12/04/2023 19:00 GMT+7 | Văn hoá
Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã tổ chức hội thi Nhạc-Kịch tiếng Anh về lịch sử Việt Nam, với hơn 40 trường tiểu học trên địa bàn thành phố đăng ký tham dự. Các bạn nhỏ trình diễn ca và kịch bằng tiếng Anh về các nhân vật anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản, Võ Thị Sáu, Kim Đồng, Lê Văn Tám…
Qua hội thi này, những bạn trẻ tham gia dự thi và khán giả, sẽ hiểu thêm về các trang sử hào hùng của Việt Nam. Hội thi này đã nhận được sự cổ vũ rất lớn từ phụ huynh và khán giả. Bằng sự hồn nhiên, các bạn nhỏ đã có nhiều buổi trình diễn vô cùng sống động. Ngày 22/4/2023, Ban tổ chức sẽ công bố kết quả.
Lần đầu tiên dùng tiếng Anh kể sử Việt
Việc dùng công cụ nghệ thuật để kể lại lịch sử là điều đã cũ, nhưng việc dùng ca kịch tiếng Anh để nói về sử Việt có lẽ là lần đầu tiên - một phương pháp khá mới mẻ. Những bạn nhỏ ở tuổi tiểu học vừa luyện được tiếng Anh, vừa ghi nhớ thêm sử Việt. Trong tương lai, với sự trau dồi thêm, các bạn trẻ này hoàn toàn có thể kể được chuyện Việt Nam cho bạn bè quốc tế nghe bằng ngôn ngữ tiếng Anh một cách vững chãi.
Đây cũng là cách mang giá trị Việt ra thế giới và đồng thời nâng cao ý thức gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc. Vì vậy mà, việc xếp thứ hạng giải dù có ý nghĩa tạo động lực, nhưng điều đó không quan trọng bằng ý nghĩa và thông điệp của hội thi. Các bạn nhỏ học tiếng Anh có tinh thần hướng ngoại, sẵn sàng du nhập văn hóa thế giới, nhưng được khuyến khích mê thích thêm sử Việt, thương yêu văn hóa, ấy là điều rất ý nghĩa.
Đạo diễn Nguyễn Thiên Kim, người dàn dựng tiết mục Anh hùng Trần Quốc Toản - Hào khí Việt Nam, cho biết: "Dựng tiểu phẩm lịch sử đã khó, dựng tiểu phẩm lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh, lại do các em nhỏ diễn, càng khó hơn rất nhiều. Chúng tôi làm việc miệt mài, tập suốt một thời gian dài, để các em có thể thuộc tuồng bằng tiếng Anh, rồi hát đúng nhịp, rồi diễn xuất cho đúng điệu bộ này kia".
Thiên Kim nói thêm: "Khi hội thi kết thúc, tôi nằm xuống ngủ một lèo 2 đêm để lấy lại sức. Nhưng giờ đây, ngồi nhớ lại cả hành trình, thì thấy rất hạnh phúc. Bởi vì chúng tôi đã góp một phần công sức rất nhỏ của mình vào việc giúp các bạn nhỏ hiểu hơn về lịch sử Việt. Cái sự hiểu của các bạn nhỏ được thể hiện qua lời thoại và thái độ, cử chỉ nhân vật. Khi cần hào hùng rất hào hùng, khi cần lắng đọng rất lắng đọng".
Được biết, sau thành công của hội thi năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đang cân nhắc đến việc tổ chức định kỳ hằng năm. Năm nay, ngoài những trường tiểu học "thuần Việt", đã có các trường tiểu học dạy song ngữ Anh - Việt tham gia, cũng là một cách tốt để các em nhỏ trau dồi thêm Anh ngữ.
Thế hệ trẻ… dốt sử?
Vào năm 2022, trên mạng xã hội xuất hiện video về một chàng trai người Palestine sống tại Hà Nội, học và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Chàng trai này làm cuộc khảo sát vui, với một câu hỏi khá đơn giản: Ai là người đặt tên nước Việt Nam? Chàng trai đi qua nhiều khu vực của Hà Nội để hỏi các bạn trẻ. Đa số đều trả lời sai. Rồi chàng trai ngoại quốc hỏi cả những người ngoài 60 tuổi, cũng nhận được câu trả lời sai. Đến khi ghé lại phố ông đồ, một nhà thư pháp mới trả lời dễ dàng rằng người đặt tên nước Việt Nam là Nguyễn Ánh, tức vua Gia Long. Trước đó nữa, một bạn Việt Nam phỏng vấn các bạn trẻ rằng Nguyễn Huệ và Quang Trung có phải là hai người khác nhau? Phần lớn đều trả lời đó là hai người khác nhau.
Hai khảo sát ngắn này phần nào đánh giá được kiến thức lịch sử của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay. Điều này cũng được nhắc đi nhắc lại rất nhiều từ chính những người làm giáo dục, từ các hội thảo về lịch sử. Rằng cách dạy lịch sử Việt Nam hiện nay quá khô khan, không đủ sinh động để tạo sức hấp dẫn cho người học. Hệ lụy là phần đông thế hệ tương lai của đất nước khá mù mờ về các trang sử vẻ vang của dân tộc.
Ngược lại, cũng là các bạn trẻ Việt ấy, nhưng vì xem rất nhiều phim cổ trang, lịch sử, giả sử của Trung Quốc, Hàn Quốc… nên nắm khá rõ các nhân vật hoặc sự kiện của các nước này. Điều này đã đánh động vào suy nghĩ của những nhà sư phạm lẫn nghệ sĩ, vì vậy, cả hai lĩnh vực này đều có sự vận động để làm sao biến các trang sử hào hùng trở nên hấp dẫn hơn với các bạn trẻ.
Nhiều năm qua tại TP.HCM, đã có nhiều buổi cải lương, kịch học đường bám chặt vào chủ đề tôn vinh các anh hùng dân tộc, các vở tuồng lịch sử. Đó là những trích đoạn ngắn do các diễn viên chuyên nghiệp trình diễn tại khuôn viên trường học. Sau buổi diễn, các bạn học sinh sẽ được giao lưu với nghệ sĩ để giải tỏa thắc mắc của mình. Cách làm này tạo nên những hiệu quả tích cực, vì lịch sử được kể bằng lời hát và diễn xuất, nên lôi cuốn hơn. Tài nghệ, sự nổi tiếng của nghệ sĩ dễ tạo nên một ấn tượng sâu sắc, có thể giúp các em ghi nhớ được những gì đã xảy ra trong quá khứ của dân tộc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất