01/01/2023 19:58 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Dưới đây là những phát hiện hàng đầu về Nam Cực trong năm 2022 vừa qua, khi các nhà khoa học khám phá được hàng loạt bí mật bên dưới lục địa băng giá này.
Nam Cực không chỉ là lục địa lạnh nhất; đây còn là nơi che giấu nhiều bí mật nhất. Nằm ở khu vực xa xôi và có khí hậu khắc nghiệt bậc nhất Trái Đất, bên dưới lớp băng Nam Cực là một kho tàng những điều kỳ lạ luôn chờ được chúng ta khám phá.
Dưới đây là những phát hiện hàng đầu về Nam Cực trong năm 2022 vừa qua.
"Thế giới bí mật" dưới lớp băng
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một hệ sinh thái chưa từng thấy, tại một dòng sông ngầm nằm sâu bên dưới bề mặt băng giá của Thềm băng Larsen.
Môi trường sống bí mật nằm trong một khu vực rộng khoảng 1.640 feet (500 mét) bên dưới bề mặt băng. Khám phá này được thực hiện sau khi các nhà khoa học sử dụng một máy khoan nước nóng khổng lồ để khoan sâu vào thềm băng.
Trước đó, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy cấu trúc ngầm dưới lòng đất nói trên sau khi nhận thấy một đường rãnh bất thường trong hình ảnh vệ tinh của Thềm băng Larsen. Trong quá trình khoan xuống băng, các nhà khoa học tưởng chừng không tìm thấy bất cứ khám phá nào thú vị. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy hàng nghìn loài giáp xác nhỏ được gọi là amphipods, khi chúng "nhảy lên nhảy xuống vì sung sướng" trước màn hình camera.
Điểm sâu nhất Nam cực được lập định vị chi tiết
Một bản đồ mới về Nam Đại Dương đã mang đến cho các nhà khoa học cái nhìn chi tiết nhất cho đến nay về đáy biển xung quanh Nam Cực, bao gồm cả điểm sâu nhất của nó, "Factorian Deep". Nằm ở độ sâu khoảng 7.437 m dưới mặt biển, hay tương đương 17 Tòa nhà Empire State xếp chồng lên nhau, Factorian Deep chỉ được phát hiện vào năm 2019. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết làm thế nào Factorian Deep có thể khớp với khu vực đáy biển xung quanh.
Được biết, bản đồ mới này được tổng hợp từ hơn 1.200 bộ dữ liệu sonar, được thu thập chủ yếu bởi các tàu khoa học, và bao quát toàn bộ hơn 18,5 triệu dặm vuông (48 triệu km vuông) đáy biển. Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể sử dụng biểu đồ đáy biển để xác định các ngọn núi dưới nước, có thể là 'điểm nóng' của sinh vật biển.
Loài thực vật nở bất chấp logic
Các nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra những loài thực vật phù ẩn sâu bên dưới bề mặt đại dương ở cả hai vùng cực của Trái đất. Đáng nói, loài thực vật này trước đây từng được đánh giá là không thể tồn tại hay phát triển ở môi trường sống khắc nghiệt như vậy.
Theo đó, các nhà khoa học trước đây đã cho rằng không có đủ ánh sáng có thể chiếu sâu xuống bên dưới lớp băng biển cực để thực vật phù du tạo ra đủ năng lượng để tồn tại. Nhưng các nghiên cứu mới tiết lộ rằng, loại thực vật này có thể phát triển mạnh chỉ với 1% ánh sáng lọt được xuống đáy biển.
Ở Nam Cực, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phao lặn sâu để đo lượng chất diệp lục-a, một sắc tố được sử dụng bởi tảo và các loại thực vật khác trong quá trình quang hợp. Khu vực khảo sát được thực hiện tại vùng nước sâu bên dưới lớp băng biển, vốn được cho là tồn tại một lượng lớn thực vật phù du.
Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng việc giảm số lượng và tuổi thọ của băng biển do biến đổi khí hậu có thể giúp thực vật duy trì sự phát triển dưới biển, bằng cách tối đa hóa lượng ánh sáng mà chúng nhận được.
Phát hiện mã gen có niên đại 1 triệu năm tuổi
Các nhà nghiên cứu đã vô tình khai quật được ADN của các vi sinh vật cổ đại, với một số trong số đó niên đại khoảng 1 triệu năm tuổi. Đây là phát hiện được thực hiện khi các nhà nghiên cứu thực hiện hoạt động thu thập các mẫu trầm tích đáy biển ở Biển Scotia thuộc Nam Đại Dương theo định kỳ.
Được biết, vật liệu di truyền cổ đại này được kéo lên từ độ sâu lên tới 584 feet (178 m) dưới đáy biển và có niên đại từ 1 triệu năm đến khoảng 540.000 năm trước. Các nhà khoa học không chắc các mẫu gen lâu đời nhất thuộc về loài nào. Tuy nhiên, những mẫu gen được khai quật gần đây nhất có thể bắt nguồn từ một nhóm thực vật phù du được gọi là tảo cát. Các tảo cát có từ thời kỳ cổ xưa của sự nóng lên toàn cầu và có thể cung cấp manh mối về cách các hệ sinh thái biển của Nam Cực sẽ ứng phó với biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Phát hiện sông ngầm khổng lồ bên dưới Nam Cực
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một dòng sông ngầm khổng lồ chảy bên dưới bốn khối băng riêng biệt, bằng cách sử dụng radar xuyên băng gắn trên máy bay. Con sông này dài hơn sông Thames ở Anh và hút băng tan chảy từ một khu vực có diện tích bằng cả Pháp và Đức cộng lại và đổ vào biển Weddell.
Nếu toàn bộ khu vực này tan chảy do biến đổi khí hậu, nó có thể làm tăng mực nước biển toàn cầu thêm 14,1 foot (4,3 m), điều này có thể gây ra những hậu quả thảm khốc. Các nhà nghiên cứu cũng bày tỏ sự nghi ngờ về cả một hệ thống sông ngầm xuyên lục địa Nam Cực.
Hàng triệu tổ cá phát hiện dưới đáy biển
Các nhà khoa học trên một con tàu phá băng ở Nam Cực đã vô cùng ngạc nhiên khi họ phát hiện ra một khu vực chứa tới 60 triệu tổ cá băng nằm rải rác dưới đáy Biển Weddell.
Những chiếc tổ được phát hiện một cách tình cờ bằng cách sử dụng các thiết bị thăm dò dưới đáy biển, trên một con tàu khoa học có sứ mệnh nghiên cứu cá voi.
Các tổ nằm cách nhau 25 cm, trải dài trên một khu vực có diện tích khoảng 240 km2. Một cặp cá bố - mẹ đứng gác trên mỗi tổ, vốn chứa trung bình 1.700 quả trứng. Khu vực này cũng rải rác xác cá băng, cho thấy đàn cá băng khổng lồ này là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái thiên nhiên nơi đây, khi chúng là con mồi ưa thích của hải cẩu Weddell.
Hồ nước khổng lồ dưới lớp băng
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một hồ nước có kích thước rộng như một thành phố, ẩn sâu bên dưới lớp băng ở Đông Nam Cực. Được đặt tên là Hồ Snow Eagle, hồ nước ngầm này có diện tích bề mặt là 143 dặm vuông (370 km vuông) và nằm trong một hẻm núi sâu một dặm, bên dưới lớp băng dày 3,2 km.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra hồ sau ba năm khảo sát toàn diện trên không bằng cách sử dụng radar và các cảm biến đặc biệt được thiết kế để đo những thay đổi cực nhỏ trong lực hấp dẫn của Trái đất. Các chuyên gia tin rằng nó có thể chứa trầm tích có niên đại 34 triệu năm tuổi, già hơn cả dải băng và có thể làm sáng tỏ Nam Cực trông như thế nào trước khi lục địa này đóng băng.
Sông băng ngày tận thế gặp nguy hiểm
Trong khi quá trình lặn sâu xuống dưới sông băng Thwaites của Nam Cực, vốn biệt danh là "Sông băng Ngày tận thế", các tàu ngầm không người lái đã phát hiện sông băng này đang bám chặt vào đáy biển bên dưới bằng các 'móng vuốt băng' đầy sắc nhọn.
Tuy nhiên, một khi các mấu băng này tách ra, sự diệt vong của thềm băng Thwaites có thể đến sớm hơn dự kiến do tốc độ chuyển động nhanh và lượng băng mất đi tăng đột biến. Một bản đồ mới về khu vực đáy biển xung quanh thềm băng Thwaites đã tiết lộ một loạt các rãnh song song bị bỏ lại khi nó cào dọc theo đáy đại dương, trong các giai đoạn thềm băng này tan chảy nhanh chóng chưa từng được biết đến trong vài thế kỷ qua.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng kiểu tan chảy nhanh chóng này có thể được kích hoạt trở lại bởi sự nóng lên cực độ do biến đổi khí hậu gây ra.
Tảng băng trôi lớn nhất thế giới sắp tan chảy hoàn toàn
Vệ tinh Terra của NASA đã chụp được một bức ảnh về tảng băng trôi lớn nhất thế giới, A-76A, trôi nổi ở rìa của Eo biển Drake - vùng nước sâu được 'nuôi dưỡng' bởi Hải lưu vòng Nam Cực mạnh mẽ - khi nó bắt đầu hành trình rời khỏi Nam Cực.
Tảng băng khổng lồ dài khoảng 84 dặm (135 km) và rộng 16 dặm (26 km) lần đầu tiên tách ra khỏi thềm băng Ronne vào năm 2021. Thông thường, khi các tảng băng trôi vào Eo biển Drake, chúng nhanh chóng bị dòng hải lưu mạnh kéo về phía đông, trước khi bị cuốn về phía bắc vào vùng nước ấm hơn, nơi chúng tan chảy hoàn toàn ngay sau đó.
Tham khảo Live Science
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất