Để di sản "sống" dễ hay khó?

24/09/2009 16:27 GMT+7 | Tin di sản

(TT&VH) - Nhân cuộc tọa đàm “Để di sản tiếp tục “sống” trong đời sống đương đại” do báo TT&VH tổ chức, 22/9, có một kinh nghiệm điền dã thú vị được nêu ra trong hội thảo, ấy là trong một lần nghe hát kể sử thi, người ta ngạc nhiên thấy nghệ nhân nhắc đến cả máy bay, xe tăng... Vậy đó có phải là “sử thi “dởm” hoặc nghệ nhân “bịa”?  

Có máy bay, xe tăng... trong lời hát sử thi cũng là bình thường!

GS.TS Tô Ngọc Thanh lý giải: “Xin quý vị thông cảm cho các nghệ nhân vì họ đã tỏ ra “biết nhiều thứ”. Tôi đã từng nghe người Thái lên đồng mô tả việc đi tìm hồn bằng cách đi xe ca (xe khách) về Hà Nội. Về Hà Nội tìm không thấy lại đi máy bay sang ... California (bởi vì người Thái cũng có thân nhân ở bên Mỹ). Những cái đó tôi cho là không tránh được. Cho nên việc có sử thi Tây Nguyên nào đó nhắc đến máy bay, xe tăng...thì cũng do nghệ nhân muốn chứng tỏ rằng họ rất cập nhật. Xin được nói cái đó không phải là dởm mà là một tâm lý của nghệ nhân chứng tỏ là mình biết rất nhiều mà thôi!


Nghệ nhân Rối Đầu gỗ trong tiết mục múa rối trình diễn tại cuộc tọa đàm.

Thương mại, du lịch mới “nuôi” được di sản, nghệ nhân

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền bày tỏ: “Từ góc độ nhà nghiên cứu, tôi nói thật nhưng hoàn toàn không vĩ mô để nó trở nên đơn giản đi, đơn giản như cuộc đời một nhà nghiên cứu như tôi, như chúng tôi khi nhìn thấy nghệ nhân và biết được họ cần gì để họ sống và làm thế nào để di sản sống.

Chúng ta không đóng khố, không mặc áo the khăn xếp, không nhuộm răng đen, không búi tó, cài trâm mà tại sao chúng ta cứ bắt đồng bào phải ở nhà rông, mái lá mãi thế? Chúng ta đang “Tây hóa” rồi mà tại sao lại cứ ước mong đồng bào phải “ở khổ” như vậy? Hô hào bảo vệ di sản vậy thực sự các vị có thích di sản không? Hô hào cộng đồng, vậy cộng đồng là ai? Là chúng ta chứ ai! Chúng ta có thích di sản không mà cứ đòi người khác phải thích? Muốn Ca trù là Di sản thế giới nhưng đã có mấy ai đi xem Ca trù bao giờ chưa?...

Rõ ràng chúng ta không thể bắt các em thích hay phải hát Quan họ, Ca trù, Tuồng... Đó là cả một kho tàng của cha ông, chúng ta phải tổ chức giáo dục chuyển biến dần dần vì chúng ta đã bị “chặt đứt” (mối liên hệ) với nền âm nhạc của cha ông trong hơn nửa thế kỷ. Ông bà chúng ta còn nghe, nhưng đến bố mẹ chúng đã không nghe nữa, đến chúng ta nghe mang máng, đến con cái chúng ta thì chúng nghe...thấy “mới cứng”! Và chúng ta cũng không nên đòi hỏi ở một con người ngày nay phải vừa biết nghe  Quan họ, vừa phải nghe Cải lương, vừa phải thưởng thức cồng chiêng... tất tần tật mọi thứ thế. Ở cái Hà Nội này, có được một hai trăm người yêu Ca trù thực sự đã là quý lắm đối với Ca trù rồi.

Mỗi di sản sẽ có lượng khán giả nhất định, và di sản ở vùng nào thì hãy làm (lôi kéo khán giả) ở vùng ấy và theo thời gian, chúng ta hãy nhân   lượng khán giả ấy lên. Nên đưa di sản vào trong thương mại, du lịch bởi có như vậy thì mới “nuôi” được chính di sản và nghệ nhân hoặc người làm công tác bảo tồn. Chỉ có điều chúng ta phải làm như thế nào vẫn đảm bảo được đây vừa là sản phẩm thương mại vừa là sản phẩm nguyên chất”.

Truyền dạy về di sản phải đúng như truyền thống

TS Nguyễn Xuân Diện (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) nhận định: “Thực trạng di sản trong đời sống đương đại lại đáng báo động, cụ thể ở những biểu hiện sau:

- Nghệ nhân dân gian đã già, đã mất, lớp trẻ chưa được truyền dạy. Nghệ nhân không còn sống được bằng nghề.

- Không gian văn hóa, môi trường của các di sản này đều đã thay đổi, không như trước nữa.

- Các di sản văn hóa đã bị biến đổi, áp đặt thêm những yếu tố mới, mà quá trình tiếp nhận này không được diễn ra một cách tự nhiên, không phải là đề xuất của chủ thể di sản.

Hàng loạt các lễ hội truyền thống gần đây đã bị không ít người yêu di sản văn hóa rất phản đối. Riêng những lễ hội do Viện Văn hóa Nghệ thuật (thuộc Bộ VH - TT&DL) lên kịch bản đã có: Lễ tịch điền, Lễ hội đền Lảnh Giang, Lễ hội đền Kiếp Bạc và sắp tới đây là lễ hội đền Trần Thương.

Để di sản tiếp tục sống trong đời sống đương đại là một câu hỏi cần được đặt ra với các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách: từ việc truyền dạy, tôn vinh đến việc giới thiệu quảng bá di sản.

Công việc truyền dạy về di sản trước hết phải được tiến hành đúng như truyền thống, tức là dạy theo lối truyền khẩu, không cốt lấy nhanh để báo cáo, cho kịp một dịp lễ lạt nào đó (trường hợp dạy Ca trù chỉ trong 2 tháng là khó đạt được hiệu quả). Về việc tôn vinh ư? Phải được coi là một việc làm thường xuyên, đúng người. Tôn vinh bằng tiền lương và chế độ bảo hiểm; bằng sự trân trọng thực sự: tôn trọng không gian, cách thức hành nghề, cách truyền nghề...

Gần đây, chúng ta đang có xu hướng phân chia rạch ròi văn hóa vật thể và phi vật thể. Cách phân chia này cũng để tiện cho việc kiểm kê, đánh giá, định vị...Nhưng nếu tuyệt đối hóa khái niệm này thì sẽ rất khó khăn trong việc gìn giữ các di sản văn hóa của tổ tiên.

Các đình, chùa, đền, miếu, hay nhà rông, nhà gươl là những di sản văn hóa vật thể. Nhưng mỗi một ngôi đình, đền, chùa... này lại không đơn giản chỉ là một hiện vật bảo tàng, mà xung quanh đó, hàng ngày, hàng giờ vẫn diễn ra các sinh hoạt tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Vì vậy, nó chính là một bảo tàng sống động về văn hóa. Nơi ấy diễn ra những đêm hát Chèo, các lễ hội, các buổi lên đồng, kể Khan.v.v. Chính vì vậy, gìn giữ không gian văn hóa chính là để cho di sản văn hóa được gìn giữ, nuôi nấng, bảo vệ trong đời sống đương đại”.

PV - Huy Thông (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm