Dậy sóng biển Đông

18/03/2013 12:04 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) -Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm do NXB Quân đội nhân dân vừa được tái bản với nhiều nội dung mới được bổ sung, cập nhật. Một cuốn sách đáng để đọc, không chỉ vì liên quan đến một vấn đề “nóng” hiện nay là biển Đông và bảo vệ chủ quyền lãnh hải của đất nước.

10 năm cho một bản thảo

Sách Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm vừa được tái bản

Trân trọng giở từng trang sách, tôi không khỏi nhớ lại kỷ niệm xưa khi mới bước vào giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội ở nơi sơ tán trong rừng sâu tại xóm Trại Chuối, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và sau đó phải đi sơ tán nhiều nơi khác để tránh bom đạn của giặc Mỹ. Tác giả của cuốn sách này, Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang và Nguyễn Mạnh Hùng, khi ấy đang là sinh viên khoa Sử khóa 13 (1968-1972). Năm 1972, không được một ngày ngơi nghỉ, cả ba, Việt, Giang và Hùng, khi ấy đang học năm cuối, đã lên đường tòng quân, và đều được điều về Quân chủng Hải quân. Tôi cùng nhiều bạn học ngày ấy được tuyển chọn làm phóng viên chiến trường của TTXVN chi viện cho miền Nam đang trong giai đoạn quyết liệt nhất và quyết định nhất. Các bạn đồng môn của chúng tôi học xong mỗi người một ngả, hoàn cảnh chiến tranh không kịp liên hoan chia tay. Đó là thế hệ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc... “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai...”.

Sau ngày đất nước thống nhất, Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang và Nguyễn Mạnh Hùng đã sớm có tác phẩm đầu tay đề cập đến lịch sử quân thủy là một trong những đề tài nghiên cứu còn mới mẻ ở Việt Nam. Có thể nói cho đến thời điểm này, tuy tái bản lần hai nhưng dường như đây vẫn là cuốn sách nghiên cứu chuyên khảo “độc nhất vô nhị” về “quân thủy” ở nước ta.

Từ khi mới nhập lính hải quân, ngày 5/8/1972 ba chàng sinh viên năm cuối khoa Sử ấy đã bắt đầu phác thảo đề cương cuốn sách (5/8 cũng là ngày truyền thống của Bộ đội Hải quân). Nhưng phải 10 năm sau, cũng vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Hải quân, sau khi cả ba đã xuất ngũ về công tác tại các cơ quan nghiên cứu khoa học, giảng dạy đại học và báo chí quân đội, bản thảo mới được hoàn thành.

Cuốn sách in lần thứ nhất vào cuối năm 1982 với 11.000 bản.

Đứng trước biển

Ở lần tái bản này, cuốn sách được bổ sung thêm nhiều tư liệu mới và quý, trong đó đặc biệt đáng chú ý là tư liệu về tàu thuyền và các vũ khí liên quan. Đáng kể nhất là những hình vẽ quân tướng cùng vũ khí và tàu thuyền quân Nguyên thế kỷ XIII, khi tấn công Nhật Bản, những chiếc “hỏa hổ” người Nhật khai quật được còn khá nguyên vẹn, những súng pháo và tàu thuyền mới khai quật được ở Việt Nam và các nước láng giềng...

Hiểu biết về địa danh, nơi diễn ra các trận đánh cũng được cụ thể và chi tiết hơn nhờ công tác nghiên cứu lịch sử ở các địa phương đã phát triển, các tác giả đã có điều kiện đến tận nơi các địa danh: Bình Than, Vân Đồn, Rạch Gầm - Xoài Mút, Phú Xuân, Thị Nại... Thậm chí, trong cuộc khai quật khu mộ táng Động Xá (Hưng Yên) cùng các chuyên gia Đại học và Bảo tàng Quốc gia Australia, Tiến sĩ Nguyễn Việt đã trực tiếp khai quật phát hiện một phần chiếc thuyền gỗ cổ thời Đông Sơn có niên đại 2.100 năm cách ngày nay. 



Hình ảnh trong sách Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm vừa được bổ sung tái bản lần 2

Ông cũng đã phát hiện ra chứng tích gốm sứ Trại Yên Hưng, nơi Nguyên sử chép Ô Mã Nhi đánh vào trước một tuần diễn ra trận đánh, cũng như xương cốt người có khả năng chết trong trận Bạch Đằng năm 1288. Thông tin tư liệu thu thập được ngày càng nhiều về các vấn đề liên quan đến chủ quyền vùng biển như hải đồ, sắc phong... đã được bổ sung dưới dạng các chú giải nhằm làm rõ, phong phú thêm tuyến mạch của cuốn sách Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm.

Quân thủy Việt Nam có lịch sử rất lâu đời. Có thể nói, quá trình hình thành Nhà nước Văn Lang từ ba - bốn nghìn năm trước đây cũng chính là quá trình hình thành những cơ sở vật chất đầu tiên của quân thủy cổ đại Việt Nam. Thuyền chiến khắc trên các trống đồng là hình tượng tiêu biểu cho quân thủy buổi bình minh đó. Vì vậy, lịch sử quân thủy cổ trung đại của nước ta còn là lịch sử của biết bao chiến công hiển hách, chói ngời tinh thần xả thân vì nước, dũng cảm hy sinh cũng như tài năng đánh thủy kiệt xuất của các thế hệ quân thủy Việt Nam.

Việt Nam phải trở thành cường quốc biển mới có thể hy vọng bảo vệ, quản lý và khai thác hiệu quả hơn 3.000km bờ biển, hàng nghìn hải đảo và một vùng hải phận rộng lớn

Phần lớn các chiến công oanh liệt trong lịch sử dân tộc đều gắn liền với thủy quân hoặc có phần đóng góp của thủy quân. Đó là những Bạch Đằng, Chương Dương, Hàm Tử, Vân Đồn, là Rạch Gầm - Xoài Mút... Đất nước có sông ngòi dày đặc, có biển bao la, lại có truyền thống yêu nước lâu đời, tất yếu lập nên nhiều võ công trên chiến trường sông biển, làm rạng rỡ non sông đất nước ta như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ...

Đọc sách Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm, góp phần giúp chúng ta nhận biết rõ hơn bản chất và biểu hiện của truyền thống đánh thủy, càng tự hào một cách có cơ sở về tài thủy chiến của ông cha ta, về những tài năng xuất sắc cũng như những tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng trên chiến trường sông nước. Nhận thức đúng bản chất và biểu hiện của truyền thống đánh thủy, quy luật đánh thủy trong lịch sử, chúng ta cũng nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của những truyền thống và quy luật đó, cả trong quá khứ cũng như trong hiện tại, để phát huy, đồng thời khắc phục.

Đất nước đang đứng trước hai thử thách và một vấn đề lớn liên quan đến biển. Thứ nhất là đối phó với tác hại và tác lợi của biến đổi khí hậu dẫn đến mực nước biển dâng. Thứ hai là đối phó với những tranh chấp chủ quyền biển Đông. Trước hai thử thách nói trên, một vấn đề lớn đã cuốn hút trí tuệ và sức lực của cả dân tộc, đó là xây dựng, hoàn chỉnh thực hành chiến lược biển. Việt Nam phải trở thành cường quốc biển mới có thể hy vọng bảo vệ, quản lý và khai thác hiệu quả hơn 3.000 km bờ biển, hàng nghìn hải đảo và một vùng hải phận rất rộng. Hải quân nhân dân ta ngày nay ra đời trong những điều kiện lịch sử mới, ngày càng được xây dựng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển của đất nước, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển yêu quý của Tổ quốc như Bác Hồ kính yêu đã dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Đọc lại Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm, càng hiểu và thấm thía hơn điều này

Mạnh Vũ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm