Dấu tích những trận thủy chiến bảo vệ và thực thi chủ quyền

03/12/2016 06:18 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Như Thể thao & Văn hóa đã đưa tin trong hai số báo gần đây, những phát hiện khảo cổ đã củng cố thêm cho sự hiện diện sớm và liên tục của người Việt tại Biển Đông. Đó không chỉ là tuyến giao thương quan trọng trong lịch sử hàng hải thế giới mà còn nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt chống giặc phương Bắc.

Các tư liệu mới về những chiến thắng oanh liệt ở Vân Đồn, Bạch Đằng…, hay về đội tàu bọc đồng của nhà Nguyễn trong quá trình thực thi chủ quyền ở biển vừa được trình bày trong hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm nay. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền trên Biển Đông và sức mạnh thủy chiến của dân tộc Việt khi đất nước bị xâm phạm.

Phát hiện mới về di tích Bạch Đằng, Vân Đồn

Theo đánh giá của các chuyên gia, khảo cổ học liên quan tới chủ quyền lãnh thổ năm qua thu được nhiều thành tựu. Đặc biệt, lĩnh vực khảo cổ học chiến trường, khảo cổ học dưới nước đã có những phát hiện quan trọng, phác họa rõ nét hơn về các cuộc thủy chiến của người Việt khi các đạo quân xâm lược phía Bắc tràn xuống qua đường biển. Cụ thể các nhà khảo cổ đã phát hiện những mảnh bình vỏ sành thời Trần, mảnh gốm men ngọc của Trung Quốc thời Nguyên ở Vân Đồn (Quảng Ninh).

Những phát hiện này củng cố thêm những cứ liệu về chiến thắng của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư năm 1288 ở Vân Đồn. Trận chiến đã nhấn chìm đoàn thuyền lương của Trương Vân Hổ xuống Biển Đông này có tính chất bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 của nhà Trần.

Những phát hiện khảo cố mới gồm: một đoạn xương người có vết chặt (đây là đoạn xương thứ 6 tìm được ở Bạch Đằng), thêm một cọc gỗ và những đồ gốm men... ở bãi cọc Bạch Đằng ở Yên Giang.   

Tiến Sĩ Lê Thị Liên, Trưởng phòng Khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận định: Việc nghiên cứu chi tiết về các địa tầng và phạm vi phân bố các di vật sẽ góp phần quan trọng vào việc diễn giải chiến lược, quá trình chuẩn bị, quy mô và diễn biến của trận chiến năm 1288.

Tàu bọc đồng thời vua Minh Mệnh chạm trên Cao đỉnh. Nguồn: Covathue.com

Tàu bọc đồng nhà Nguyễn và bài học lịch sử

Bên cạnh những kết quả khảo cổ ở Quảng Ninh, nghiên cứu về tàu bọc đồng, phương tiện bảo vệ chủ quyền biển đảo thời Nguyễn của TS Phạm Hữu Công, Phó GĐ Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cũng thu hút sự quan tâm của giới học giả.

Trong nghiên cứu của mình, TS Phạm Hữu Công thống kê tỉ mỉ đội tàu thời Nguyễn về số lượng qua các giai đoạn, vũ khí trang bị trên tàu, kỹ thuật đóng tàu... Sau những phân tích cặn kẽ về sức mạnh thực sự của thủy quân nhà Nguyễn, TS Công nói về quá trình bảo vệ, thực thi chủ quyền và vươn khơi bang giao của đội tàu bọc đồng: "Những chiếc thuyền hiện đại nhất của Việt Nam thời bấy giờ có nhiệm vụ đi tuần ngoài Biển Đông chống cướp biển... Chúng nhiều lần được phái đi công cán nước ngoài. Có thể kể hai chiếc thuyền của Thụy Long, Phấn Bằng đã đi đến Hạ Châu (Malaysia), thuyền Linh Phương đã đến Giang Lưu Ba (Jakarta, Indonesia)... và có nhiệm vụ chở xe vua phục vụ cho những chuyến tuần du xa...".

Những lời ngợi ca về đội tàu bọc đồng mà Nguyễn Ánh là người đầu tiên đặt nền móng cũng xuất hiện nhiều trong các thư từ mà các giáo sĩ phương Tây gửi về nước. Những tư liệu này đã được Tạ Chí Đại Trường dịch và phân tích tổng hợp trong cuốn Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802. Tàu bọc đồng đã giúp Nguyễn Ánh kiểm soát mặt biển. Bên cạnh đó, đội tàu bọc đồng vững mạnh này còn liên tục thực thi chủ quyền Việt Nam trên biển khi dẹp yên các toán cướp biển nước ngoài ở Biển Đông. Đội tàu hùng mạnh của nhà Nguyễn cũng sẵn sàng đụng độ với cả những tàu phương Tây để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.  

Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm