Đâu rồi 'cái nôi' bóng đá thành Nam?

07/02/2025 06:47 GMT+7 | Bóng đá Việt

Màn thể hiện siêu hạng của Hendrio Araujo Da Silva giúp Nam Định lội ngược dòng để giữ lại 3 điểm tuyệt đối trên sân Thiên Trường trước đại kình địch Hà Nội FC trong trận đấu sớm vòng 13 V-League 2024/25.

Trước pha solo ấn định chiến thắng 2-1 cho đội bóng thành Nam ở phút 84, Hendrio cũng chính là người mớm bóng để Caio Silva Silveira đặt lòng rất ngọt, đưa trận đấu trở lại vạch xuất phát, khoảng thời gian đầu của hiệp 2. Như thường lệ, các ngoại binh trên hàng công của Nam Định, trước và sau khi Xuân Sơn được nhập tịch, rồi dính chấn thương, vẫn luôn quyết định các chiến thắng và cả danh hiệu cho đội bóng chủ sân Thiên Trường.

Sân Thiên Trường đã mở hội trở lại, ngay trong những ngày đầu Xuân Ất Tỵ, sau 3 trận đấu chỉ toàn hòa và thua, kể từ ngày 14/1. Trong bối cảnh Lạch Tray đã giảm nhiệt với chuỗi kết quả báo động của Hải Phòng, thì chảo lửa Thiên Trường tiếp tục là "kinh đô" của V-League, với sự cuồng nhiệt khó đâu sánh bằng. Tuy nhiên...

Nếu để ý một chút, sẽ không thấy bất cứ một cầu thủ nào trong đội hình xuất phát của đội chủ nhà ở trận tiếp đón Hà Nội, có gốc gác Nam Định hay ít nhất là Hà Nam Ninh (tên gọi cũ từ thời chưa tách tỉnh, với Công nghiệp Hà Nam Ninh từng VĐQG năm 1985). 3/11 cái tên đá chính người Nghệ An (Nguyên Mạnh, Văn Đạt và Văn Kiên), còn lại là Thanh Hóa (Tô Văn Vũ), Thái Bình (Ngô Đức Huy, Tuấn Anh), Bình Định (Dương Thanh Hào), Bình Phước (Hồng Duy) và các ngoại binh.

Cầu thủ trẻ nổi nhất của Nam Định thời gian qua, Nguyễn Văn Vĩ, là người Bắc Ninh và trưởng thành qua màu áo Hà Tĩnh và CLB Hà Nội, trước khi cập bến Thiên Trường và được trao cơ hội.

Người quan sát: Đâu rồi "cái nôi" bóng đá thành Nam? - Ảnh 1.

Đội hình xuất phát của CLB Nam Định ở trận thắng Hà Nội FC không có bất cứ cầu thủ bản địa nào. Ảnh: Hoàng Linh

Vắt qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, mảnh đất học Nam Định từng được xem là cái nôi của bóng đá khu vực đồng bằng Bắc bộ nói riêng, và bóng đá miền Bắc nói chung. Sân Thiên Trường hay Chùa Cuối trước đây từng sản sinh ra bao "kỳ hoa dị thảo" của làng túc cầu. Họ có thể không phải con nhà "trâm anh thế phiệt" ở Nam Định, thì được tuyển mộ từ Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, thậm chí cả Thanh Hóa. Tất cả đều kinh qua lò Nam Định với giai đoạn 2003-2011 là hệ thống 6 sân tập của Trung tâm Đào tạo từng được ví là 5 sao của Việt Nam.

Tuy nhiên, cái Trung tâm cạnh đường 10 hiện chỉ còn vỏn vẹn 2 sân tập, cùng khu nhà ở đã xuống cấp sau khi phần lớn quỹ đất dành để xây dựng Nhà thi đấu đa năng hùng vĩ. Sự hiện diện của Nhà thi đấu đa năng tỉnh Nam Định và hồ bơi cũng triệt tiêu luôn nguồn nước sạch để tưới cỏ các sân tập bóng đá.

Nam Định kể từ sau lứa cầu thủ vô địch U21 QG - Cúp Báo Thanh Niên 2011, thế hệ của anh em nhà Danh Ngọc - Nhật Nam, Nguyễn Hữu Khôi..., đã gần như không sản sinh ra bất cứ tài năng bóng đá nào nữa. Các Học viện và lò đào tạo cỡ lớn đã hút hết tinh hoa của bóng đá xứ sở này, chung quy là do cơ chế và phương pháp làm thiếu hiệu quả. Giai đoạn 2010-2017 cũng là kỷ nguyên tồi tệ nhất của bóng đá thành Nam, khi họ bị trôi xuống giải hạng Nhì QG và chỉ thực sự được tái sinh từ năm 2018, dưới triều đại HLV Nguyễn Văn Sỹ - Nguyễn Văn Dũng (2 anh em ruột và là các tượng đài của bóng đá thành Nam).

Nam Định đang là đại gia số má ở V-League, sàn đấu tiền với tiền, nên không mảy may màng tới tính bản địa và niềm tự hào và chủ nghĩa vùng miền. Họ vẫn chơi rất bốc trên mũi giày các ngoại binh, khán giả cổ vũ rất sung, song nếu hỏi bản sắc nào trong lối chơi, e là khó có câu trả lời.

Bóng đá muốn phát triển, muốn tự cường, bắt buộc phải tạo được tính kế thừa (nguồn lực đào tạo trẻ) và đảm bảo sự liên tục, bằng không chỉ là ăn xổi mà thôi!

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm