Từ đó, việc thi công tuyến cầu vượt qua đoạn đường này cũng rơi vào tình trạng… giẫm chân tại chỗ - dù đã trở thành điểm nóng của dư luận suốt một tháng qua

* Lập phương án xin được khai quật nghiên cứu

Ngày 13/5/2010 - 3 ngày sau khi yêu cầu tạm dừng thi công đoạn đường này, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản cho phép tiếp tục thi công dự án đường Văn Cao ở “ngoài phạm vi nhỏ để nghiên cứu, thu thập hiện vật, đồng thời yêu cầu Viện khảo cổ học Việt Nam phối hợp cùng Sở VHTTDL có nhiệm vụ nghiên cứu, thu thập hiện vật tại phạm vi đã phát lộ.
 
Đoạn Hoàng Thành phát lộ khi thi công đường

Sau khi triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, thu thập hiện vật trong phạm vi trên, các quan sát của Viện khảo cổ cho thấy: việc xây dựng đã làm lộ ra gần như nguyên trạng một vách phía Bắc thành cổ có độ cao khoảng 4,5m. Thành bằng đất đắp, ken những mảnh ngói, gạch, gốm vỡ mà niên đại từ Đại La cho đến thời Lê. Đấy chính là tầng văn hóa khảo cổ quan trọng. Hiện tại trên bề mặt trong quá trình khảo sát, các nhà khảo cổ học đã phát hiện thấy một số lượng lớn di vật như gạch vồ xám, ngói men xanh, gốm sứ men trắng, men nâu nằm rải rác trên mặt công trường đang thi công.

TS Hà Văn Cẩn (Viện khảo cổ học) là người có trách nhiệm trực tiếp theo dõi và tiến hành công việc này cho biết, đoạn thành cổ này chính là La Thành - vòng thành ngoài cùng của kinh thành Thăng Long thời Lý Trần (thế kỷ X - XIV) và là vòng Hoàng thành Thăng Long thời Lê Sơ (thế kỷ XV). Ngoài ra, khu vực này cũng có đầy đủ các dấu hiệu cho thấy về một vùng cư trú có niên đại từ Đại La cho đến nay với mật độ khá dầy. Từ tầm quan trọng và giá trị văn hóa – lịch sử như vậy, để lập hồ sơ nghiên cứu chính xác, việc khai quật cần được tiến hành cẩn thận và bài bản theo đúng quy trình khảo cổ học.

Chiều 18/5, đại diện Viện khảo cổ, Sở VH,TT&DL Hà Nội cùng các cơ quan hữu quan đã có cuộc họp khẩn trương để bàn giao mặt bằng. Trên thực tế, việc thi công được triển khai tại nút giao thông Văn Cao – Hoàng Hoa Thám bao gồm đoạn đường Văn Cao kéo dài nối đến Hồ Tây cắt xuyên qua La Thành và phần cầu vượt Hoàng Hoa Thám đang được thi công và “đè” vào đoạn thành cổ có kết cấu gồm 2 mố cầu và 2 thân trụ. Hiện tại, việc san ủi mặt bằng và đổ bê tông tại một mố cầu đã được hoàn thành. (Cũng từ đây, đoạn thành cổ phát lộ, bị xúc đổ một phần và thu hút sự chú ý của các cơ quan chuyên môn). Phần mặt bằng dự kiến được đào sâu để đặt 2 trụ và 1 mố cầu còn lại được tạm dừng thi công và bàn giao cho Viện khảo cổ phối hợp cùng Sở VHTT&DL lập phương án xin được khai quật nghiên cứu. Phần đường chạy trên mặt đê không đào sâu xuống dưới nên không ảnh hưởng tới di tích và vẫn có thể thi công bình thường.

* Tất cả chờ… UBND TP.Hà Nội!

“Theo đúng nguyên tắc căn cứ theo luật Di sản và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, việc xin khảo sát của Viện khảo cổ sẽ phải tiến hành theo 2 bước. Bước thứ nhất là báo cáo, xin phép được khai quật lên cơ quan có thẩm quyền. Sau khi cấp thẩm quyền có quyết định đồng ý, chúng tôi phải tiếp tục lập dự án chi tiết, báo cáo và trình phê duyệt để có thể tiến hành khai quật” - ông Cẩn cho biết.

Viện khảo cổ đã phối hợp với Ban quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội xây dựng phương án xử lý mặt bằng và đào khảo cổ tại khu vực nút giao thông Văn Cao - Hồ Tây. Hiện tại, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng, Sở VH,TT&DL đã trình báo cáo lên UBND TP. Hà Nội. Tuy nhiên, hiện tại, UBND TP.Hà Nội vẫn chưa có văn bản phê duyệt về đề xuất này.
 
Các di vật được thu thập

“Cũng khó có thể đoán được rằng thời gian để lo xong các công đoạn hành chính này là bao lâu” - ông Cẩn nói thêm – Hiện tại, chúng tôi đang nóng lòng chờ quyết định của UBND TP.Hà Nội. Ngay khi dự án khảo sát được chấp thuận, công việc này sẽ diễn ra với cường độ cao, tập trung tối đa nhân lực, vật lực của Viện Khảo cổ học và đặt mục tiêu hoàn thành sau một tháng, trong điều kiện thời tiết tốt”.

Được biết nhóm khảo cổ này dự kiến sẽ mở một mặt cắt có diện tích 50x5 mét dọc thân đê để khảo sát kết cấu và kiến trúc của đoạn thành này. Ngoài ra, 3 hố thám sát cũng sẽ được đào tại những nơi dự kiến đặt mố cầu và 2 trụ, trong đó hố khảo sát đầu tiên có diện tích tối thiểu 100m2, 2 hố còn lại là 50m2. Dự kiến, các hố thám sát đều có độ sâu khoảng 6m – 6,5 m. Về nguyên tắc, rõ ràng lý tưởng nhất là được tổ chức khảo sát trên toàn bộ mặt bằng diện tích tại đây. Tuy nhiên, do tình trạng khẩn trương thi công tại tuyến đường này, chúng tôi chỉ có thể đề xuất được như vậy - ông Cẩn nói.

Theo kế hoạch, sau khi khảo sát xong, các kết luận của Viện Khảo cổ sẽ được chuyển cho Sở VH,TT&DL và UBND TP. Hà Nội để đưa ra phương án giải quyết với đoạn đường này.
 

Chưa khảo cổ mà thi công làphạm Luật

Ngày 27/5, Viện khảo cổ đã có công văn số 149 gửi tới BQL Dự án giao thông Đô thị Hà Nội. Công văn khẳng định: “Viện khảo cổ học chỉ là một đơn vị chuyên môn, phát hiện vấn đề và tư vấn việc thực hiện Luật Di sản văn hóa. Còn việc thực hiện các vấn đề liên quan tới khảo cổ học thì phải chờ ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Trong trường hợp, nếu vì công việc khảo cổ tiến hành chưa được thực hiện mà đơn vị thi công vẫn làm thì đơn vị (đơn vị thi công - TTVH) làm trái với Luật”.

Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm