Dấu hiệu tại chân cảnh báo căn bệnh nguy hiểm 30-40% người mắc phải đoạn chi

29/04/2023 10:09 GMT+7 | Đời sống

Theo chuyên gia, khi có các dấu hiệu đau nhức chân cần đi khám sớm để loại trừ căn bệnh tắc hẹp động mạch chi.

Đi khám vì đau chân dữ dội

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tiếp nhận điều trị trường hợp người bệnh N.V.H (68 tuổi, ngụ tại TP HCM). Ông H nhập viện trong tình trạng đau nhức chân trái dữ dội, chỉ đi được 10 – 20m là bắp chân đau nhức nhiều, có các vết lở loét đầu ở đầu các ngón chân mãi không lành.

Tại khoa Cấp cứu, sau khi thực hiện các xét nghiệm và đánh giá, bác sĩ xác định ông H bị tắc hẹp động mạch chi. Người bệnh sau đó được nong, đặt stent tái thông mạch máu. Sau can thiệp, các triệu chứng ngay lập tức thuyên giảm, người bệnh đi lại dễ dàng với quãng đường xa hơn 100m. Sau đó, người bệnh tiếp tục được theo dõi, chăm sóc vết loét tại Khoa Lồng ngực – Mạch máu.  

TS.BS Trần Thanh Vỹ, Trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết hơn 75% trường hợp bị tắc hẹp động mạch chi không có triệu chứng ở giai đoạn bệnh khởi phát. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ có tiên lượng rất xấu, cụ thể có khoảng 25% người bệnh tắc hẹp động mạch chi sẽ tử vong và 30 - 40% còn lại phải cắt cụt chi.

Để chẩn đoán bệnh tắc hẹp động mạch chi sớm cần phải đo áp lực động mạch đầu chi và tính chỉ số huyết áp tâm thu cổ chân, cánh tay (ABI), siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp mạch máu qua da số hóa xóa nền (DSA).

Dấu hiệu tại chân cảnh báo căn bệnh nguy hiểm 30-40% người mắc phải đoạn chi  - Ảnh 1.

Bệnh nhân đang được can thiệp (Ảnh: Minh Trí)

Trong đó, chẩn đoán thông qua chỉ số cánh tay - cổ chân với độ nhạy 79 - 95% và độ đặc hiệu 96 - 100% được đánh giá là phương pháp được nhiều người thực hiện nhất. Người không mắc bệnh tắc hẹp mạch máu thường có huyết áp ở mọi vị trí bằng nhau hoặc chênh lệch không đáng kể. Vì vậy, nếu chỉ số huyết áp cánh tay – cổ chân nhỏ hơn hoặc lớn hơn 1 được xem là kết quả bất thường, có nguy cơ mắc bệnh động mạch chi.

Tiến sĩ Thanh Vỹ cho biết không có phương pháp chẩn đoán chung cho tất cả mọi người. Tuỳ thuộc vào từng đối tượng người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chẩn đoán phù hợp. Ví dụ, với phương pháp chụp cắt lớp vi tính, người bệnh phải sử dụng thuốc cản quang đường tiêm tĩnh mạch trong khi chụp. Do vậy không phải ai cũng có thể trạng tương thích để thực hiện phương pháp chẩn đoán này.

BSCKI Nguyễn Đức Chỉnh, Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, chia sẻ có 4 phương pháp điều trị bệnh tắc hẹp động mạch chi cơ bản có thể thực hiện riêng biệt hoặc kết hợp các phương pháp tùy tình trạng sức khỏe của người bệnh. Các phương pháp gồm tập vật lý trị liệu, điều trị bằng thuốc, phẫu thuật bắc cầu động mạch và điều trị can thiệp nội mạch. Trong đó, sử dụng thuốc kháng tiểu cầu là một trong những phương pháp chính điều trị tắc hẹp động mạch chi.

Các phương pháp kinh điển như phẫu thuật bắc cầu động mạch ngày nay cũng đạt được nhiều tiến bộ về kỹ thuật và phương tiện thực hiện. Để cải thiện hiện tượng hẹp động mạch, bác sĩ sẽ lấy mảnh ghép mạch máu khỏe mạnh khác trong cơ thể làm cầu nối giàu oxy bắc qua đoạn mạch bị tắc hẹp. Ngoài mạch máu tự thân, các mạch máu nhân tạo ngày nay cũng được nghiên cứu ghép vào với tính năng tương tự. Một số mạch máu còn được đặt thuốc bên trên để làm cầu nối hiệu quả.

Đối với những trường hợp tổn thương vừa sẽ được các bác sĩ dùng stent (giá đỡ nội mạch), bóng nong động mạch, dây dẫn kích thước nhỏ... Các dụng cụ này có thể giúp bác sĩ xử lý những chỗ hẹp tắc.

Đối với những tổn thương vôi hóa nhiều, bác sĩ cũng đã áp dụng kỹ thuật cắt bỏ mảng xơ vữa bên trong lòng mạch, kết hợp đặt stent hoặc bóng để giúp cho lòng mạnh thông thoáng hơn. Từ đó các chi được cấp máu đầy đủ, giữ được tình trạng chi trọn vẹn cho người bệnh.

Theo các chuyên gia, khi có các dấu hiệu đau nhức chân cần đi khám sớm để loại trừ căn bệnh tắc hẹp động mạch chi.

 

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm