04/10/2024 13:18 GMT+7 | Văn hoá
Cuốn sách Chuyến thăm Hà Nội (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật) kể về chuyến đi của nữ nhà văn người Mỹ Susan Sontag đến Hà Nội vào tháng 5/1968 với tư cách một người ủng hộ phong trào phản chiến ở Mỹ trong thập niên 1960. Cuốn sách là 1 trong 3 tác phẩm chính thức được đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 17 - 2024. Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) vào 8/10 tới.
Nếu chỉ dừng lại ở nhan đề Chuyến thăm Hà Nội, cuốn sách này mang đến hình dung của một ký sự viết về chuyến đi mang tính chất thăm thú, tản mạn. Thế nhưng, tác phẩm này có sức nặng hơn thế. Đọc nó, ta thấy đích thực là một bút ký có tính tư tưởng viết về trải nghiệm, cách nhìn của một trí thức người Mỹ về Hà Nội, rộng ra là cả miền Bắc Việt Nam, con người Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh cam go.
Từ một phát hiện tình cờ…
Tháng 1/1968, cùng với hơn 500 nhà văn và nhà báo, Sontag ký vào bản cam kết "Không đóng thuế phục vụ chiến tranh Việt Nam". Tháng 5/1968, Sontag tới thăm miền Bắc Việt Nam và sau khi trở về, bà viết tiểu luận Trip to Hanoi (Chuyến thăm Hà Nội) xuất bản lần đầu trên tạp chí Esquire vào tháng 12/1968.
Phiên bản tiếng Việt của Chuyến thăm Hà Nội lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam, do Thư viện Nguyễn Văn Hưởng mua bản quyền và tổ chức biên dịch, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật xuất bản.
Đáng nói, sự xuất hiện lần đầu tiên của cuốn sách này tại Việt Nam cũng từ một cơ duyên hết sức tình cờ. Bà Phạm Thanh Trà, Phó giám đốc Thư viện Nguyễn Văn Hưởng cho biết, trong quá trình xây dựng Thư viện Nguyễn Văn Hưởng (thư viện do Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng sáng lập năm 2019, lưu giữ nhiều tư liệu bằng tiếng Anh của các tác giả Mỹ và phương Tây viết về chiến tranh Việt Nam), cuốn sách Trip to Hanoi tình cờ được tìm thấy trong những thùng sách.
"Chúng tôi bị thu hút bởi một cuốn sách nhỏ xinh, rất mỏng, bìa trắng, chữ đỏ và không có hình minh họa. Nhưng ấn tượng hơn có lẽ là tên của Susan Sontag - một tác giả người Mỹ đã rất nổi tiếng với những tác phẩm về xã hội, triết học, về phê bình nghệ thuật. Càng bất ngờ hơn, khi chúng tôi biết bà đã từng đến Hà Nội" - bà Trà nhớ lại - "Từ những bất ngờ đó, chúng tôi quyết định xuất bản cuốn sách này như một cảm hứng, không có chủ định từ trước. Thay vì suy tính quá nhiều, thời điểm đó, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản, đây là một tác phẩm độc đáo của một tác giả được nhiều người Việt Nam yêu thích. Khi xuất bản, cuốn sách có thể gây được hiệu ứng thu hút với độc giả".
Tháng 10/2020, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng tiến hành xin bản quyền và tổ chức dịch cuốn sách. Thời điểm này, bà Trà được đơn vị nắm bản quyền cuốn sách ở Mỹ cho biết, Chuyến thăm Hà Nội được nhiều đơn vị khác ở Việt Nam hỏi mua bản quyền. Sau thời gian khá dài đàm phán và thương lượng, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng đã mua thành công bản quyền cuốn sách để xuất bản tại Việt Nam.
Không chỉ khó khăn trong việc mua bản quyền, theo đại diện của Thư viện Nguyễn Văn Hưởng, quá trình tổ chức dịch cuốn sách này cũng mất nhiều công sức. "Việc dịch không chỉ nằm ở vấn đề ngữ nghĩa, mà còn phải thể hiện đúng tinh thần, cảm xúc mà tác giả muốn truyền tải. Qua 2 bản dịch thử không hoàn toàn ưng ý, phải đến bản dịch của dịch giả Phan Xích Linh, chúng tôi mới thật sự cảm nhận được chân dung Hà Nội và chân dung Susan Sontag sống động và chân thực trong tác phẩm" - bà Trà cho hay.
Sau quá trình thẩm định, biên tập kỹ lưỡng, bản dịch được Thư viện Nguyễn Văn Hưởng gửi đến NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, từ đó cuốn sách chính thức được giới thiệu đến bạn đọc vào tháng 2/2024.
Cả những ám ảnh lẫn cảm tình
Trái với hình dung từ nhan đề Chuyến thăm Hà Nội, trong cuốn sách này tác giả Susan Sontag không đi sâu miêu tả từng sự kiện, từng cảnh vật mà bà quan sát thấy ở Hà Nội. Đặc biệt hơn thế, bà dành phần lớn những trang viết của mình để giãi bày những suy tưởng, những câu chuyện mang tầng tầng lớp lớp ý nghĩa. Ở góc độ này, Chuyến thăm Hà Nội đúng nghĩa là một tự sự về tâm trạng của một trí thức Mỹ đầy ngổn ngang, mâu thuẫn khi lần đầu tiên được tiếp xúc với một Việt Nam "bằng xương bằng thịt".
Thế nhưng, dẫu có là một tự sự được viết bằng góc nhìn cá nhân đầy chân thực, thẳng thắn, thậm chí có phần gai góc nhưng trong Chuyến thăm Hà Nội không thiếu đi những hình ảnh đầy sức gợi về Hà Nội của một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Để rồi, chỉ cần bằng những trải nghiệm đầu tiên cũng đủ khiến những người từ phía ngoài có tình cảm đặc biệt với thành phố này.
Ví như ngay từ những trang đầu tiên của cuốn sách, nữ tác giả người Mỹ này đã có những chi tiết miêu tả Hà Nội rất kỹ lưỡng khi lần đầu tiên bà được đặt chân đến một vùng đất mới. "Rời phi trường một quãng đường ngắn, đoàn xe lắc lư chạy vào một con đường đất gồ ghề dẫn xuống chiếc cầu phao hẹp rung lên bần bật được bắc qua sông Hồng thay cho một cây cầu sắt đã bị bom giật sập. Xe nhích từng chút một qua cầu, nhưng sang đến bờ bên kia thì dường như chạy quá nhanh và khi vào tới Hà Nội thì lướt qua những con phố mờ tối, vụng về rẽ lối giữa dòng người đạp xe không rõ nhân hình, cho đến khi dừng lại trước khách sạn của chúng tôi".
Và, Hà Nội sáng rõ hơn với Sontag vào sáng đầu tiên ở nơi đây. Bà viết: "Hình ảnh ban đầu đầy ám ảnh của Hà Nội về đêm trong thời chiến đã được điều chỉnh bằng những trải nghiệm bình thường hơn vào ban ngày. Khách sạn Thống Nhất thu về kích cỡ bình thường; những gương mặt già trẻ, lớn bé, muôn hình muôn vẻ trồi lên từ dòng người cùng đi bộ hay đạp xe trong yên lặng; và Hồ Nhỏ (Hồ Hoàn Kiếm) cùng những con phố rợp bóng cây quanh đó trở thành chốn khuây khỏa thường nhật, nơi chúng tôi lang thang mà không cần người chỉ đường bất cứ khi nào trời không quá nóng…".
Cũng chỉ bằng có từng ấy những hình ảnh, trải nghiệm đầu tiên với Hà Nội như thế, mà chính Sontag đã thành thực rằng: "Dù cách xa đến thế và khác đến thế những thành phố mà tôi biết ở Mỹ và châu Âu, nhưng Hà Nội đã nhanh chóng tạo được cảm tình thân quen kỳ lạ…".
Một hành trình tư tưởng
Trên nền những trải nghiệm đầy ấn tượng, thậm chí có phần xa lạ ở thành phố này, Chuyến thăm Hà Nội sâu hơn và chính xác hơn là một hành trình tư tưởng của Susan Sontag. Nó khiến cho bà "không bao giờ có thể trở lại như trước được nữa", và trong tâm trí bà, "cách mạng chỉ vừa mới bắt đầu" và sẽ còn tiếp diễn.
Trước khi đến Hà Nội, khi nhìn Việt Nam từ xa, Sontag viết: "Nhiều năm đọc sách báo và xem phim thời sự đã gom góp trong đầu tôi một tập hợp những hình ảnh hỗn tạp về Việt Nam: những xác người chết cháy vì bom napalm, những người dân đạp xe, những thôn xóm lều tranh mái lá, những thành phố bị san phẳng như Nam Định hay Phủ Lý, những hầm tăng-xê hình ống chỉ vừa đủ cho một người chui lọt nằm rải rác trên các vỉa hè Hà Nội, những chiếc mũ rơm dày mà các em học sinh thường đội để tránh bom bi".
Nhưng khi được đến thăm và trực tiếp chứng kiến, trải nghiệm cuộc sống ở Việt Nam, Sontag nhận thấy Việt Nam là một cộng đồng, một thế giới quá khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, tâm lý, tính cách, tư tưởng với chính những suy nghĩ ban đầu của bà. Để rồi, chính những khám phá về con người nơi đây đã để lại trong bà nhiều trăn trở, rối bời, khó nắm bắt, khó lý giải.
Như việc, sau một thời gian ở Hà Nội, Sontag ra ngoài đi dạo một mình thường xuyên hơn, bất cứ khi nào trời không oi bức quá. Bà cố gắng hiểu những ánh mắt người ta dành cho mình, thưởng thức cái danh tính nhập nhằng được hậu thuẫn nhờ chuyện bà không biết tiếng Việt và chỉ có thể ngoảnh lại cười.
"Chắc hẳn có rất ít người nước ngoài ở Hà Nội - ngoại trừ trong phạm vi vài dãy phố quanh khách sạn Thống Nhất, tôi chưa từng gặp ai trên đường mà không phải người Việt; thế nhưng bây giờ tôi đi lại nghênh ngang giữa mọi người mà chẳng cần ai hộ tống, như thể tôi có toàn quyền được lảng vảng quanh Hà Nội và mong được tất cả mọi người, đến tận cụ già cuối cùng ngồi chồm hổm bán sáo trúc bên lề đường, hiểu rõ và phớt lờ theo kiểu thân thiện của họ" - Sontag viết.
Và rồi, tác giả Chuyến thăm Hà Nội nhận xét rằng: "Người dân ở đây sinh động, rõ ràng là thích giao du, nhưng đáng chú ý là họ ít gây gổ với nhau. Ngay cả những khi đường phố đông đúc nhất, cũng hiếm nghe thấy ồn ào lời qua tiếng lại. Dù tôi thấy nhiều trẻ nhỏ có vẻ thiếu dinh dưỡng, nhưng chẳng bao giờ tôi nghe thấy đứa nào quấy khóc".
Còn rất nhiều những suy tưởng tương tự khác mà Susan Sontag giãi bày trong cuốn sách của mình. Những suy tưởng ấy biến Chuyến thăm Hà Nội trở thành một "cuộc hành trình nội tâm" của riêng cá nhân tác giả, nhưng cũng đầy gợi mở cho người đọc hôm nay thêm hiểu về một giai đoạn lịch sử đặc biệt được soi chiếu từ góc nhìn phía bên ngoài.
Vài nét về Susan Sontag
Susan Sontag (1933 - 2004) là nhà văn, nhà phê bình, triết gia và nhà hoạt động chính trị người Mỹ - người được đánh giá là một trong những trí thức có ảnh hưởng nhất trong thế hệ của bà. Các tác phẩm nổi tiếng của bà gồm: Against Interpretation (1966), On Photography (1977), Illness as Metaphor (1978), The Way We Live Now (1986), The Volcano Lover (1992), In America (1999) và Regarding the Pain of Others (2003).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất