Day dứt với sự tàn phá của chiến tranh trong ‘Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín’

19/06/2023 09:26 GMT+7 | Văn hoá

"Với cách xây dựng nhân vật, cách kể chuyện trung thực nhưng chứa đựng sau đó là các thông điệp, nhà văn Nguyễn Một đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc chiến" - nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận xét về Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín.

Vào chiều ngày 18/6, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt cuốn tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của nhà văn Nguyễn Một, với sự góp mặt của các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh, Yên Ba, Y Ban, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp… cùng đông đảo những bạn đọc mến mộ nhà văn Nguyễn Một.

Từng rất thành công với hai cuốn tiểu thuyết Đất trời vần vũ Ngược mặt trời bằng phong cách huyền ảo, nhưng lần này nhà văn Nguyễn Một quyết định đào sâu mảnh đất hiện thực bằng những chiêm nghiệm đời sống của chính tác giả.

Day dứt với sự tàn phá của chiến tranh trong ‘Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín’ - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Một (giữa) chia sẻ trong buổi ra mắt tiểu thuyết mới (Ảnh: CAND)

Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín là câu chuyện chân thực về cuộc tình của một chàng trai nông thôn trốn lính lên thành phố rồi đem lòng yêu một cô bé ở vùng ven phố thị.

Câu chuyện tình ấy diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh đang trong giai đoạn rực lửa. Và bao trùm lên số phận mỗi nhân vật là vận mệnh của đất nước khi đang bị chia cắt bởi cuộc chiến lịch sử.

Nhà báo Yên Ba - người đã tiếp xúc với Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín từ lúc còn là bản thảo sơ khai - cho rằng: "Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này khá lạ. Là một nhân vật không ác, không thiện. Cuốn sách trải dài theo chiều lịch sử trong giai đoạn tang thương của đất nước. Ở đó, sự vô minh của con người trong thời chiến và số phận con người trở nên nhỏ bé trong cuộc chiến vô tri được nhấn mạnh bằng một thủ pháp hoàn toàn khác hai tiểu thuyết trước của Nguyễn Một".

Day dứt với sự tàn phá của chiến tranh trong ‘Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín’ - Ảnh 2.

Bìa cuốn tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín

Có mặt tại buổi ra mắt, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, cuốn tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín đã viết về chiến tranh với góc nhìn đầy mới mẻ: "Chúng ta đang sống gần 50 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Người Mỹ đã rời khỏi đất nước chúng ta rất lâu nhưng có một "chiến trường" vẫn còn nguyên vẹn trong tâm hồn của những người đã trải qua cuộc chiến khốc liệt. Cho nên trong tim người Việt cuộc chiến tranh vẫn còn những dư âm ở lại tiếp tục tàn phá một phần nào đó trong tinh thần chúng ta.

Sau 50 năm, nhà văn Nguyễn Một - một trong những nhà văn thuộc thế hệ sau năm 1975 vẫn phải ngồi xuống để trầm mặc về cuộc chiến tranh đó bằng ký ức, bằng tư liệu và cách nhìn của mình. Và ông đã trở thành một người tham dự chính thức cuộc chiến tranh qua những trang viết của mình".

Cũng trong buổi lễ, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama cũng gửi tới lời chúc mừng dành cho nhà văn Nguyễn Một với tư cách là một người bạn thân thiết và gần gũi với các nhà văn Việt Nam.

Day dứt với sự tàn phá của chiến tranh trong ‘Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín’ - Ảnh 3.

Ông Saadi Salama, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam (Ảnh: CAND)

Ông chia sẻ: "Đất nước Việt Nam đã trải qua cuộc chiến tranh ác liệt trong quá khứ và cho đến nay các bạn đã được hưởng hòa bình, độc lập. Tôi luôn theo dõi văn học Việt Nam, về những tác phẩm viết vào những năm 30 của thế kỷ trước, các tác phẩm hậu chiến và đó chính là "món ăn tinh thần" giúp tôi hiểu hơn về đất nước Việt Nam. Đọc tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của nhà văn Nguyễn Một cũng như tác phẩm trước đó về chiến tranh ở Việt Nam của tác giả khác đã truyền động lực, niềm tin mạnh mẽ về tương lai hòa bình của đất nước chúng tôi".

Chia sẻ với truyền thông và các độc giả, Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín đã được nhà văn "thai nghén" từ năm 2012, ngay sau khi hoàn thành cuốn Đất trời vần vũ. Nhưng phải đến hơn 20 năm sau, cuốn tiểu thuyết này mới chính thức hoàn thiện và được phát hành. Ông khẳng định bản thân viết về đề tài chiến tranh để muốn thế hệ trẻ ngay nay biết về quá khứ, để từ đó biết cách ứng xử với tương lai.

Nhà văn Nguyễn Một (sinh năm 1964) còn có bút danh là Dạ Thảo Linh khi viết những cuốn sách dành cho thiếu nhi như Hoa dủ dẻ, Năm đứa trẻ xóm đồi, Long lanh giọt nắng, Múa trái chín… Ông là tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể tài từ truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn đến tiểu thuyết.

Minh Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm